Nâng cao vai trò báo chí trong tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng

NĂNG LƯỢNG Việt nAM
16:46 - 30/08/2023
Toàn cảnh diễn đàn. Nguồn: Báo Công Luận.
Toàn cảnh diễn đàn. Nguồn: Báo Công Luận.
0:00 / 0:00
0:00
Năng lượng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững.

Sáng 30/8, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững”. Diễn đàn được tổ chức nhằm phát huy, nâng cao vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền, góp phần cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Thông tin về bức tranh sử dụng năng lượng tại Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam cho biết, nhu cầu năng lượng tại Việt Nam đã tăng khoảng 10% trong giai đoạn 2001-2010, khoảng 7% trong giai đoạn 2011-2019; Trong khi nhu cầu về điện tăng 13%/năm trong giai đoạn 2001-2010 và hơn 9,7% trong giai đoạn 2011-2021.

Phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2010, khoảng 67,7% năm 2020, và sẽ chiếm khoảng 73,1% và 79,7% vào các năm 2030 và 2050 theo kịch bản thông thường. Trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Long, theo Quyết định số 280 ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, sẽ giảm tiêu thụ năng lượng 5-7% so với tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc giai đoạn 2019-2025, giảm 8-10% giai đoạn 2019-2030.

Còn theo báo cáo đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam đã cam kết cắt giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021 - 2030 so với kịch bản thông thường (BaU) bằng nguồn lực trong nước và có thể tăng lên đến 27% khi nhận được sự hỗ trợ của quốc tế.

"Do đó, người dân cần hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong mọi hoạt động xã hội; Giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế. Tiết kiệm năng lượng cần trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững", ông Nguyễn Văn Long nói.

Trong hành trình hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của đất nước, báo chí đóng vai trò là đơn vị chủ lực trong công tác tuyên truyền sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng.

Để tăng cường vai trò quan trọng đó của báo chí, TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Phó Vụ trưởng, Phó Ban tuyên truyền lý luận, Thư ký Hội đồng khoa học nghiệp vụ Báo Nhân Dân cho rằng, cần chú ý xây dựng kế hoạch, các chiến dịch và chương trình tuyên truyền theo cấp độ quy mô, đối tượng, thời gian và nội dung cụ thể cho mỗi cơ quan báo chí và toàn hệ thống báo chí quốc gia có nội dung trọng tâm, chuyên đề, chuyên mục dung lượng lớn, thường xuyên, với các hình thức tuyên truyền đa dạng thích hợp.

"Hình thức tuyên truyền cần đa dạng hoá và phối hợp hiệu quả các loại hình và thể loại tác phẩm báo chí. Sử dụng nhiều hơn nữa các thể loại báo chí hiện đại, áp dụng các thành tựu công nghệ thông tin vào hoạt động báo chí. Công tác tuyên truyền cần được cụ thể hóa bằng những nội dung chi tiết, gần gũi và sát thực hơn với người dân, doanh nghiệp được chuyển tải một cách hóm hỉnh, sinh động, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm theo", TS Nguyễn Minh Phong lưu ý.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại diễn đàn. Nguồn: Bộ Công Thương.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại diễn đàn. Nguồn: Bộ Công Thương.

Bàn thêm về vấn đề này, TS Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế và đề xuất các sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về sử dụng năng lượng cho phát triển bền vững.

Theo ông Hùng, để nâng cao hiệu quả, công tác truyền thông, thông tin về chủ đề này cần thường xuyên, liên tục, các cơ quan báo chí cần duy các chuyên mục, chuyên đề, đa dạng hóa nội dung và đổi mới hình thức thể hiện thông tin để công chúng dễ tiếp cận, từ đó thay đổi nhận thức và hành vi trong các tầng lớp nhân dân và trong toàn xã hội, tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển năng lượng bền vững.

Ông Đồng Mạnh Hùng cũng đề xuất cần có tầm nhìn tổng thể và dài hạn, gắn chặt với chiến lược về quản lý, sử dụng và phát triển năng lượng, tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng ưu tiên trong từng thời kỳ và từng thời điểm.

"Báo chí chỉ có thể góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu ưu tiên trong quản lý, sử dụng và phát triển năng lượng khi nắm rõ đó là gì, bởi vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin thường xuyên từ các cơ quan chuyên ngành lĩnh vực năng lượng", ông Đồng Mạnh Hùng nhận định.

Bổ sung thêm, bà Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho hay, hiện nay, công tác thông tin tuyên truyền vẫn còn mang tính thời vụ. Để nâng cao hiệu quả, công tác truyền thông, thông tin về chủ đề này cần thường xuyên, liên tục, các cơ quan báo chí cần duy các chuyên mục, chuyên đề, đa dạng hóa nội dung và đổi mới hình thức thể hiện thông tin để công chúng dễ tiếp cận, từ đó thay đổi nhận thức và hành vi trong các tầng lớp nhân dân và trong toàn xã hội, tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển năng lượng bền vững.

Hơn nữa, đây cũng là lĩnh vực chuyên ngành đặc thù, cần có kiến thức chuyên môn, vì vậy Hội Nhà báo và các cơ quan chuyên ngành quan tâm việc tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng cho phóng viên, biên tập viên làm nhiệm vụ thông tin tuyên truyền lĩnh vực này.

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, đại diện các cơ quan báo chí, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng, tiềm năng phát triển ngành năng lượng, những mô hình công nghệ tiết kiệm năng lượng, những chiến lược tuyên truyền sáng tạo, hiệu quả cho sự phát triển ngành năng lượng Việt Nam trong thời gian tới.

Theo tính toán của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Bộ Công Thương), tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam là rất lớn. Trong đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiềm năng tiết kiệm tại đây có thể đạt từ 20% đến 35%. Ngoài ra, các lĩnh vực dân dụng, giao thông vận tải, lĩnh vực xây dựng có thể đạt trên 30%.

Nghiên cứu về phát thải carbon thấp của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy Việt Nam có thể tránh được đầu tư mới tới 12.000MW công suất nguồn phát điện vào năm 2030 nếu thực hiện được toàn diện các giải pháp tiết kiệm năng lượng từ phía cầu sử dụng năng lượng.

Tin liên quan

Đọc tiếp