Ngành ngân hàng đang làm dày bộ đệm dự phòng chống nợ xấu phát sinh

NGÂN HÀNG Việt nAM
20:51 - 01/12/2022
Ngành ngân hàng đang làm dày bộ đệm dự phòng chống nợ xấu phát sinh
0:00 / 0:00
0:00
Theo ACBS, trong trường hợp tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực bất động sản tăng lên 20%, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng thêm 1,6%. Tuy nhiên, điểm tích cực là các ngân hàng đang làm dày bộ đệm dự phòng để tăng khả năng chống chịu nợ xấu phát sinh.

Tại báo cáo cập nhật ngành ngân hàng ngày 30/11 của Chứng khoán ACB (ACBS) ghi nhận, tổng lợi nhuận trước thuế của 17 ngân hàng trong VN-Index tăng trưởng 55,7% so với cùng kỳ.

Với thu nhập lãi thuần và ngoài lãi tăng trưởng lần lượt 31,4% và 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức cao và biên lãi ròng NIM tăng khi gói các ưu đãi lãi vay Covid-19 hết hiệu lực.

Nguyên nhân khác đến từ việc chi phí dự phòng giảm nhẹ 1,8% so với cùng kỳ do áp lực trích lập dự phòng nợ tái cơ cấu không còn đáng kể và một số ngân hàng cũng đang tăng cường trích lập dự phòng cho rủi ro nợ xấu phát sinh sắp tới.

Mặc dù vậy, lợi nhuận quý III/2022 tại nhóm ngân hàng này vẫn giảm 3% so với quý II/2022 do thu nhập ngoài lãi giảm 15,2%. Chuyên gia ACBS lý giải, lợi nhuận giảm do thị trường chứng khoán diễn biến kém thuận lợi khiến mảng lãi từ kinh doanh chứng khoán của các ngân hàng gần như bằng không trong quý III/2022.

Triển vọng kinh doanh giai đoạn tới

Đi sâu vào triển vọng quý IV/2022 và năm 2023, ACBS cho biết, lãi suất liên ngân hàng tăng sẽ tác động tiêu cực đến tỷ lệ thu nhập NIM của các ngân hàng vay ròng liên ngân hàng như Techcombank, VPBank, HDBank, TPBank, MSB và LienVietPostBank.

Trong khi đó, NIM của Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB, ACB và Sacombank sẽ ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố này.

Chất lượng tài sản ổn định trong quý III/2022 nhưng có dấu hiệu suy giảm kể từ quý IV/2022, chuyên gia ACBS đánh giá.

Việc các doanh nghiệp bất động sản đối mặt với áp lực thanh toán khi trái phiếu đáo hạn và một số doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn để hạn chế rủi ro pháp lý làm gia tăng rủi ro nợ xấu và trích lập dự phòng cho các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao.

Chuyên gia ACBS ước tính, tỷ trọng dư nợ tín dụng doanh nghiệp bất động sản của hệ thống là 8% (trong đó 7% là cho vay và 1% là trái phiếu doanh nghiệp). Trong trường hợp tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực bất động sản tăng lên 20%, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng thêm 1,6%.

"Tuy nhiên, điểm tích cực là các ngân hàng đang đẩy mạnh làm dày bộ đệm dự phòng để tăng khả năng chống chịu nợ xấu phát sinh (nếu có). Trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng phương án khả thi nhất là nới hạn mức tăng trưởng tín dụng và tái cơ cấu thời gian thanh toán trái phiếu để giảm áp lực thanh khoản cho các doanh nghiệp", báo cáo viết.

Định giá cổ phiếu ở mức thấp nhất lịch sử

Tại báo cáo cũng cho biết, với diễn biến trên thị trường chứng khoán kể trên, chuyên gia ACBS nhận định, đợt sụt giảm mạnh của thị trường đã đưa giá cổ phiếu ngân hàng về vùng hấp dẫn.

Tại ngày 23/11, ngành ngân hàng được giao dịch ở P/E là 7,1 lần và P/B là 1,3 lần, tương đương với vùng đáy Covid-19 đợt 1 vào tháng 3/2020. Mức định giá này thấp hơn lần lượt 38,1% và 29,6% so với trung bình lịch sử giai đoạn 2010 – 2022.

Mặc dù đánh giá lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng chậm lại trong quý IV/2022 và nửa đầu năm 2023, tuy nhiên, với định giá đang ở mức thấp, ACBS đánh giá cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ là những cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn.

Trong ngắn hạn, chuyên gia nhận định các thay đổi về chính sách và tình hình vĩ mô diễn biến theo hướng tích cực hơn sẽ là những chất xúc tác cho giá cổ phiếu ngành ngân hàng hồi phục.

Tuy vậy, rủi ro giảm giá cổ phiếu ngành ngân hàng trong ngắn hạn phải kể đến tình trạng dòng vốn bị tắc nghẽn kéo dài gây ra cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và làm nợ xấu tăng cao đột biến.

Cùng với đó, lạm phát ở Mỹ duy trì ở mức cao khiến FED phải tăng mạnh lãi suất đồng USD và gây áp lực lên thanh khoản hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp

TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.