Mirae Asset: Tăng trưởng tín dụng có thể chậm lại, nợ xấu nội bảng tăng dần

NGÂN HÀNG Việt nAM
16:44 - 12/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, bộ đệm vốn sẽ là nhân tố quyết định tăng trưởng tín dụng trong trung và dài hạn, trong khi tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng có thể sẽ chậm lại trong quý III/2022. 

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) vừa đăng tải báo cáo chiến lược tháng 9 đối với các nhóm ngành tại Việt Nam. Tại ngành ngân hàng, Mirae Asset cho rằng, tăng trưởng tín dụng trong quý III/2022 có thể sẽ chậm lại.

Nguyên nhân do nhu cầu vốn cao từ cả khối khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức, tăng trưởng tín dụng tính đã đạt 9,35% so với đầu năm, hơn một nửa mức kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cho cả năm từ Ngân hàng Nhà nước là 14%.

Tuy nhiên, do các bất ổn về địa chính trị và kinh tế trên thế giới cũng như quan ngại rủi ro tập trung liên quan đến cho vay bất động sản (đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản), NHNN vẫn đang sử dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng nhằm kiểm soát dòng vốn vay chảy vào bất động sản.

Về tăng trưởng cho cả năm 2022, các chuyên gia Mirae Asset kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng sẽ vượt 14%, dựa trên kết quả tăng trưởng đột biến trong 6 tháng đầu năm. Trong nửa đầu năm, sự tăng giá của các mặt hàng thiết yếu trên thế giới là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát nội địa tăng, hơn là tăng trưởng tiêu thụ nội địa.

"Vì vậy, việc hạn chế tăng tín dụng không hẳn là biện pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, nhưng bơm thêm tiền vào nền kinh tế sẽ làm tình hình trở nên khó kiểm soát hơn. Nhìn chung, việc ngưng cấp thêm tín dụng chỉ mang tính chất tạm thời, và một phần điều tiết lại dòng vốn tín dụng sang các ngành nghề ít rủi ro," báo cáo viết.

Thắt chặt thanh khoản thúc đẩy tăng lãi suất

Trái ngược với tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tiền gửi chỉ đạt hơn 4,5% trong nửa đầu năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng là gần 9,4%. Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có động thái rút ròng khoảng 111.000 tỷ qua kênh OMO.

Vì vậy, nhiều ngân hàng (đặc biệt là các ngân hàng nhỏ) đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Mức tăng lãi suất cũng khá phân hóa giữa các nhóm ngân hàng dao động từ 0,1 điểm % đến 0,5 điểm % trong giai đoạn cuối quý II/2022.

Ngoài ra, Mirae Asset cũng kỳ vọng tiền gửi phục hồi từ động lực lãi suất hấp dẫn, nhằm bù cho các rủi ro đang gia tăng như áp lực lạm phát và tăng lãi suất điều hành của các nền kinh tế lớn, dẫn đến rủi ro mất giá của đồng nội địa, các ngân hàng đang điều chỉnh tăng lãi suất để thu hút dòng tiền tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, các đợt điều chỉnh lãi suất sắp tới sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiền gửi.

Nợ xấu có thể tiếp tục tăng trong nửa sau năm 2022

Theo Mirae Asset, tỷ lệ nợ xấu vẫn có thể tăng trong giai đoạn còn lại của năm 2022 do các khoản nợ tái cơ cấu đang dần hết thời gian ân hạn.

Theo các thông tin của Ngân hàng Nhà nước, nhằm ứng phó với tác động Covid-19 lên hệ thống ngân hàng, các khoản cho vay khách hàng sẽ được phép tái cơ cấu và được giữ nguyên nhóm nợ (nợ nhóm 1).

Đến hết thời gian ân hạn, nếu khoản nợ tái cơ cấu không được trả đúng định kỳ, thì sẽ ngay lập tức trở thành nợ xấu (bỏ qua bước chuyển sang nợ nhóm 2), và các khoản nợ khác của cá thể đi vay đó tại cùng hoặc các tổ chức tín dụng khác sẽ cùng bị xếp hạng tại nhóm nợ thấp nhất.

Tuy nhiên, nếu “khoản nợ tái cơ cấu” có thể hoàn thành giai đoạn thử thách – trả nợ gốc và lãi phát sinh đầy đủ trong 3 tháng liên tiếp sẽ được chuyển lại về nợ nhóm 1 sau khi kết thúc thời gian ân hạn.

Mặc dù vậy, xu hướng chung của nợ xấu vẫn có thể tiếp tục tăng trong nửa sau năm 2022 vì đa phần nợ tái cơ cấu phát sinh trong quý III/2021. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tình trạng nợ xấu sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng tùy thuộc vào tính chất tập khách hàng của từng ngân hàng cũng như các yếu tố vĩ mô như sự phục hồi của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát.

Về tỷ lệ dự phòng nợ xấu, chuyên gia nhận thấy giữa các ngân hàng vẫn tiếp tục phân hóa trong nửa đầu năm 2022. Đáng chú ý, nhiều ngân hàng đã bắt đầu tiết giảm chi phí dự phòng ngay trong bối cảnh các khoản nợ tái cấu trúc đang dần kết thúc thời gian ân hạn, đi kèm với tỷ lệ nợ xấu tăng.

Như vậy, có thể tỷ lệ nợ tái cấu trúc chuyển thành nợ xấu đang diễn biến tốt hơn dự báo, qua đó cho phép các ngân hàng hoàn nhập dự phòng hay hạ thấp tỷ lệ bao phủ nợ xấu.

Mirae Asset ưa chuộng các ngân hàng có chiến lược phòng thủ tốt hơn do các tình hình kinh tế chung vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các ngân hàng sở hữu tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao có khả năng duy trì mục tiêu kép là duy trì tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng tài sản tốt. Các cái tên tiêu biểu như Vietcombank, ACB, và MBBank.

Tại thời điểm cuối quý I/2022, nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn (bao gồm cả nợ đã bán cho VAMC, nợ tái cơ cấu, và nợ nhóm 2) trung bình ngành rơi vào khoảng 5.8%. Trong đó khoảng 4% là nợ tiềm ẩn/ngoại bảng.

Với tỷ lệ thu hồi vào khoảng 65%, phần còn lại khoảng 35% “có thể” trở thành nợ xấu sẽ không phải là một áp lực quá lớn đối với các ngân hàng thương mại lớn có chất lượng tài sản tốt được liên tục duy trì trong nhiều năm trở lại đây, Chứng khoán Mirae Asset nhận định.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.