Ngành ngân hàng dự kiến lãi lớn bất chấp biến số toàn cầu

TÀI CHÍNH Việt nAM
14:38 - 07/03/2022
Ngành ngân hàng dự kiến lãi lớn bất chấp biến số toàn cầu
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều ngân hàng tiết lộ kế hoạch kinh doanh năm 2022 lạc quan, trong đó nhận định bất ổn kinh tế - chính trị trên toàn cầu sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến mục tiêu lợi nhuận của ngành năm nay.

Tín hiệu tăng trưởng tốt từ các ngân hàng

Sắp tới đại hội cổ đông thường niên 2022, nhiều ngân hàng báo lãi lớn với lợi nhuận ghi nhận tích cực hơn so với năm 2021. Trtong đó, VIB dự kiến lợi nhuận năm 2022 đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng, 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 35,7%, lên trên 21.000 tỷ đồng, thông qua chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ, nhân viên.

Nguồn lực của VIB sẽ tập trung cho bán lẻ và ngân hàng số. Bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB cho hay, đối với mảng bảo hiểm vốn còn dư địa tăng trưởng lớn, VIB lên kế hoạch triển khai Digital Wealth Platform vào quý III nhằm gia tăng tiện ích cho khách hàng. Ngân hàng đặt mục tiêu tiên phong về các sản phẩm cá nhân hóa để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Trong năm 2022, ngân hàng MSB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.800 tỷ đồng, tăng gần 34%. Còn VPBank cho biết cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình 5 năm tới có thể lên đến 30-35%. Một ngân hàng khác là Eximbank có lợi nhuận sụt giảm trong năm 2021 cũng dự kiến ghi nhận tổng tài sản đạt 179.000 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 7,8%. Eximbank đặt kỳ vọng thu về 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cao nhất trong vòng 10 năm qua tại ngân hàng này.

Mặt khác, nhóm ngân hàng quốc doanh cũng thông qua kịch bản sơ bộ tích cực năm 2022. Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 8%, tín dụng tăng 12%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%, lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12%. VietinBank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế năm 2022 tăng 10 - 20%. Trong khi đó, năm 2021, ngân hàng này đạt 17.589 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 2,7% so với năm 2020.

Nhiều yếu tố làm nên sự tự tin cho các ngân hàng

Cuộc chiến căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã đẩy lạm phát và giá nguyên liệu tăng cao, nền kinh tế toàn cầu cũng ít nhiều chao đảo. Tại Việt Nam, tình hình chính trị thế giới bất ổn cũng ảnh hưởng đến giá thành các mặt hàng nguyên vật liệu cùng nguy cơ về lạm phát kéo theo đó. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn được đánh giá là ngành ít bị tác động nhất so với nhiều ngành sản xuất, kinh doanh khác trong nước.

Theo phân tích của SSI Research, tăng trưởng lợi nhuận trước tại các ngân hàng trong 2022 sẽ tăng 21% so với năm 2021. Đây cũng là mức tăng trưởng cao hơn 13% tại 96 công ty trong khảo sát của SSI. Ước tính này chưa bao gồm thu nhập bất thường tiềm năng từ phí phân phối bảo hiểm độc quyền qua ngân hàng (bancassurance) hoặc thoái vốn công ty con của VietinBank, HDBank, Techcombank, MB...

SSI cũng nhận định, trong nửa đầu năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận sẽ ở mức khiêm tốn và chỉ thật sự bứt phá mạnh hơn từ quý II với VietinBank, Vietcombank, MB và từ quý III với các ngân hàng khác.

Nhiều yếu tố tích cực giúp các ngân hàng lạc quan về lợi nhuận sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 (ảnh minh hoạ)

Nhiều yếu tố tích cực giúp các ngân hàng lạc quan về lợi nhuận sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 (ảnh minh hoạ)

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần AzFin Việt Nam, ảnh hưởng của tình hình thế giới đến hoạt động ngành ngân hàng trong nước không quá lớn, triển vọng lợi nhuận ngành này năm nay xuất phát từ 3 yếu tố chính. Thứ nhất, tín dụng đang phục hồi tốt, dự kiến cả năm tăng 14%. Thứ hai là các ngân hàng đang ngày càng khai thác mảng kinh doanh ngoài lãi, lợi nhuận từ mảng này ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Cuối cùng, ngân hàng số ngày càng phát triển, giúp ngân hàng giảm chi phí, cải thiện lợi nhuận.

Ngoài ba nguyên nhân trên, còn có nhiều yếu tố nữa khiến lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ vượt trội so với doanh nghiệp các ngành khác. Cụ thể, năm 2022, các ngân hàng sẽ không phải chịu áp lực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp như năm 2021.

Bên cạnh đó, năm 2021, hàng loạt ngân hàng đã nâng mức trích lập dự phòng cao hơn mức quy định (trích lập 100% dự phòng cho nợ cơ cấu trong khi Ngân hàng Nhà nước cho phép trích lập trong 3 năm), nên cơ hội được hoàn nhập dự phòng, gia tăng lợi nhuận là rất lớn.

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng tín dụng do Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước thực hiện, trong 6 tháng đầu năm 2022 và cả năm 2022, các tổ chức tín dụng dự kiến nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên.

Cơ sở để nới lỏng là chính sách và định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan, năng lực tài chính của tổ chức tín dụng được cải thiện... Các tổ chức tín dụng một mặt sẽ thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn bình quân, giảm phí phi lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời gia tăng quy mô khoản vay hoặc hạn mức tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Tin liên quan

Đọc tiếp