Cổ phiếu ngân hàng lớn nhất nước Nga rớt thảm 99% vốn hóa

Sberbank NGA
12:23 - 03/03/2022
Cổ phiếu ngân hàng lớn nhất nước Nga rớt thảm 99% vốn hóa
0:00 / 0:00
0:00
Cổ phiếu của Sberbank - ngân hàng lớn nhất nước Nga niêm yết trên sàn giao dịch London có thời điểm giảm 95% trong phiên ngày 2/3, sau khi ngân hàng này hứng chịu trừng phạt của phương Tây và tuyên bố rút khỏi thị trường châu Âu.

Cụ thể, chứng chỉ lưu ký của Sberbank giao dịch tại sàn London phiên đầu tuần (28/2) đã cắm đầu giảm 74% khi Nga liên tiếp nhận hàng loạt lệnh trừng phạt hà khắc của phương Tây. Trong những ngày tiếp theo, chứng chỉ lưu ký cổ phiếu này tiếp tục rớt thảm. Ở phiên giao dịch ngày 2/3, cổ phiếu Sberbank của Nga đã giảm 95% trên Sàn giao dịch chứng khoán London và giao dịch ở mức thấp là gần 1 cent, sau khi ngân hàng này tuyên bố sẽ rút khỏi thị trường châu Âu.

Như vậy, trong chưa đầy một tháng gần đây, Sberbank đã mất 99,9% vốn hóa. Giá chứng chỉ quỹ hiện chỉ còn 0,01 bảng Anh. Trước đó, ngân hàng lớn nhất Nga cho biết họ đang rút khỏi thị trường châu Âu sau khi chịu áp lực từ lệnh trừng phạt của các nước phương Tây. "Trong bối cảnh hiện tại, Sberbank quyết định rút khỏi thị trường châu Âu", tuyên bố của ngân hàng này cho hay.

Sberbank cũng cho biết, các công ty con của ngân hàng này ở châu Âu đang gặp phải dòng tiền bất thường và đe dọa đến sự an toàn của nhân viên và chi nhánh. Mặt khác, họ không còn có khả năng để cung cấp thanh khoản cho các chi nhánh ở châu Âu tuy vẫn đủ để thanh toán cho tất cả người gửi tiền.

Cơ quan Thị trường Tài chính Áo cho biết, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã lệnh đóng cửa chi nhánh ở châu Âu của Sberbank.

Trước đó, Mỹ, EU và Anh cũng đã bổ sung các biện pháp trừng phạt các tổ chức của Nga như loại một số ngân hàng của Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, hạn chế khả năng sử dụng hơn 600 tỷ USD dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga.

Các chứng chỉ lưu ký của công ty Nga cũng đã lao dốc tới 98%

Chỉ số Dow Jones Russia GDR – vốn theo dõi các công ty Nga trên sàn London – giảm 98% trong 2 tuần. Tính riêng ngày 2/3 giảm tới 81%. Đà lao dốc này đã thổi bay 572 tỷ USD vốn hóa của 23 cổ phiếu Nga, bao gồm Gazprom, Sberbank và Rosneft.

Làn sóng bán tháo trong ngày 2/3 đã kích hoạt nhiều đợt tạm ngưng giao dịch. Chỉ trong 1 giờ giao dịch đầu tiên, hoạt động giao dịch bị tạm ngưng 15 lần đối với chứng chỉ lưu ký Sberbank, Gazprom (gã khổng lồ khí đốt quốc doanh của Nga) và nhà bán lẻ Magnit. Hoạt động giao dịch của ngân hàng VTB bị tạm ngưng trong tuần trước sau khi các biện pháp trừng phạt có hiệu lực.

Diễn biến của cổ phiếu Nga niêm yết trên các sàn chứng khoán khác cũng thể hiện phần nào cho phản ứng của nhà đầu tư trước các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Trong khi đó, ngân hàng trung ương Nga đã đóng cửa giao dịch chứng khoán trên sàn Moscow trong 3 ngày liên tiếp. Đây là đợt đóng cửa dài nhất kể từ tháng 10/1998.

Theo các chuyên gia, đợt bán đổ bán tháo cổ phiếu Nga niêm yết trên sàn nước ngoài có thể tiếp tục, đặc biệt khi công ty cung cấp chỉ số cổ phiếu Stoxx dự định loại 61 công ty Nga ra khỏi các chỉ số của họ vào ngày 18/3 tới. Ngoài ra, MSCI cũng đang cân nhắc loại Nga ra khỏi rổ chỉ số mới nổi.

Bên cạnh đó, đồng rúp cũng đang bị bán tháo mạnh, hiện đã giảm hơn 33% trong năm 2022. “Tình cảnh hiện tại là nhà đầu tư nước ngoài đang hoảng loạn và bán tháo mọi thứ liên quan tới Nga”, Jacob Grapengiesser, Đối tác và trưởng khu vực Đông Âu tại quỹ East Capital, cho hay.

Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã quyết định ngắt kết nối 7 ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống liên lạc tài chính toàn cầu SWIFT, cụ thể là: Bank Otkritie, Novikombank, Promsvyazbank, Sovcombank, VTB, Bank Rossiya, và VEB. Thống kê dưới đây cho thấy nhiều ngân hàng bị cấm vận nằm trong top nhà băng có tổng tài sản lớn nhất nước Nga.

Hai nhà băng lớn may mắn thoát khỏi danh sách trừng phạt SWIFT là Sberbank và Gazprombank. Ngân hàng Trung ương Nga sở hữu trên 50% vốn điều lệ của Sberbank còn đại gia khí đốt Gazprom cũng là cổ đông lớn của Gazprombank. Hai nhà băng này không bị cắt đứt khỏi SWIFT sẽ cho phép châu Âu tiếp tục thanh toán tiền mua khí đốt từ Nga.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt khác của Phương Tây sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng tới tất cả hệ thống ngân hàng Nga, bất kể có kết nối với SWIFT hay không.

Tin liên quan

Đọc tiếp