Ngành thủy sản gặp khó, Sao Ta vẫn vượt 1,5% kế hoạch lợi nhuận năm 2023

Sao Ta THỦY SẢN
14:32 - 18/01/2024
Ngành thủy sản gặp khó, Sao Ta vẫn vượt 1,5% kế hoạch lợi nhuận năm 2023
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh khó khăn từ thị trường xuất khẩu, năm 2023 Sao Ta thu về 304 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 1,5% so với kế hoạch năm đã đề ra trước đó.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC), doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 1.252,7 tỷ đồng trong quý 4/2023, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán của doanh nghiệp cũng tăng 5,1%, lên mức 1.112,9 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận gộp trong quý của FMC chỉ còn 139,8 tỷ đồng, giảm 8,1%.

Doanh thu hoạt động tài chính quý 4 của Sao Ta đạt 19,2 tỷ đồng, tăng 25,4%. Chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp giảm lần lượt 58% và 27%, còn đạt 7,3 tỷ đồng và 23,6 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 9,7%, lên mức 39,5 tỷ đồng.

Khấu trừ các khoản chi phí, tổng lợi nhuận trước thuế quý 4/2023 của FMC đạt 88,6 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cả năm 2023, doanh thu bán hàng của FMC đạt 5.089 tỷ đồng, giảm 10,8% so với năm trước. Doanh thu thuần đạt 5.087 tỷ đồng, giảm 10,7% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu bán thủy sản đạt 4.928 tỷ đồng (chiếm 96% tổng doanh thu thuần của FMC), tương ứng giảm 10,2%; doanh thu hàng nông sản đạt 159 tỷ đồng, giảm 25,4%.

Giá vốn hàng bán năm 2023 đạt 4.594 tỷ đồng, tương ứng chiếm 90% tổng doanh thu thuần của doanh nghiệp và giảm 9,4% so với năm trước. Chi phí nguyên, vật liệu đầu vào của FMC đạt 4.053 tỷ đồng, giảm 10,7%.

Doanh thu tài chính của doanh nghiệp không biến động lớn so với năm trước khi ở mức 72,9 tỷ đồng (năm 2022 ở mức 71,1 tỷ đồng). Chi phí tài chính của doanh nghiệp lại giảm 14,4%, còn 79 tỷ đồng. Khoản chi phí lãi vay lại tăng thêm 63,9%, lên mức 28,2 tỷ đồng.

Khấu trừ các khoản chi phí, tổng lợi nhuận trước thuế của Sao Ta đạt 304,6 tỷ đồng, giảm 7,2% so với năm trước.

Trong tháng 10/2023, Sao Ta đã công bố quyết định về việc điều chỉnh kế hoạch năm 2023 về doanh thu, lợi nhuận. Cụ thể, chỉ tiêu doanh thu từ 5.900 tỷ đồng xuống 4.870 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế từ 400 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng. Với kết quả đạt được cả năm 2023, Sao Ta đã hoàn thành và vượt 4% doanh thu bán hàng và 1,5% lợi nhuận trước thuế so với kế hoạch điều chỉnh.

Kết quả trên của Sao Ta diễn ra trong bối cảnh thị trường xuất khẩu thủy sản chính của doanh nghiệp giảm nhu cầu về mặt hàng thủy sản. Năm 2023, dẫn thông tin từ VASEP, FMC cho biết, doanh nghiệp hiện là doanh nghiệp Việt xuất khẩu tôm lớn nhất vào Nhật Bản, đứng thứ 5 tại thị trường Mỹ và thứ 9 tại Hàn Quốc.

Trong khi đó, cả năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản đạt 1,51 tỷ USD, giảm 11% so với năm trước; Mỹ đạt 1,55 tỷ USD, giảm 27%; Hàn Quốc đạt 790,7 triệu USD, giảm 16%, theo Tổng cục Hải quan.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Sao Ta đạt 3.344 tỷ đồng, giảm 11,9% so với mức 2.988 tỷ đồng ghi nhận ngày đầu năm 2023. Trong đó, khoản tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng (hưởng lãi suất dao động từ 2,5% đến 5%/năm) tăng gấp 1,5 lần, từ 295 tỷ đồng lên 450,5 tỷ đồng.

Khoản tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn gốc từ 6 tháng đến 12 tháng (hưởng lãi suất dao động từ 4% đến 8,2%/năm) tăng gấp 24,9 lần, đạt 274 tỷ đồng (đầu năm ở mức 11 tỷ đồng).

Hàng tồn kho của doanh nghiệp đạt 999,8 tỷ đồng, tăng 7,6% so với ngày đầu năm. Trong đó, hàng thành phẩm đạt 795 tỷ đồng, chiếm 79% tổng giá trị hàng tồn kho của FMC và tăng 13% so với ngày đầu năm 2023.

Tổng nợ của Sao Ta tại ngày 31/12/2023 ở mức 1.110 tỷ đồng, tăng 27% so với mức 872,7 tỷ đồng ngày đầu năm 2023. Trong đó, vay ngắn hạn của doanh nghiệp đạt 824 tỷ đồng, tăng 59%. Khoản phải trả người lao động lại giảm 51%, còn 71 tỷ đồng.

Kế hoạch phát triển trong năm 2024 của Sao Ta

Năm 2024, doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục tăng cường phát triển thị trường Nhật Bản duy trì các thị trường đang có; chú trọng tìm hiểu, từng bước thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Đối với sản phẩm, FMC sẽ cải tiến đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp với điều kiện nhà xưởng, đặc biệt đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng. Các sản phẩm cần tăng sản lượng nhằm phát huy thế mạnh là tôm bao bột, tôm duỗi, tôm chiên, tôm sushi, đồng thời nỗ lực giữ thị phần cho các mặt hàng tôm khác.

Hiện nay FMC có 3 nhà máy và 2 vùng nuôi tôm có diện tích lớn sản lượng cung cấp dự kiến >16.000 tấn/năm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.