Nghệ An muốn phát triển đột phá trước hết phải 'quyết chí làm giàu'

KINH TẾ nghệ an
23:01 - 13/12/2022
Tọa đàm Định hướng phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tọa đàm Định hướng phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
0:00 / 0:00
0:00
Theo ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, muốn Nghệ An xứng đáng thành trung tâm phát triển vùng Bắc Trung Bộ, trước hết tỉnh phải thay đổi tư duy, chủ động thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp quốc tế, doanh nghiệp trong nước.

Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, trên trục giao thông Bắc - Nam, với nhiều tiềm năng, lợi thế với biển, rừng, biên giới, hệ thống giao thông đa dạng, kết nối quốc tế và nhiều tài nguyên văn hóa và du lịch. Để phát triển tỉnh tương xứng với vị trí, vai trò, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 30/07/2013 về “phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020”.

Tại tọa đàm “Định hướng phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sáng 13/12, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Nghệ An đã đạt được những thành tựu trên các mặt. Quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 12 cả nước, đóng góp 12,43% quy mô kinh tế Vùng và 1,85% cả nước. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, riêng năm 2022, đạt 9,05%; thu ngân sách năm 2022 thực hiện trên 20.000 tỷ đồng.

Ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.

Ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 26 vẫn còn tồn tại, hạn chế, nhất là mục tiêu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 chưa đạt được. Chất lượng tăng trưởng kinh tế, sức cạnh tranh chưa cao; một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng còn đạt thấp so với mục tiêu.

Trước những tồn tại trên, phát biểu định hướng toạ đàm, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận 5 nhóm vấn đề để có những nhận định, đánh giá khách quan, toàn diện, củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn, giúp Ban Chỉ đạo hoàn thiện Đề án tổng kết Nghị quyết 26- NQ/TW và báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An trong tổng thể vùng.

Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Đóng góp ý kiến nhằm đưa Nghệ An trở thành cực tăng trưởng của vùng, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Bộ trưởng Thương mại cho biết: "Yêu cầu của Nghệ An hiện nay phải đặt trong bối cảnh trong nước và quốc tế. Phải thể hiện được khát vọng mới phát triển của Nghệ An. Phải đẩy mạnh khai thác phát triển chuyển đổi số; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Phát huy cao hơn nữa, văn hóa, tính cách con người Nghệ An".

Nhấn mạnh một số gợi ý phát triển Nghệ An trong thời gian tới, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng, Nghệ An muốn phát triển đột phá thì trước hết phải “giải phóng tư tưởng, quyết chí làm giàu”; chủ động thu hút đầu tư với tư duy mới như thu hút đầu tư, trong cơ chế thu hút đầu tư nên ưu tiên đầu tư các doanh nghiệp quốc tế; các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và thu hút các doanh nghiệp người Nghệ An về đầu tư...

Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông.

Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông.

Đưa ra một số đề xuất việc tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW, ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng ngoài việc Nghệ An tổng kết về những kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết thì Ban Chỉ đạo cũng cần tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện của các bộ, ngành Trung ương trong việc triển khai các chức năng, nhiệm vụ, vai trò của mình đối với việc triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW của Nghệ An.

Trên cơ sở đó, Báo cáo mới làm nổi bật được các nguyên nhân chủ quan, khách quan, đặc biệt là Ban Chỉ đạo mới có những kiến nghị, đề xuất, tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới phù hợp, hiệu quả.

Góp ý thêm, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lại cho rằng Nghệ An phải có cái nhìn thẳng thắn về những kết quả kinh tế chưa đạt được và một phần trách nhiệm của Trung ương chưa quan tâm tương xứng với Nghị quyết 26-NQ/TW của Nghệ An.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã có ý kiến đề nghị như cần phát triển thành phố Vinh thành đô thị biển; tỉnh cần phát triển hệ thống logictics, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ; định hướng sâu hơn về phát triển kinh tế biển; xác định các trọng tâm, trọng điểm nông nghiệp; phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược.

Các đại biểu tham dự tọa đàm đều thống nhất cao về việc đề nghị Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kết luận buổi tọa đàm, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, "Các nội dung trao đổi, thảo luận tại tọa đàm cho thấy những nhìn nhận rất sâu sắc, chất lượng, bám sát các chủ trương, định hướng lớn của Đảng. Từ kinh nghiệm quản lý điều hành, từ tình cảm và khát vọng xây dựng quê hương, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Nghệ An và các chuyên gia, đã mạnh dạn đề xuất nhiều ý tưởng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm phát triển nhanh, bền vững tỉnh Nghệ An thời gian tới".

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.