'Ngóng' đợi cổ tức mùa ĐHĐCĐ thường niên ngành ngân hàng

NGÂN HÀNG Việt nAM
15:01 - 24/03/2024
0:00 / 0:00
0:00
Tại ĐHĐCĐ 2024 tới đây, nhiều ngân hàng sẽ công bố kế hoạch chia cổ tức, ngoài mức chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, cổ đông cũng sẽ đón tin vui liên quan đến cổ tức tiền mặt.
ĐHĐCĐ thường niên Techcombank 2023. Ảnh: Thu Trang/Mekong ASEAN.

ĐHĐCĐ thường niên Techcombank 2023. Ảnh: Thu Trang/Mekong ASEAN.

Mỗi mùa đại hội đồng cổ đông thường niên đến gần, kế hoạch trả cổ tức của các ngân hàng lại tiếp tục là một trong những điểm nóng được các nhà đầu tư chú ý. Mặc dù trong năm 2023 nền kinh tế có nhiều khó khăn, tuy nhiên nhiều ngân hàng vẫn duy trì trả cổ tức cao, trong đó bao gồm cả tiền mặt và cổ phiếu.

Năm nay cũng không ngoại lệ, theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024, một số ngân hàng đã công bố thông tin liên quan đến việc chia cổ tức.

Theo đó, vào cuộc họp cổ đông ngày 29/3 tới đây, Nam A Bank dự kiến chi trả cổ tức tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu cho cổ đông trong năm 2024 từ nguồn lợi nhuận của năm vừa qua và lợi nhuận chưa phân phối của các năm trước. Tổng số tiền chi cổ tức tương đương với hơn 2.645 tỷ đồng. Qua đó, nâng vốn điều lệ của nhà băng này từ hơn 10.580 tỷ đồng lên hơn 13.725 tỷ đồng.

Hay tại ngân hàng LPBank, sau khi tăng vốn điều lệ thêm gần 8.300 tỷ đồng trong năm 2023, ngân hàng này dự kiến tiếp tục trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 và phát hành cổ phiếu năm 2024 để tăng vốn điều lệ từ 20.576 tỷ lên hơn 25.576 tỷ đồng.

Ngân hàng mạnh tay chi nghìn tỷ trả cổ tức tiền mặt

Bên cạnh việc trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, cổ đông ngân hàng cũng mong ngóng được chia cổ tức bằng "tiền tươi thóc thật". Theo những thông tin đã được công bố trước đó, một số nhà băng sẽ chi cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay.

Cụ thể, theo đề xuất của HĐQT, ngân hàng VIB sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 29,5% trên vốn điều lệ. Trong đó, mức chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 17% và phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên với tỷ lệ 0,44%.

Ngân hàng này sẽ chia cổ tức theo hai đợt, lần thứ nhất tạm ứng cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 6% và lần thứ hai là chi trả cổ tức bằng tiền theo tỷ lệ 6,5%. Tổng cộng số tiền sử dụng để chi trả cổ tức là 3.171 tỷ đồng. Việc tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt lần 1 đã được chi trả vào cuối tháng 2 vừa qua.

Tương tự, tại ACB, ngân hàng này cũng công bố kế hoạch dự kiến chia cổ tức năm 2023 tổng cộng khoảng 19.886 tỷ đồng. Cụ thể, ACB dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng. Dự kiến sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng thêm hơn 5.800 tỷ đồng lên 44.666 tỷ đồng...

Sau 10 năm "nói không" với việc chia cổ tức tiền mặt thì đến đầu năm 2024, ngân hàng Techcombank cho biết sẽ trình phương án chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20% tổng lợi nhuận sau thuế. Ước tính mức chi trả là 1.500 đồng/cp.

Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt ở mức thấp nhất 20%.

Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt ở mức thấp nhất 20%.

Một số ngân hàng khác chưa đưa ra con số cụ thể, nhưng cũng đã gợi ý về kế hoạch chia cổ tức, tăng vốn trong các cuộc hội thảo, hội nghị hay gặp gỡ nhà đầu tư.

Ngân hàng MB năm 2023 đã ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 26.200 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Trước kết quả tăng trưởng khả quan đó, ngân hàng này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ mức 45.000 tỷ đồng lên hơn 52.100 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Tại Hội nghị Nhà đầu tư vừa qua, Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái cho biết, ngân hàng này dự kiến sẽ chia cổ tức tiền mặt trong năm 2024, nhưng con số cụ thể là bao nhiêu thì vẫn chưa chốt.

Hay tại ngân hàng VPBank, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, lãnh đạo ngân hàng này từng cho biết có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp. Năm ngoái, VPBank từng bỏ ra gần 8.000 tỷ đồng để chi trả cổ tức bằng tiền mặt.

Ngân hàng ưu tiên giữ lại lợi nhuận

Ngoài một số ngân hàng lớn với tiềm lực tài chính mạnh sẵn sàng chi trả cổ tức tiền mặt hàng năm thì vẫn có những nhà băng ưu tiên giữ lại lợi nhuận cho kinh doanh.

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên tại ABBank, trong năm 2023, ngân hàng này ghi nhận nhiều chỉ tiêu kinh doanh không hoàn thành kế hoạch để ra với lợi nhuận trước thuế đạt 513 tỷ đồng, giảm gần 70% so với năm trước và chỉ đạt 18,2% kế hoạch.

Do đó, dù sau khi chia các quỹ, lợi nhuận còn lại là hơn 298 tỷ đồng, HĐQT ABBank đề xuất trình đại hội để lại toàn bộ lợi nhuận còn lại của năm 2023 nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai.

Dù đặt mục tiêu lợi nhuận 1.000 tỷ đồng vào năm 2024, tương đương tăng gấp đôi kết quả năm ngoái, song ABB cũng cho rằng dự báo các khó khăn sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2024 khi bối cảnh kinh tế toàn cầu và Việt Nam chưa thực sự khởi sắc.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.