Nhà cung cấp lớn nhất Apple ngừng hoạt động khi Trung Quốc phong tỏa Thâm Quyến

COVID-19 TRUNG QUỐC
22:42 - 15/03/2022
Foxconn tạm dừng hoạt động nhà máy sản xuất iPhone ở Thâm Quyến vì dịch Covid-19. Ảnh: Alamy Stock Photo
Foxconn tạm dừng hoạt động nhà máy sản xuất iPhone ở Thâm Quyến vì dịch Covid-19. Ảnh: Alamy Stock Photo
0:00 / 0:00
0:00
Foxconn, một trong những nhà cung cấp lớn nhất của Apple, đang tạm dừng hoạt động tại Thâm Quyến khi Trung Quốc phong tỏa trung tâm công nghệ này và một số khu vực khác để ngăn chặn đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất của nước này.

Theo Global Times, hai nhà máy của Foxconn bị đóng cửa gồm Longhua và Guanlan. Khu phức hợp này là nơi sản xuất iPhone, iPad và một số sản phẩm khác của Apple. Vào giai đoạn cao điểm, riêng Longhua có thể chứa hơn 200.000 công nhân.

Trong thông cáo báo chí gửi CNN hôm 14/3, Foxconn cho biết "ngày hoạt động trở lại của nhà máy sẽ phụ thuộc vào thông báo của chính quyền địa phương".

Việc sản xuất và cung ứng hàng loạt các thiết bị mới tại Foxconn ở Thâm Quyến sẽ bị gián đoạn. Ảnh: Bloomberg

Việc sản xuất và cung ứng hàng loạt các thiết bị mới tại Foxconn ở Thâm Quyến sẽ bị gián đoạn. Ảnh: Bloomberg

Theo các nhà phân tích, Foxconn có khả năng chuyển hoạt động sản xuất sang các khu vực khác trong thời gian ngắn hạn với điều kiện là thời gian ngừng hoạt động không quá lâu. Thời gian ngừng hoạt động càng lâu thì sẽ có thể gây ra hiệu ứng sóng biển ở các bộ phận khác và tạo ra sự thiếu hụt trong sản xuất.

Ngay cả khi thời điểm đầu năm không phải cao điểm mua sắm, thì điều này cũng gây ra tác động đến Apple. Việc sản xuất hàng loạt các thiết bị mới gồm iPhone SE 2022, iPad Air 5 và Mac Studio có khả năng sẽ bị ảnh hưởng.

Hiện phía Apple chưa bình luận gì về sự việc này.

Nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng

Thâm Quyến, được mệnh danh là "Thung lũng Silicon" của Trung Quốc, là nơi đặt trụ sở của những gã khổng lồ công nghệ cao như Tencent và Huawei, sản xuất chip, điện thoại thông minh, TV panel, phần cứng viễn thông và máy bay không người lái.

Thành phố này hiện đang trải qua đợt phong tỏa kéo dài một tuần, bắt đầu từ ngày 14/3 sau khi phát hiện 66 ca dương tính vào cuối tuần trước. Tất cả các doanh nghiệp – ngoại trừ một số dịch vụ cần thiết - đều bị tạm dừng hoạt động hoặc thực hiện chính sách làm việc tại nhà. Các phương tiện giao thông công cộng gồm cả tàu điện và xe bus đều dừng phục vụ tại thành phố 17,5 triệu dân này.

Người dân Trung Quốc xếp hàng làm xét nghiệm Covid-19 tại Thâm Quyến ngày 14/3. Ảnh: AFP
Người dân Trung Quốc xếp hàng làm xét nghiệm Covid-19 tại Thâm Quyến ngày 14/3. Ảnh: AFP

Thâm Quyến cũng là một trong những thành phố cảng container lớn nhất thế giới. Bất kỳ sự gián đoạn nào tại đây cũng có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng lên chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã căng thẳng từ trước. Vào mùa hè năm ngoái, cảng Yantian tại đây đã buộc đóng cửa trong gần 1 tuần sau khi các nhân viên cảng bị mắc Covid-19. Sự việc này khiến một lượng lớn hàng hóa tồn đọng, phải mất nhiều tháng để thông quan và khiến giá cước vận tải trên toàn cầu tăng đột biến.

Cổ phiếu của loạt công ty có trụ sở tại Thâm Quyến hôm 14/3 đã giảm nhẹ trên sàn Hong Kong. Trong đó, cổ phiếu Tencent giảm 9,8%, công ty viễn thông ZTE giảm 7%. Cổ phiếu BYD, nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất Trung Quốc, giảm 8,3%. AAC Technologies, nhà sản xuất linh kiện âm thanh, giảm 9%. Cổ phiếu của Foxconn Interconnect Technology, công ty con của Foxconn có trụ sở tại Đài Loan, đã giảm 9,8%.

Ngoài Thâm Quyến, trước đó, hôm 11/3, chính quyền Trung Quốc cũng đã phong tỏa trung tâm công nghiệp Đông Bắc của thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm. Trường Xuân là trung tâm sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc trong năm 2020. Toyota đã ngừng sản xuất tại nhà máy tại Trường Xuân. 9 triệu cư dân tại đây được yêu cầu không rời khỏi khu vực sinh sống và được xét nghiệm trên diện rộng. Thành phố này và cả khu vực phía đông Thanh Đảo cũng xây dựng các bệnh viện dã chiến để chuẩn bị đối mặt với số ca mắc kỷ lục.

Còn Thượng Hải, trung tâm kinh doanh lớn nhất Trung Quốc, cũng đã áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt sau khi chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng vọt. Thành phố này cũng đóng cửa trường học, rạp chiếu phim và hạn chế di chuyển giữa các khu vực.

Việc phong tỏa này diễn ra chỉ vài tháng sau khi Trung Quốc đóng cửa thành phố Tây An, nơi hoạt động của cả Samsung và Micron, hai trong số những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.

Những biện pháp nghiêm ngặt được thực hiện để kiểm soát đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian gần đây. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn kiên quyết theo đuổi chiến lược “Zero Covid”, ngay cả khi các quốc gia khác bắt đầu mở cửa và nỗ lực sống chung với dịch.

Việc phong tỏa một số thành phố lớn của Trung Quốc sẽ không chỉ tác động đến quá trình phục hồi sau đại dịch của quốc gia này mà còn có thể giáng đòn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đầu tháng này, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đất nước vào khoảng 5,5% cho năm 2022, mục tiêu chính thức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Trung Quốc hiện đang vật lộn đối phó với đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất kể từ giai đoạn ở Vũ Hán vào đầu năm 2020, khi số ca mắc được ghi nhận đang gia tăng trên toàn quốc. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), trong hôm 13/3, quốc gia này ghi nhận có 2.125 trường hợp dương tính ở 58 thành phố trên cả nước.

Theo Reuters, số ca mắc có triệu chứng trong năm nay của Trung Quốc đã vượt mốc 9.000, cao hơn tổng số ca của năm 2021 là 8.378. Tính từ đầu đại dịch cho đến nay, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 116.902 ca Covid-19 có triệu chứng và 4.636 ca tử vong.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.