Nhận định chứng khoán tuần tới: VN-Index có thể kiểm tra lại đáy 1.160 điểm

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
07:51 - 03/07/2022
Thanh khoản vẫn ở mức thấp nên khả năng VN-Index quay đầu giảm là có thể xảy ra.
Thanh khoản vẫn ở mức thấp nên khả năng VN-Index quay đầu giảm là có thể xảy ra.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Chứng khoán SHS, VN-Index có thể kiểm tra lại đáy 1.160 điểm trong thời gian tới. Do đó nhà đầu tư nên thận trọng và kiên nhẫn chờ đợi cơ hội giải ngân mới.

VN-Index có tuần hồi phục nhẹ sau 3 tuần giảm điểm liên tiếp. Cụ thể, VN-Index tăng 1,13% so với với cuối tuần trước, áp sát ngưỡng 1.200 điểm. HNX-Index cũng tăng 1,07%, kết thúc tuần ở 278.88 điểm.

Tuy nhiên, thanh khoản trên 2 sàn lại tiếp tục sụt giảm so với tuần trước. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 5,4% so với tuần trước đó với 61.226 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 4,7% xuống 2.562 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 44,9% với 7.115 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giao dịch giảm 33,4% xuống 335 triệu cổ phiếu.

FLC tăng mạnh nhất trên sàn HoSE

Động lực chính giúp VN-Index tăng điểm trong tuần qua chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, có đến 6 cổ phiếu thuộc nhóm này góp mặt trong top 10 cổ phiếu tích cực nhất tuần, bao gồm BID, CTG, VIB, VPB, HDB và TPB. Trong đó, BID là đầu kéo của chỉ số với gần 5,2 điểm kéo tăng, trong khi CTG xếp ngay sau chỉ góp gần 2,8 điểm.

Chứng khoán cũng có tuần giao dịch sôi động, là tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp. Nhiều cổ phiếu lớn trong nhóm đều có mức tăng tốt như VND và HCM cùng tiến hơn 8%, SSI tăng gần 6%, VCI tăng 4,9%. Thông tin nhà đầu tư sẽ được bán cổ phiếu từ chiều ngày T+2 là yếu tố hỗ trợ nhóm cổ phiếu chứng khoán, khi vòng quay cổ phiếu về tài khoản nhanh hơn sẽ góp phần làm tăng thanh khoản.

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin với mức tăng 2,7% giá trị vốn hóa nhờ đà tăng của các cổ phiếu trụ cột trong ngành như FPT (+2,9%), CMG (+6,9%).. Cổ phiếu hàng tiêu dùng tăng nhẹ 1,2% giá trị vốn hóa, chủ yếu nhờ sự tích cực của trụ cột trong ngành là VNM (+3,1%).

Nhóm công nghiệp (+1,2%), dược phẩm và y tế (+0,6%) là những ngành tăng nhẹ còn lại.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu giảm mạnh nhất với 1,1% giá trị vốn hóa, có thể kể đến các mã tác động thuộc ngành con hóa chất như DGC (-8,6%), DPM (-6,3%), DCM (-12,5%), CSV (- 4,8%)... Ngành dịch vụ tiêu dùng (-0,5%), tiện ích cộng đồng (-0,2%), dầu khí (-0,2%) giảm nhẹ.

Xét về cổ phiếu riêng lẻ, 2 mã tăng ấn tượng là SPI của CTCP Spiral Galaxy và FLC của Tập đoàn FLC. SPI có tuần hồi phục ấn tượng với những phiên tăng trần liên tiếp. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch của cổ phiếu cũng bật tăng mạnh và liên tục nằm trên mức trung bình 20 ngày gần nhất cho thấy dòng tiền đang chú ý. Tính cho cả tuần, SPI tăng mạnh gần 43%, lên mức 6.000 đồng/cp.

FLC có tuần hồi phục thứ 2 liên tiếp tính từ đáy. Trong tuần qua, FLC tăng hơn 25%, tiến lên mức 5.800 đồng/cp. Cùng với đó, khối lượng giao dịch cũng có sự hồi phục đáng kể. Đây cũng là mã tăng mạnh nhất trên sàn HoSE.

Ngược lại, DCM của Đạm Cà Mau là mã giảm mạnh trong tuần qua với mức giảm 12,5%. Thông tin gây ảnh hưởng tới DCM nói riêng và nhóm phân bón nói chung là giá phân bón ure thế giới đang hạ nhiệt, với nguồn cung dồi dào từ Trung Quốc và chính sách xuất khẩu phân bón của Nga sang một số thị trường mục tiêu. Trong nước, giá phân ure trên thị trường những ngày cuối tháng 6 giảm trung bình từ 1,000 - 1,300 đồng/kg so với thời điểm giữa tháng 6.

Bên cạnh đó, ITA của Tân Tạo sau thông tin về việc mở thủ tục phá sản đã liên tục nằm sàn trong những phiên đầu tuần. Dù có một phiên phục hồi nhưng tính chung cả tuần, mã này vẫn giảm gần 18%.

Điểm tích cực nữa trong tuần qua là hoạt động mua ròng trở lại của khối ngoại. Trên HoSE, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 182 tỷ đồng với khối lượng hơn 10,8 triệu đơn vị. CTG của VietinBank dẫn đầu về quy mô mua ròng trong tuần với 234,5 tỷ đồng. Lực cầu từ nhà đầu tư nước ngoài còn tìm đến một số mã ngân hàng khác như STB (108 tỷ đồng), HDB (91 tỷ đồng), EIB, TPB, SHB, BID, LPB… và các mã VND, GEX, MSN, NLG, HDG…

Ngược lại, NVL và DGC dẫn đầu với quy mô bị bán ròng với 191,4 tỷ đồng và 191,2 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại còn rút ra ở loạt bluechip với quy mô trên 100 tỷ đồng như VPB (168 tỷ đồng), HPG (162 tỷ đồng), VNM (153 tỷ đồng), VIC (119 tỷ đồng) và VCB (118 tỷ đồng).

Nguồn: SHS

Nguồn: SHS

Thị trường chưa xác định rõ xu hướng

Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), sau ba tuần điều chỉnh liên tiếp để test lại vùng đáy cũ quanh ngưỡng 1.160 điểm trong tháng 5, thị trường đã có hồi phục trở lại trong giai đoạn cuối của tháng 6 sau ba phiên liên tiếp test thành công hỗ trợ 1.160 điểm (21/6-23/6) để hồi phục trở lại. Tuy nhiên, với phiên giảm mạnh vào ngày 30/6 cho thấy tâm lý thị trường vẫn còn khá yếu, thiếu sự ổn định cho một sự hồi phục dài hơi. Và với phiên hồi nhẹ về cuối tuần nhưng với thanh khoản vẫn ở mức thấp thì khả năng thị trường quay trở lại đà giảm trong tuần tới là vẫn có thể xảy ra.

Với góc nhìn dài hạn hơn, thị trường kỳ vọng sẽ có xu hướng tích lũy chặt chẽ dần, ở vùng giá hiện tại mặt bằng giá cổ phiếu vẫn đang ở mức hấp dẫn bởi định giá P/E đang thấp trong bối cảnh đà hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch vẫn được duy trì, tốc độ tăng trưởng GDP Quý 2/2022 tăng 7,72% cao nhất trong thập kỷ qua, nhiều doanh nghiệp niêm yết được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng lợi nhuận trong quý này. Các nhà đầu tư giá trị nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn có thể giải ngân ở các phiên điều chỉnh mạnh như phiên 30/6 vừa qua.

Và với quan điểm thị trường đang hình thành vùng tích lũy, SHS cho rằng các nhà đầu tư dài hạn nên cân nhắc giải ngân từng phần bởi quá trình tích lũy sẽ có thể kéo dài. Tránh giải ngân theo phong cách all in để tránh bị tâm lý căng thẳng trong giai đoạn hiện tại. Còn với góc nhìn ngắn hạn, VN-Index có thể test lại đáy 1.160 điểm trong thời gian tới. Do đó nhà đầu tư nên thận trọng và kiên nhẫn chờ đợi cơ hội giải ngân mới.

VN-Index kết phiên 1/7 bằng nến búa đảo chiều. Nguồn: SSI

VN-Index kết phiên 1/7 bằng nến búa đảo chiều. Nguồn: SSI

Theo Công ty Chứng khoán Đông Á (DAS), phiên giao dịch đầu tháng gặp thử thách khi thị trường bị giảm mạnh trong phiên nhưng lực cầu bắt đáy đã đẩy chỉ số trở lại mức tăng nhẹ vào lúc đóng cửa. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán giao dịch nổi bật với mức tăng tốt. Thanh khoản giao dịch đạt mức trung bình, cho thấy dòng tiền tham gia thị trường còn dè dặt dù mặt bằng giá cổ phiếu đã chiết khấu khá sâu.

Xu hướng trung hạn của thị trường vẫn trong trạng thái giằng co chưa xác nhận xu hướng tăng rõ nét. Về giao dịch ngắn hạn, áp lực bán ra có thể còn tiếp tục trong những phiên đầu tháng, tuy nhiên lực cầu hiện vẫn hấp thụ tốt nên nhà đầu tư vẫn lạc quan về thị trường. Xét yếu tố vĩ mô trung hạn, triển vọng kinh tế 2022 Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và dự báo lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tiếp tục khả quan, định giá đang hấp dẫn cho nhà đầu tư trung dài hạn.

Còn Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) nhận định, phiên giao dịch 1/7 cho thấy vùng hỗ trợ tháng 5 và 6 của VN-Index xoay quanh 1.160 điểm tỏ ra hiệu quả. Chỉ số VN-Index chịu sức ép tiến sát về vùng này trong phiên 1/7 nhưng lực cung bán không quá lớn. Điều này tạo điểm tựa để dòng tiền tự tin nhập cuộc trở lại với nhóm cổ phiếu chứng khoán giúp nhóm này hồi phục mạnh mẽ, sau những phát biểu tích cực và quyết liệt gần đây của Bộ trưởng Tài chính về nỗ lực đẩy nhanh việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật đồ thị, phiên 1/7 kết thúc bằng một nến Hummer (nến búa đảo chiều) tạo ra những hi vọng giữ vững được vùng hỗ trợ 2 tháng qua. TVSI cho rằng, tuần mới sẽ là một tuần sôi động hơn bởi ít nhất mức độ phân hóa đủ rộng đã quay trở lại và điều này cũng giúp mở ra những kỳ vọng mới.

Theo Chứng khoán SSI, chỉ số VN-Index hình thành trạng thái “pull-back” và kiểm lại khu vực tâm lý 1.200 điểm sau khi cắt xuống dưới vùng này trong ngày thứ Năm. Sang phiên thứ Sáu, chỉ số hồi phục từ vùng giá 1.170 điểm cho đến khi đóng cửa trên tham chiếu, đạt 1.198,9 điểm (+0,11%). Khối lượng giao dịch cải thiện so với phiên liền trước nhưng vẫn thu hẹp đáng kể so với bình quân 20 phiên, phản ánh sự thận trọng nhất định của bên chờ mua.

Trong phiên tới, chỉ số VN-Index khả năng vẫn sẽ tiếp tục kiểm tra lại khu vực 1.200 điểm. Nếu chinh phục thành công, chỉ số sẽ duy trì đà hồi phục với vùng mục tiêu gần là 1.211 - 1.223 điểm. Ngược lại, chỉ số VN-Index khả năng sẽ quay lại điều chỉnh với mục tiêu 1.160 điểm, là vùng đáy ngắn hạn tháng 5.

Tin liên quan

Đọc tiếp