Nhiều sản phẩm của Việt Nam có lợi thế vượt trội Trung Quốc tại thị trường Anh

DOANH NGHIỆP Việt nAM
23:02 - 15/03/2022
UKVFTA là đòn bẩy thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
UKVFTA là đòn bẩy thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh, nhờ được giảm thuế nhập khẩu về 0% theo UKVFTA, nhiều sản phẩm của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh vượt trội tại Anh so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc và nhiều nước khác, nhưng lợi thế này không còn lâu. 

Sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh đang tích cực đàm phán các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác trên thế giới. Chính vì vậy, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam đang có sẽ sớm mất đi nếu Anh có hiệp định với các quốc gia khác. Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại Hội nghị "Năm đầu tiên thực thi UKVFTA: Thành tựu nổi bật và Định hướng sắp tới" do Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam tổ chức chiều 15/3 tại Hà Nội.

Theo ông Khánh, các doanh nghiệp cần nhanh chóng tận dụng Hiệp định UKVFTA để nhanh chóng đưa sản phẩm chiếm lĩnh thị trường Anh, qua việc nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá.

Hội nghị "Năm đầu tiên thực thi UKVFTA: Thành tựu nổi bật và Định hướng sắp tới".

Hội nghị "Năm đầu tiên thực thi UKVFTA: Thành tựu nổi bật và Định hướng sắp tới".

Sau một năm thực thi, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đang cho thấy vai trò như “con đường cao tốc” thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Anh. Năm 2021, dù dịch bệnh Covid-19 gây gián đoạn không nhỏ đến chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu cũng như các hoạt động kinh tế thương mại khác, song kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa hai nước vẫn tăng trưởng hai con số.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,24% so với 2020. Trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh tăng 16,4%, đạt 5,76 tỷ USD; còn Vương quốc Anh xuất khẩu sang Việt Nam tăng 24%, đạt 849 triệu USD. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng của Việt Nam có tăng trưởng rất cao, như sắt thép các loại tăng 1.269%, cao su tăng 67%, nông sản tăng gần 67%, hạt tiêu tăng 49%... Ngược lại, các mặt hàng xuất khẩu từ Anh sang Việt Nam ghi nhận tăng trưởng mạnh là dược phẩm, ô tô nguyên chiếc, máy tính – linh kiện điện tử…

Bên cạnh đó, trong năm 2021 đã có 48 dự án đầu tư trực tiếp từ Vương quốc Anh vào Việt Nam, nâng tổng số dự án luỹ kế lên 452. Số vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 53 triệu USD, tăng 157% so với năm 2020. Với tổng số vốn FDI đăng ký đạt 4 tỷ USD, Vương quốc Anh đang nằm trong nhóm 12 nước có vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, nhờ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau ngày 1/1/2021, nhiều sản phẩm của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh vượt trội tại thị trường Anh so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và nhiều nước khác. Nguyên nhân chính là những nước này chưa có Hiệp định Thương mại tự do với Vương quốc Anh.

“Mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng đang đặt kỳ vọng cho năm 2022 khả quan khi kinh tế Anh phục hồi cộng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam và sự tiếp sức, hướng dẫn của các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia”, ông Khánh nhận định.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Anh còn rất lớn bởi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Anh chiếm chưa đến 1% tổng số hàng nhập khẩu. Trong khi đó, hàng hóa xuất khẩu của Anh cũng chỉ chiếm phần nhỏ trong lượng nhập khẩu của Việt Nam. Vì vậy, trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp cần đẩy mạnh tiếp cận thị trường thông qua online.

Tuy nhiên, dù tiếp cận thị trường theo phương thức truyền thống hay online, UKVFTA vẫn là Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến chất lượng hàng hóa, giá cả mà còn phải chú trọng đến các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định phát triển bền vững. Cùng với đó, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng và phát triển quan hệ bạn hàng với các tập đoàn phân phối lớn như Tesco, Sainburry, Whole Foods, Waitrosse, Mark & Spencers, Liddle, Cosco, Aldi, Strada, Westmill…

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cũng nhận định, Anh là thị trường “kỹ tính của kỹ tính”. Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về hiệp định, về thị trường thì mới có thể đưa được hàng hoá của mình vào. Nhất là trong bối cảnh Anh đang tích cực đàm phán các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác khác, nếu không nhanh chân, Việt Nam sẽ mất đi cơ hội.

Bà Trang kiến nghị các cơ quan xúc tiến thương mại cần có giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, kết nối với bạn hàng, đặc biệt là hướng dẫn, phổ biến quy chế, tiêu chuẩn để đảm bảo sản phẩm được thị trường UK đón nhận.

Để tận dụng tốt UKVFTA, việc đầu tiên doanh nghiệp mong chờ các cơ quan, bộ ngành là thông tin về các cam kết cũng như cách thức tổ chức, thực hiện. Không phải chỉ câu chuyện hạn ngạch là bao nhiêu, ngoài hạn ngạch là thế nào mà là cơ chế để được cấp hạn ngạch như thế nào. Câu chuyện liên quan đến cơ chế để thực thi cam kết không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả cơ quan quản lý nhà nước nhiều khi cũng lúng túng. Bà Nguyễn Thị Thu Trang

Ông Đinh Cao Khuê, Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các vùng trồng đẩy mạnh tập huấn cho người nông dân về quy cách chăm bón, kiểm soát chất lượng nông sản… nhằm đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại ở Vương Quốc Anh để mở rộng cơ hội đưa hàng hoá sang thị trường này.

UKVFTA ký tại London, Anh ngày 29/12/2020 và được áp dụng tạm thời từ ngày 1/01/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. Theo đó, 65% thuế quan đã được xóa bỏ đối với thương mại Việt Nam - Anh. Trong 6 năm đầu tiên sau khi UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,2% số dòng thuế liên quan đến hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam. Việt Nam cam kết xóa bỏ 48,5% thuế quan, phù hợp với các nước EU khác trong khuôn khổ Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).

Những ưu đãi nổi bật khác từ UKVFTA có thể kể đến như: Trong ngành thủy sản, ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu hầu hết các loại tôm nguyên liệu vào Anh sẽ giảm từ 10 - 20% xuống 0%; trong ngành gỗ, nhiều mặt hàng sẽ có thuế suất 0% trong vòng 5 năm tới; đối với trái cây, 94% trong tổng số 547 dòng thuế được xóa bỏ…

Tin liên quan

Đọc tiếp