Xuất khẩu sang Anh tăng 17% nhờ Hiệp định UKFTA

XUẤT KHẨU Việt nAM
13:00 - 05/01/2022
Cá tra và tôm là những mặt hàng được hưởng lợi lớn nhất từ UKVFTA
Cá tra và tôm là những mặt hàng được hưởng lợi lớn nhất từ UKVFTA
0:00 / 0:00
0:00
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Anh đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Việt Nam thặng dư thương mại 4,46 tỷ USD.

Hiệp định UKVFTA tạo cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam

Sau gần 1 năm hiệp định thương mại UKVFTA có hiệu lực tạm thời (từ ngày 1/1/2021) và 6 tháng có hiệu lực chính thức (từ ngày 1/5/2021), tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh trong năm 2021 đạt 5,24 tỉ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

Hiệp định này được Anh ký với Việt Nam sau khi nước này tách khỏi EU ngày 31/1/2020 nhằm kế thừa và tiếp nối các FTA mà EU đã kí với các nước, trong đó có Việt Nam. Hiệp định UKVFTA được kỳ vọng sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư của hai bên trong những năm tới. Đặc biệt, các cam kết của hiệp định sẽ thúc đẩy rất mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam.

Dẫn đầu tốc độ tăng trưởng lần lượt là các mặt hàng: Sắt thép (1.183%), cao su (82,3%), nông sản (70,8%), sản phẩm mây, tre, cói và thảm (60,3%), hạt tiêu (48%), phương tiện vận tải và phụ tùng (35,3%), gốm sứ (35,2%), máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (21%)...

Bên cạnh những nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ngoạn mục, vẫn có nhóm hàng có kim ngạch giảm đáng kể như thủy sản; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy; dây điện và cáp điện.

Đối với kết quả này, Hiệp định UKVFTA đóng vai trò đòn bẩy vững chắc với mức giảm thuế về 0% đối với nhiều mặt hàng từ 1/1/2021. Những mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất là thủy, hải sản, gạo, dệt may, gỗ, rau quả, da giày…

Với Hiệp định UKVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào thị trường Anh được giảm từ mức thuế cơ bản 10-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực. Các nhóm hàng có lợi thế sớm nhất trong nhóm thủy, hải sản là tôm và cá tra.

Đối với công nghiệp dệt may, hiện tại, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Anh chỉ chiếm 2,77% tổng lượng nhập khẩu vào thị trường này. Do đó còn dư địa rất lớn để phát triển và gia tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may.

Còn nhiều dư địa cho xuất khẩu mặt hàng dệt may sang Anh. Ảnh minh họa: baotintuc.vn

Còn nhiều dư địa cho xuất khẩu mặt hàng dệt may sang Anh. Ảnh minh họa: baotintuc.vn

Đối với mặt hàng gạo, UKVFTA sẽ hỗ trợ gạo Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với gạo đến từ Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ vốn chưa có Hiệp định thương mại tự do với nước này.

Ngoài ra, Anh đã cam kết sẽ rà soát, nâng lượng hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với mặt hàng gạo của Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực. Đây cũng sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang Vương quốc Anh.

Bên cạnh gạo, thực hiện UKFTA, Anh còn cam kết bổ sung hạn ngạch thuế quan đối với hơn 10 mặt hàng khác như trứng, tỏi, ngô ngọt, tinh bột sắn, surimi...

Ngành gỗ cũng hưởng lợi từ UKVFTA khi nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ có thuế suất về 0% trong vòng 5 năm (gỗ nguyên liệu hiện có thuế suất 2-10%).

Với mặt hàng rau quả, Hiệp định UKVFTA khi có hiệu lực xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… Xuất khẩu rau quả sang Anh sẽ tăng trưởng khả quan trong năm 2022.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Anh 11 tháng đầu 2021 sang Việt Nam đạt hơn 778 triệu USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng nhập khẩu từ Anh có tốc độ tăng trưởng lớn nhất là: Kim loại thường khác (637%), điện thoại các loại và linh kiện (184%), nguyên liệu dệt, may, da giày (38,1%), dược phẩm (34,2%), ô tô nguyên chiếc các loại (23,1%).

Bên cạnh đó, với Việt Nam, Anh là đối tác quan trọng hàng đầu, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 trong số các nước trên thế giới, và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 trong số các nước châu Âu - châu Mỹ.

Tuy nhiên, dù Anh là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 thế giới thế, nhưng đến nay thị phần hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang đây mới chỉ chiếm 1%. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng thị trường này vẫn còn nhiều dư địa cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh, UKVFTA đã tạo nên những lực đẩy mới giúp doanh nghiệp Việt Nam có ưu thế cạnh tranh hơn. Đồng thời, ông cũng cho rằng mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 15,6% trong 11 tháng năm 2021 là rất đáng khích lệ trong bối cảnh Covid-19 và sự đối giá của chi phí logistic.

"Nếu các doanh nghiệp Việt Nam giữ vững được sự tín nhiệm của bạn hàng và kiên định thực hiện được cam kết giao hàng, đảm bảo chất lượng thì thị phần hàng hóa Việt Nam tại Anh sẽ từng bước gia tăng trong thời gian tới", ông Cường khẳng định.

Trong năm 2022, mức tăng trưởng thương mại được dự báo sẽ khả quan khi nền kinh tế ANh dần phục hồi và các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các Thương vụ Việt Nam tích cực xúc tiến, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

Sắt thép là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Anh tăng trưởng lớn nhất - Ảnh minh họa

Sắt thép là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Anh tăng trưởng lớn nhất - Ảnh minh họa

Doanh nghiệp cần sớm tận dụng lợi thế của UKVFTA

Hiện nay, Chính phủ Anh đã chủ động thực hiện chiến lược thương mại “Global Britain” nhằm thúc đẩy thương mại quốc tế cho quốc gia này. Anh cũng sẵn sàng mở cửa thị trường nội địa theo phương thức “có đi có lại” với các đối tác nước ngoài thông qua các FTA.

Đồng thời, nước này cũng thúc đẩy đàm phán các FTA với 19 quốc gia hoặc Liên minh các quốc gia trong đó tập trung ưu tiên các đối tác thương mại lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ cũng như chủ trương kế thừa toàn bộ các FTA của EU đang có hiệu lực trên cơ sở đồng thuận với bên ký kết của các này trong đó có FTA Việt Nam – EU (EVFTA).

Ngoài ra, Anh cũng quyết tâm gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng nghĩa với việc Anh sẵn sàng mở của thị trường cho nhiều sản phẩm của 11 nước thành viên tham gia Hiệp định này để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho các sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp Anh. Khi đó, nhiều sản phẩm Việt Nam tại thị trường Anh sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh đến từ các nước CPTPP.

Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ UKVFTA mang lại. Các doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn Anh, châu Âu, nâng cao chất lượng hàng hóa nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính này. Song song với đó, tích cực chủ động xây dựng và phát triển quan hệ bạn hàng với các các Tập đoàn phân phối lớn như Tesco, Sainburry, Whole Foods, Waitrosse, Mark & Spencers, Liddle, Cosco, Aldi, Strada, Westmill.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần chủ động phát triển công nghệ bảo quản và vận chuyển nông sản bằng đường biển, cũng như sử dụng tốt chính sách tín dụng ưu đãi và dịch vụ đánh giá, xác minh tín nhiệm của khách hàng của các ngân hàng Anh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nhà thờ Đức Bà tại TP HCM.

TP HCM sẽ quảng bá du lịch tại Australia

Sở Du lịch TP HCM, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney sẽ tổ chức chương trình Quảng bá Du lịch Việt Nam - TP HCM  tại hai bang New South Wales và Victoria, Australia từ ngày 13-17/5/2024.