Cơ hội để doanh nghiệp Việt hoàn thiện mình tại Hiệp định EVFTA

EVFTA Việt nAM
10:56 - 02/12/2021
Cơ hội để doanh nghiệp Việt hoàn thiện mình tại Hiệp định EVFTA
0:00 / 0:00
0:00
Hiệp định EVFTA tạo cơ hội rất lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam, đồng thời các mặt hàng xuất khẩu cần đáp ứng yêu cầu cao về an toàn vệ sinh thực phẩm

Thông tin được đưa ra trong Hội nghị "Phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)" do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Văn phòng phát triển SPS Việt Nam tổ chức ngày 1/12.

Điều kiện thuận lợi trong Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới EVFTA

Giám đốc văn phòng phát triển SPS Việt Nam - ông Lê Thanh Hòa cho biết, kể từ ngày 01/6/2020 khi Hiệp định tự do EVFTA có hiệu lực, lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường các nước trong Liên minh Châu Âu (EU) đã tăng gấp 4 lần. Kết quả này là nhờ những ưu đãi về thuế quan đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam vào thị trường EU của Hiệp định EVFTA. Trong đó, hầu hết các mặt hàng nông sản trong hạn ngạch đều được giảm thuế về 0%.

Cơ hội trong hiệp định EVFTA rất rộng mở, đơn cử như hạn ngạch của EU đối với gạo của Việt Nam vẫn còn dư địa lớn. Trong Hiệp định EVFTA, EU dành cho gạo Việt Nam hạn ngạch 80 nghìn tấn/năm dành cho các loại gạo thơm, gạo tấm, gạo xay xát, chia theo các quý. Tuy nhiên, năm 2020, Việt Nam mới xuất khẩu được 50 nghìn tấn gạo sang EU, vẫn còn thấp so với hạn ngạch. Dự kiến, đến năm 2022, gạo thơm của Việt Nam sẽ được bỏ hạn ngạch và được miễn giảm thuế trong vòng 5 năm, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, EU đã cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao của Việt Nam như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận… giúp doanh nghiệp dễ dàng tạo thương hiệu hơn khi xuất khẩu nông sản.

Các sản phẩm được EU cam kết bảo hộ CDĐL chủ yếu là mặt hàng rau, quả (chiếm 49%), sản phẩm cây công nghiệp - chế biến (chiếm 15%), thủy sản và chế biến từ thủy sản (chiếm 13%), sản phẩm khác (chiếm 13%)

Ngoài ra, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, hàng hóa của Việt Nam sau khi được phép nhập khẩu vào bất kỳ nước nào thuộc EU thì có thể đến được tất cả các quốc gia trong EU. Tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong vấn đề logistic, khi trước đó, để xuất khẩu vào một nước nào đó trong EU, nhất là các quốc gia ở sâu trong lục địa, quá trình vận chuyển rất phức tạp và tốn nhiều thời gian vì cần phải kiểm tra và phải có giấy phép thông quan của mỗi một quốc gia mà hàng hóa đi qua. Khiến cho các hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm nông sản tươi, bị giảm chất lượng khi vào đến thị trường đích và doanh nghiệp phải tốn rất nhiều cho chi phí logistic.

Bên cạnh đó, thị trường EU không yêu cầu đánh giá rủi ro mở cửa thị trường đối với rau hoa quả nhiệt đới như một số nước đã áp dụng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, mà chỉ yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Điều này giúp các doanh nghiệp tránh được rủi ro và khó khăn khi xuất khẩu.

Khối EU yêu cầu các nước xuất khẩu tuân thủ Hiệp định về an toàn thực phẩm, chăn nuôi động thực vật (SPS), với các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật do EU quy định. Đây vừa là thách thức, vừa là lợi thế của Việt Nam, vì Việt Nam đã tuân thủ Hiệp định này kể từ năm 2007 khi gia nhập WTO.

Đây là Hiệp định khung của WTO, sau này là của EVFTA, yêu cầu các nước thành viên có quyền và nghĩa vụ thực hiện các biện pháp vệ sinh và kiểm định thực vật nhằm bảo vệ người tiêu dùng, cũng như bảo vệ động thực vật và tránh khỏi nguy cơ mất an toàn thực phẩm hay nguy cơ lây lan bệnh dịch qua đường thương mại quốc tế của chính quốc gia xuất khẩu và cả quốc gia nhập khẩu. Do vậy, Việt Nam có nghĩa vụ phải tuân thủ Hiệp định này.

Các quy định về an an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật có tính minh bạch rất cao. Mỗi quốc gia trước khi đưa ra các biện pháp SPS đều phải có thông báo trước với các quốc gia trong khối. Như vậy, có thể thấy mỗi quốc gia có cơ hội và yêu cầu như nhau, không có sự phân biệt đối xử trong Hiệp định này.

Yêu cầu cao của thị trường EU - động lực cho doanh nghiệp chuyển mình

Tuy thị trường EU tạo nhiều điều kiện thuận lợi xuất khẩu cho các mặt hàng của Việt Nam. Nhưng để có thể thâm nhập được vào thị trường này, các mặt hàng phải đáp ứng được yêu cầu ngày một cao từ phía EU, ví dụ như mức ô nhiễm vi sinh vật, vấn đề về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sử dụng trong chăn nuôi trồng trọt, nuôi trồng thủy sản,…

Theo thông tin trong hội thảo, vấn đề về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm của EU được quy định rất khắt khe trong SPS. Năm 1993, EU đồng ý cho hơn 1100 hoạt chất có thể có trong thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm, đến nay, EU đã rút xuống chỉ còn phê duyệt 520 hoạt chất, 56 hoạt chất còn đang chờ phê duyệt, 15 hoạt chất chưa đánh giá tại EU, còn lại 905 hoạt chất không phê duyệt tại EU.

Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần phải cẩn thận trong việc truy xuất hàng hóa, xây dựng chuỗi cung ứng thỏa mãn được yêu cầu của EU và kiểm soát chất lượng sản phẩm của mình. Đây có thể coi là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho doanh nghiệp, tạo tiền đề cho sự chuyển dịch xu hướng sản xuất “xanh” tất yếu của thế giới.

Tuy nhiên, thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam nằm ở quy mô doanh nghiệp đa phần vẫn còn nhỏ và vừa, chưa tạo được thành một hệ thống, một chuỗi cung ứng ổn định cho thị trường EU. Chính vì chưa có hệ thống, các công cụ sản xuất còn thô sơ, chưa áp dụng nhiều thành tựu khoa học-công nghệ, nên sự ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan như thời tiết, thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh tới sản xuất là rất lớn. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 cũng gây ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Do sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, chưa xây dựng được một hệ thống lớn, nên tính cạnh tranh và chất lượng của sản phẩm nông sản chưa cao so với nông sản các nước khác. Để nâng cao tính cạnh tranh của nông sản việt, cần gia tăng bảo hộ sản xuất trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật như các tiêu chuẩn về chất lượng, ATTP, truy suất nguồn gốc,....

Hiện nay, các hiệp định FTAs, CPTPP, EVFTA và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động đến cả khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, hướng đến xu thế sử dụng sản phẩm an toàn, sản phẩm xanh và giảm phát thải khí nhà kính, vì vậy, các doanh nghiệp cần nhanh chóng, tích cực chuyển đổi theo xu hướng thế giới.

Tin liên quan

Đọc tiếp