Xuất khẩu điều kỳ vọng tăng trưởng khi tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do

XUẤT KHẨU Việt nAM
16:47 - 23/02/2022
Xuất khẩu điều kỳ vọng tăng trưởng khi tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do
0:00 / 0:00
0:00

Tháng 1/2022, xuất khẩu hạt điều giảm cả về lượng và trị giá do lượng xuất khẩu sang các thị trường chính đều giảm. Tuy nhiên, hạt điều lại được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nếu tận dụng lợi thế từ các FTA khi xuất khẩu mặt hàng này sang Đức ghi nhận đà tăng mạnh.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam tháng 1/2022 đạt 40,2 nghìn tấn, giảm 11%, tổng trị giá đạt 238,5 triệu USD, giảm 11% so với tháng 1/2021. Giá xuất khẩu bình quân hạt điều tháng này ở mức 5.934 USD/tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn chung, xuất khẩu điều sang hầu hết các thị trường chính đều giảm nhưng lại ghi nhận đà tăng tại các thị trường Đức, Úc, Nga, Ấn Độ, Anh.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá xuất khẩu hạt điều dù tăng ở hầu hết các thị trường chính nhưng lại bị giảm mạnh tại các thị trường Trung Quốc (giảm 10%), Úc (giảm 5%). Canada (giảm 22%), Ấn Độ (giảm 41%).

Trong năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt mục tiêu xuất khẩu cho ngành điều là 3,8 tỷ USD. Với kì vọng vào mức tăng trưởng chung của ngành này trên toàn thế giới có thể đạt tốc độ bình quân như dự đoán của Hiệp hội điều Việt Nam là 4,6% trong giai đoạn 2021 – 2026. Hướng tới thị trường nhân hạt điều thô toàn cầu đạt khoảng 7 tỷ USD vào năm 2025.

Hiện Việt Nam đang là quốc gia có lượng xuất khẩu nhân hạt điều đứng đầu thế giới.

Ngành điều hi vọng tạo điều kiện đưa sản phẩm của Việt Nam tiến sâu hơn vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc... thông qua việc tận dụng được những lợi thế của 15 FTA được kí kết, trong đó có những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, UKVFTA, CPTPP, RCEP...

Đặc biệt, ngành hạt điều sẽ có nhiều dư địa để phát triển tại thị trường EU khi Hiệp định EVFTA đã giúp thuế suất đối với các sản phẩm chế biến từ nhân hạt điều của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu được giảm về 0% từ mức thuế 7 - 12% trước đó.

Bên cạnh đó thị trường Đức đang vươn lên trở thành thị trường tiềm năng của Việt Nam. Bởi lượng nhập khẩu hạt điều của Đức liên tục tăng do nhu cầu của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Theo cơ quan thống kê châu Âu, thị trường Đức chiếm khoảng 29% tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu điều của toàn khối EU.

Trong tháng 1/2022, Đức nhập khẩu 1.925 tấn hạt điều từ Việt Nam, với kim ngạch hơn 12,5 triệu USD, tăng 26% về lượng và 40% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Đức đứng thứ 3 trong số các quốc gia nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam vẫn là nguồn cung hạt điều số 1 tại Đức nhờ nguồn cung ổn định và chất lượng đảm bảo. Vì vậy, trong năm 2022, xuất khẩu điều Việt Nam sang Đức sẽ có nhiều triển vọng nhờ lợi thế của Hiệp định EVFTA.

Điều hiện đang vào đầu vụ thu hoạch, tại các vùng trồng như Bình Phương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Thuận, Đắk Lắk giá điều thô đang tăng cao hơn so với năm ngoái từ 1000-2000/kg, ở mức dao động từ 26.500-30.000 tùy từng vùng trồng.

Giá điều thô nhập khẩu cũng đang được chào bán giá cao dù mùa vụ ở Bờ Biển Ngà, Nigeria, Ghana mới chỉ bắt đầu. Dự báo, giá xuất khẩu có thể giữ được ổn định hoặc cao hơn so với năm 2021.

Tuy nhiên, do giá điều thô tăng cao, nguồn cung còn ít nên sau Tết, chỉ có khoảng 50% doanh nghiệp chế biến hoạt động trở lại và chỉ sản xuất cầm chừng.

Tin liên quan

Đọc tiếp