Nhóm cổ phiếu xây dựng dự 'theo sóng' đầu tư công

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
13:00 - 04/01/2022
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Đầu tư công được cho là vũ khí để chống lại tình hình suy giảm kinh tế. Trong đó, Xây dựng nằm trong những nhóm ngành hưởng lợi nhiều nhất từ “đầu kéo” này.

Xuất khẩu, Tiêu dùng và Đầu tư Công là 3 lĩnh vực chủ chốt trong hoạt động phục hồi và tăng trưởng kinh tế, theo chủ trương của Chính phủ. Trong bối cảnh Tiêu dùng chưa hồi phục hoàn toàn do tác động nặng nề của đại dịch thì Xuất khẩu và Đầu tư công là 2 mũi nhọn còn lại mang đến nhiều tín hiệu tích cực.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong thời gian 3-5 năm tới, Đầu tư công là lĩnh vực được dành sự quan tâm đặc biệt và được Chính phủ tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng nhằm kích thích tăng trưởng và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Có thể kể đến một số công trình hạ tầng tiêu biểu trong giai đoạn hiện hành: 11 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020 với tổng giá trị đầu tư là 118.716 tỷ đồng (chiều dài toàn tuyến là 654 km); Sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (16 tỷ USD), giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (2020-2025); Cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành tổng mức đầu tư 24.275 tỷ đồng, dự kiến khởi công 2022; Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài tổng mức đầu tư 15.900 tỷ đồng, dự kiến khởi công 2022. Sân bay Phan Thiết tổng mức đầu tư 3.800 tỷ đồng, dự kiến khởi công 2022.

Các dự án hạ tầng được đẩy mạnh nhằm kích thích tăng trưởng và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Các dự án hạ tầng được đẩy mạnh nhằm kích thích tăng trưởng và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Trong năm 2021, kế hoạch vốn đầu tư công được giao của Bộ GTVT là 43.401 tỷ đồng và dự kiến đến hết tháng 01/2022 sẽ giải ngân đạt 96%. Còn năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công của Bộ GTVT dự kiến là 50.000 tỷ đồng.

Dự kiến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT triển khai khởi công mới 67 dự án gồm 6 dự án quan trọng quốc gia, 10 dự án nhóm A, 51 dự án nhóm B, C.

Trong đó, 6 dự án quan trọng quốc gia là: Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025; Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Vành đai 4 Hà Nội; Vành đai 3 TP.HCM; Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Đặc biệt, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025 vô cùng quan trọng, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, dư luận đặc biệt quan tâm, có ý nghĩa lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Dự án đã được Bộ GTVT tập trung xây dựng, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và được Chính phủ, Bộ Chính trị đồng ý để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tiếp theo.

Cơ hội "vàng" nhưng rủi ro cũng hiện hữu

Từ tình hình thực tế trên, Chứng khoán Mirae Asset đưa ra kỳ vọng tích cực đối với doanh nghiệp xây dựng, xây lắp, hạ tầng đang niêm yết nhờ việc hưởng lợi trong làn sóng đầu tư công của Chính phủ. Mirae Asset cũng lựa chọn một số cổ phiếu đáp ứng tiêu chí vốn hóa, thanh khoản, mang tính đặc trưng và đại diện cho từng phân khúc xây dựng. Đối với nhóm dân dụng là CTD, HBC, HTN, VCG trong khi nhóm công nghiệp, hạ tầng gồm VCG, HHV, CII, LCG, FCN, C47, TCD.

Chứng khoán BIDV (BSC) cũng đánh giá, đầu tư công được cho là vũ khí để chống lại tình hình suy giảm kinh tế; đây cũng là giải pháp đã được nhiều quốc gia sử dụng. Từ đó, 3 nhóm ngành dự báo sẽ "đón sóng" gồm ngành vật liệu xây dựng (thép, xi măng, đá cát, nhựa, nhựa đường); ngành thi công (xây dựng, ETC, giao thông thông minh, xây dựng điện, vật liệu điện) và ngành bất động sản (gồm bất động sản dân cư và bất động sản khu công nghiệp).

Tỷ suất lợi nhuận (ROE) của các cổ phiếu tiêu biểu trong ngành Xây dựng.

Tỷ suất lợi nhuận (ROE) của các cổ phiếu tiêu biểu trong ngành Xây dựng.

Còn Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thì kỳ vọng ngoài đẩy mạnh đầu tư công, thị trường bất động sản tích cực trong năm 2022 cũng sẽ góp phần cho quá trình phục hồi của ngành xây dựng khi các nhà thầu có nhiều hợp đồng kí mới hơn trong thời gian tới. Thực tế trong quý 4/2021, nhiều doanh nghiệp xây dựng đã có tín hiệu phục hồi tích cực. Như Cotecons (CTD) trúng thầu 10.000 tỷ (cả năm là 25.000 tỷ); Xây dựng Hòa Bình (HBC) trúng 2 dự án mới trị giá hơn 2.000 tỷ đổng.

Tuy nhiên, VDSC cũng cảnh báo, các ngành được dự báo sẽ hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công vẫn có những rủi ro hiện hữu. Đơn cử như các doanh nghiệp xây dựng phải đối mặt với cơn sốt giá nguyên vật liệu đầu vào; doanh nghiệp xi măng gặp vấn đề với tình trạng dư cung; một số doanh nghiệp phải chờ dự án nghiệm thu mới thu được tiền… Vì vậy với những nhà đầu tư chứng khoán, việc nghiên cứu, theo dõi tình hình thị trường cũng như doanh nghiệp vẫn không thể lơ là.

Thị trường xây dựng Việt Nam cơ bản phân loại theo 2 lĩnh vực chính: Dân dụng (nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng) và Công nghiệp & Hạ tầng (Hạ tầng KCN, nhà máy, công trình năng lượng, công trình hạ tầng giao thông). Trong đó, phân khúc Xây dựng dân dụng dự gặp nhiều khó khăn do rào cản gia nhập ngành thấp, có sự tham gia của nhiều nhà thầu ở nhiều quy mô, dẫn đến áp lực cạnh tranh gay gắt.

Còn Phân khúc Xây dựng hạ tầng ít khó khăn hơn do rào cản gia nhập ngành lớn và đặc tính kỹ thuật phức tạp, đặc thù theo từng công trình, vị trí. Thêm vào đó, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam đang rất lớn. Năm 2020, Xây dựng Việt Nam đạt giá trị 57.5 tỷ USD và dự kiến đạt 94.9 tỷ USD vào 2026, với tốc độ tăng trưởng bình quân dự kiến 8,7%/năm trong giai đoạn 2021- 2026.

Ngành Xây dựng đóng góp tỷ trọng đáng kể cho tăng trưởng của Việt Nam, bình quân 8%/năm trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành chỉ tăng trưởng 6.76% trong 2020 và giảm 0.58% trong 9 tháng năm 2021.

Tin liên quan

Đọc tiếp