Cẩn trọng khi chạy theo "sóng" đầu tư công

bđs Việt nAM
14:54 - 16/12/2021
Chạy theo "sóng" đầu tư công chưa chắc đã hưởng lợi
Chạy theo "sóng" đầu tư công chưa chắc đã hưởng lợi
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2021 bùng nổ một loạt các dự án đầu tư công quy mô lớn, các nhà đầu tư bất động sản cá nhân đã nhanh chân "đón sóng" đầu tư. Tuy nhiên, không phải cứ chạy theo làn "sóng" đầu tư công là sẽ được hưởng lợi.

Trong bối cảnh hầu hết các khu vực của nền kinh tế đều ở trạng thái hết sức khó khăn thì đầu tư công chính là “đầu kéo” mà Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan đang tập trung triển khai. Theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 10, cả nước đã giải ngân hơn 257.300 tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước, mới đạt gần 56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Một số dự án đầu tư công có tác động tích cực đến thị trường bất động sản đã và dự kiến khởi công trong năm 2021 như sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn I, 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội, cầu Thủ Thiêm 2 và 3, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên…

Những thông tin về quy hoạch giúp giá đất tăng cao, hạ tầng được hoàn thiện giúp thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, là động lực chính cho tăng trưởng của ngành bất động sản. Đầu tư công không chỉ thu hút các doanh nghiệp bất động sản mà còn là sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư cá nhân.

"Tuy nhiên, các dự án đầu tư công cũng có một phần tác động tiêu cực đến ngành bất động sản Việt Nam, đó chính là tình trạng đầu cơ và thầu đất", ông Sử Ngọc Khương Giám đốc Cấp cao - Savills Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam 2021 (VRES 2021) với chủ đề “Bắt mạch sức khỏe - Tổng quan thị trường bất động sản 2021” ngày 15/12.

Ông Sử Ngọc Khương Giám đốc Cấp cao - Savills Việt Nam

Ông Sử Ngọc Khương Giám đốc Cấp cao - Savills Việt Nam

Ông Khương cho biết: "Đơn cử như câu chuyện sốt đất ở Bình Phước cuối tháng 2/2021 vừa rồi, các nhà đầu tư cá nhân phải hết sức cẩn trọng. Không phải cứ có đường xây ra là đất có giá trị, phải hình thành thêm khu dân cư, nhu cầu sử dụng đất gia tăng thì giá trị bất động sản mới gia tăng".

Vị chuyên gia này cũng chia sẻ câu chuyện về "thành phố ma" tại Long Thành, Đồng Nai: Khi có đề án xây dựng sân bay Long Thành từ 20 năm trước đã có nhiều nhà đầu tư cá nhân mua bất động sản khu vực này với giá rất cao.

"Sau hàng chục năm, giá trị gia tăng có thực sự cân bằng với chi phí vốn mà chúng ta bỏ ra? Thậm chí quy hoạch còn điều chỉnh theo thời gian dựa vào các điều chỉnh kinh tế vĩ mô, các cơ sở hạ tầng giao thông. Nhiều đô thị sẽ cập nhật, điều chỉnh trong vòng 5-10 năm vì vậy các nhà đầu tư cá nhân phải hết sức cẩn trọng", ông đưa ra lời khuyên

Về những rủi ro khi chạy theo "sóng" đầu tư công, ông Khương đề nghị các nhà đầu tư cá nhân cần tránh tâm lý bầy đàn, không nghe theo những nhà đầu cơ, môi giới. Phải tìm hiểu chi tiết các thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông được ban hành bởi các cơ quan chức năng của nhà nước để có cái nhìn tổng quan, tránh rơi vào bẫy đầu cơ tích trữ.

Bà Phùng Thị Ngọc Anh Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế - PwC Việt Nam thì phân tích rằng, các loại hình bất động sản trong các dự án đầu tư, quy hoạch cũng là những loại hình bất động sản có yếu tố quan trọng pháp lý hàng đầu. Những dự án quy hoạch đất đai chưa có định hình rõ ràng, quy hoạch bị treo nhiều năm hay các yếu tố quy hoạch dễ dàng thay đổi trong tương lai thì yếu tố pháp lý của những loại hình này là bất biến và các nhà đầu tư cần phải cân nhắc trước những loại hình bất động sản này.

Bà Phùng Thị Ngọc Anh Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế - PwC Việt Nam

Bà Phùng Thị Ngọc Anh Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế - PwC Việt Nam

Không thể phủ nhận lợi ích của những công trình đầu tư công trong việc thúc đẩy, tạo đà phát triển cho nền kinh tế. Tuy nhiên, khi đầu tư vào các loại hình bất động sản này, các nhà đầu tư cá nhân cần phải cân nhắc kĩ, tránh những rủi ro đáng tiếc trong tương lai.

Theo thống kê, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9/2021 chỉ đạt 47,38% kế hoạch được giao (cùng kỳ năm 2020 là 56,33%); trong đó, có 36 bộ, cơ quan trung ương và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%; chỉ có 4 cơ quan trung ương và 11 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 60%. Việc chậm trễ trong giải ngân vốn là yếu tố dẫn đến sự trì hoãn của những dự án đầu tư công.

Tin liên quan

Đọc tiếp