Giải ngân đầu tư công 2022 muốn nhanh, địa phương phải giao vốn sớm

CHÍNH SÁCH Việt nAM
20:34 - 25/12/2021
Giải ngân đầu tư công 2022 muốn nhanh, địa phương phải giao vốn sớm
0:00 / 0:00
0:00
Giao vốn sớm tức là dự án sớm được triển khai, tiến độ giải ngân đầu tư sớm hoàn thành. Có như vậy mới tạo được động lực kịp thời cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tránh cho nền kinh tế khởi nguy cơ “lỡ nhịp”.

Bộ KH&ĐT "giục" các bộ ngành, địa phương giao vốn đúng hạn

Ngày 24/12, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng ra công điện số 08/CĐ-BKHĐT điện Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, góp phần thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu giao chi tiết kế hoạch vốn NSNN năm 2022 trước ngày 31/12/2021.

Theo quy định, việc phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 phải được bộ ngành địa phương hoàn thành trước ngày 31/12/2021, gửi báo cáo kết quả về Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính trước ngày 10/01/2022 và cập nhật toàn bộ phương án lên Hệ thống thông tin về đầu tư sử dụng vốn NSNN.

Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, đến nay Bộ mới nhận được Quyết định phân bổ kế hoạch vốn NSNN năm 2022 của 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, 7 tỉnh, thành phố chưa phân bổ 100% kế hoạch vốn ngân sách trung ương được Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định số 2048/QĐ-TTg ngày 6/12/2021.

Trước đó, hôm 6/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Quyết định số 2048/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 đúng quy định, hiệu quả, đẩy nhanh tốc độ giải ngân.

Việc đẩy nhanh tốc độ giao vốn sẽ tạo hiệu ứng tích cực trong tiến độ giải ngân, góp phần thực hiện mục tiêu giải ngân vốn NSNN đạt 100% dự toán Quốc hội giao.

Giao vốn nhanh, giải ngân mới mạnh

Tại một cuộc gặp gỡ báo chí vào cuối tháng 11/2021, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: “Trước kia, cứ nói đến đầu tư công thì câu quen thuộc là giao chậm giao nhiều lần, thực tế bây giờ Chính phủ giao một lần là xong luôn. Vấn đề nằm ở khâu thực hiện sau đó, tức là khâu các bộ ngành địa phương giao kế hoạch chi tiết về dự án”.

Tức là sau khi Thủ tướng Chính phủ giao xong kế hoạch phân bổ vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2022 trước ngày 30/11/2021; theo quy định, bộ ngành, địa phương phải giao kế hoạch phân bổ chi tiết về dự án trước 31/12/2021. Tuy nhiên, mục tiêu 31/12/2021 là khó đạt được, vi Thứ trưởng nói.

Vì sao lại khó, trong khi Luật Đầu tư công năm 2017 đã rất đầy đủ, cụ thể. Trong khi đó tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết mới về kế hoạch đầu tư công năm 2022 quy định rõ ràng các tiêu chí phân bổ vốn để bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Một phần nguyên nhân vì hiện nay, bộ ngành địa phương được phân cấp triệt để để thực hiện tất cả các nhiệm vụ từ lựa chọn dự án cho đến giao vốn chi tiết và triển khai thực hiện từ khâu giải phóng mặt bằng, đấu thầu, chuẩn bị dự án, thủ tục…

Ảnh tác giả

“Bản thân Bộ KH&ĐT hiện nay chỉ còn có 3 chức năng chính, đó là xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, đảm bảo đúng chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm, xây dựng nguyên tắc, tiêu chí để báo cáo Quốc hội cho kế hoạch 5 năm và xây dựng nguyên tắc, tiêu chí để điều hành trong kế hoạch hàng năm. Còn lại tất cả các vấn đề lựa chọn dự án, phê duyệt dự án, thẩm định dự án, điều chỉnh dự án kéo dài hay không, giao vốn chi tiết ra sao.. đã giao triệt để cho các bộ, ngành, địa phương”.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận có tình trạng lập kế hoạch không sát hoặc các địa phương, bộ, ngành thờ ơ, chưa làm hết trách nhiệm...

Nhưng khó mấy cũng phải làm, vì giao vốn sớm tức là dự án sớm được triển khai, tiến độ giải ngân đầu tư sớm hoàn thành. Có như vậy mới tạo được động lực kịp thời cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tránh cho nền kinh tế khởi nguy cơ “lỡ nhịp”.

Ảnh tác giả

“Nếu công tác giao kế hoạch tại bộ, ngành, địa phương mà được thực hiện đúng quy định, trước ngày 31/12/2021 thì tức là ngay 1/1/2022 có thể bắt đầu giải ngân được rồi. Điều này sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân từ đầu năm."

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương

Năm nay, giải ngân đầu tư công khó về đích do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Hết 11 tháng, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2021 mới đạt khoảng 63,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong nửa đầu tháng 12, 6 Tổ công tác đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thành lập đã hoàn thành nhiệm vụ đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công ở những bộ ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp.

Tuy nhiên đến nay, ngoại trừ một số bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân dự kiến khá cao như như Bộ Giao thông Vận tải dự kiến đến hết tháng 31/1/2022 giải ngân đạt trên 95% kế hoạch của Chính phủ (theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 sáng 25/12), thì tiến độ giải ngân ở nhiều bộ ngành, địa phương khác đến nay vẫn chậm.

Chẳng hạn, TP. HCM đến giữa tháng 12 mới đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 42%, theo nội dung báo cáo của Phó chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan tại cuộc họp trực tuyến hôm 17/12 do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì về nội dung đôn đốc giải ngân đầu tư công. Theo ông Võ Văn Hoan, dự kiến đến hết tháng 1/2022, TP. HCM phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân 70%. Nhiều địa phương khác cũng gặp khó trong giải ngân vốn đầu tư công, tương tự như TP. HCM.

Trước nguy cơ bị cắt giảm vốn do không giải ngân hết trong niên độ năm, một số địa phương trong đó có TP. HCM đã đề nghị Quốc hội cho phép chuyển tiếp thời gian thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của năm 2021 kéo dài đến hết năm 2022, thay vì mốc 31/1/2022, viện dẫn nguyên do dịch bệnh. Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có ý kiến rõ ràng yêu cầu địa phương thực hiện đúng quy định trong Luật Đầu tư công và Luật NSNN.

Luật Đầu tư công quy định rất rõ: bộ ngành, địa phương nào không giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, các dự án không rơi vào trường hợp bất khả kháng thì không được kéo dài sang năm 2022, tức sẽ bị cắt giảm vốn đầu tư công trung hạn tương ứng với số vốn không giải ngân hết và sẽ bị hủy dự toán theo quy định hiện hành.

Sang năm 2022, muốn đầu tư công thực sự là một trụ cột cho phục hồi kinh tế, nhất định phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm. Muốn giải ngân nhanh từ đầu năm, nhất định phải nhanh từ khâu giao kế hoạch.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.