Trị 'bệnh nan y' của đầu tư công, cần quyết liệt như ngành giao thông

giao thông Việt nAM
14:23 - 01/01/2022
Trị 'bệnh nan y' của đầu tư công, cần quyết liệt như ngành giao thông
0:00 / 0:00
0:00
Một tỷ trọng khá cao nguồn vốn cân đối cho đầu tư công hiện nay là vay nợ nước ngoài. Trong khi đó, chi phí vay vốn bao gồm cả vốn ODA đang ngày một tăng, dẫn đến việc chậm giải ngân hay dự án thiếu hiệu quả đồng nghĩa lãng phí vốn.

Từ kết quả giải ngân đầu tư công của Bộ Giao thông Vận tải...

Với kế hoạch vốn được giao hơn 43.000 tỷ đồng trong năm, dự kiến đến hết ngày 31/1/2021, tỷ lệ giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải đạt trên 95% kế hoạch của Chính phủ, là một trong những bộ ngành giải ngân cao nhất cả nước.

Vậy 43.000 tỷ đã được tiêu vào đâu trong năm qua?

Theo báo cáo tổng kết năm 2021 của Bộ Giao thông Vận tải, trong 12 tháng, Bộ đã hoàn thành thủ tục, khởi công 18 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 14 dự án. Trong đó có các dự án quan trọng mang ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội như khởi công 5 dự án thành phần còn lại của cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên và tuyến kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.

Ngoài ra, hoàn thành dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đặc biệt, hoàn thành, bàn giao, đưa vào khai thác Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Những dự án này không chỉ góp phần đẩy mạnh tiến độ giải ngân đầu tư công trong năm 2021 mà còn hướng đến những mục tiêu giải ngân dài hạn hơn trong cả kỳ trung hạn 2021-2025.

Ảnh tác giả

“Năm 2020 và 2021 Bộ Giao thông vận tải xác định công tác triển khai các dự án đầu tư, trong đó có những dự án đầu tư trọng điểm là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất”.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể

Năm 2022, trọng trách của Bộ Giao thông Vận tải nặng nề hơn. Không phải 43.000 tỷ đồng, mà có tới 50.000 tỷ đồng kế hoạch vốn sẽ được Chính phủ giao cho Bộ triển khai phân bổ. Trừ hai địa phương là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đây là Bộ được giao nhiều vốn nhất trong năm sau.

Số vốn này sẽ đi vào từng dự án, phục vụ mục tiêu hoàn thành các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 như tuyến cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang, đường vành đai 3, vành đai 4 khu vực động lực Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…

Để tiêu hết và hiệu quả 50.000 tỷ trong năm tới, Bộ Giao thông Vận tải vừa qua đã đẩy mạnh tiến độ thi công các dự án quan trọng quốc gia như đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, các dự án động lực như cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Giẽ - Ninh Bình…

Chỉ tiêu cụ thể được đưa ra trong năm 2022 là bố trí đủ vốn để hoàn thành dứt điểm 25 dự án giao thông, đồng thời giao kế hoạch trình khoảng 35 dự án và kế hoạch phê duyệt khoảng 50 dự án.

Ngoài các chỉ tiêu số lượng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nêu rõ dự án đầu tư công được lựa chọn phải đảm bảo các tiêu chí chất lượng như “là công trình động lực quan trọng của quốc gia, quy mô lớn, kết nối liên vùng và phải khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả”.

Khi Chính phủ gấp rút bàn thảo Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội; hiệu quả giải ngân đầu tư công của Bộ Giao thông Vận tải nói riêng và các bộ ngành nói chung trong những năm tới sẽ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đà tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn.

... đến việc trị căn bệnh nan y đầu tư công dàn trải, đội vốn

Kế hoạch vốn 50.000 tỷ giao cho Bộ Giao thông Vận tải chỉ là một phần trong tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến cân đối được trong năm 2022 là 526.106 tỷ đồng. Cho cả giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021-2025, kế hoạch vốn lên tới 2,87 triệu tỷ.

Trong năm 2021, năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, ngoại trừ một số bộ, ban ngành có kết quả giải ngân cao như Bộ Giao thông Vận tải, tỷ lệ giải ngân bình quân về cơ bản là thấp, chưa đạt mục tiêu giải ngân 90% dự toán Quốc hội giao. Điều này tạo áp lực cho các bộ ngành, địa phương phải tiêu hết, tiêu hiệu quả từng đồng vốn được phân bổ trong các năm tiếp theo (2022-2025) nếu muốn hoàn thành mục tiêu giải ngân đầu tư công của cả giai đoạn.

Trao đổi với MEKONG ASEAN, bà Phạm Chi Lan, Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra 2 căn bệnh nan y của đầu tư công lâu nay: dự án chưa thật sự chọn lọc và khâu lập kế hoạch chưa sát.

Về vấn đề chọn lọc dự án, bà Chi Lan cho hay: “Tôi rất hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ngay từ khi được bổ nhiệm, trong những cuộc làm việc đầu tiên với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì ông đã kêu ngay số lượng dự án đầu tư công lớn quá, cần giảm nữa đi. Phía Bộ báo cáo đã giảm rồi nhưng Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục giảm, phải rà soát lại để giảm thêm. Đó là thông điệp tốt, bởi đơn giản là dự án quá nhiều thì Nhà nước ‘ba đầu sáu tay’ cũng không quản lý hết được về chất lượng”.

Theo phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, số dự án dự kiến sẽ được bộ, cơ quan trung ương và địa phương bố trí vốn đã giảm hơn 1 nửa so với giai đoạn 2016-2020 xuống chỉ còn khoảng 4.979 dự án. Tính bình quân số vốn bố trí cho mỗi dự án là 210,4 tỷ đồng, cao gấp khoảng 2,4 lần giai đoạn 2016-2020 (88 tỷ đồng/ dự án).

Về tình trạng khâu chuẩn bị dự án ẩu, chưa thật sát, chưa được chú trọng, Nguyên Phó Chủ tịch VCCI nhận định: “Đầu tư công rút cục có bao giờ đảm bảo dự toán ngân sách ban đầu hay không, hay toàn đội vốn lên? Người ta đổ cho đội vốn lên là do thủ tục phiền hà kéo dài thời gian, nhưng có khi kéo dài thời gian chính là do khâu chuẩn bị dự án không được tốt”.

“Lỗi ở ngay từ đầu, dự án chưa điều tra, chuẩn bị kỹ càng xem có cần thiết hay không nhưng đã đẩy lên vì muốn xếp hàng lấy được tiền cái đã, có tiền mới quay lại chuẩn bị kỹ càng; thì lúc đó tính thực tế không có hoặc các điều kiện đã thay đổi khiến dự án không còn hiệu quả nữa. Chưa kể các chiêu trò trong việc kéo dài, lấy lý do vật giá tăng lên để xin tăng vốn”, bà Chi Lan nói thêm.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV hồi tháng 11/2021 rằng có tình trạng lập kế hoạch không sát hoặc các địa phương, bộ, ngành thờ ơ, chưa làm hết trách nhiệm.

Cầm tiền mà không tiêu được là thiệt thòi cho quốc gia

Luật Đầu tư công đã có, kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao 1 lần xong xuôi, bộ ngành địa phương phải làm thế nào để tiêu hiệu quả vốn? Và nếu không tiêu được vốn, thì trách nhiệm nằm ở đâu, do ai chịu?

Bà Phạm Chi Lan trăn trở: "Nếu chứng minh được giải ngân chậm hoặc không giải ngân kịp làm tăng trưởng kinh tế địa phương tụt xuống bao nhiêu, dân đã kêu ầm lên rồi. Nhưng không ai chứng minh được cả, mà chỉ thấy sau đấy dự án đội vốn lên gấp mấy lần. Rồi nhiều khi cái mức đội vốn đó lại được tính vào GDP, làm tăng GDP chứ không phải GDP tăng do hiệu quả mà dự án phát huy được”.

Ảnh tác giả

“Qua bao nhiêu năm ta thấy giải ngân đầu tư công thường chỉ được bình quân khoảng 75%, 25% còn lại không giải ngân được có chết ai đâu? Có ai chứng minh phần không giải ngân được ảnh hưởng gì đến kinh tế địa phương đâu?"

Bà Phạm Chi Lan

Cần lưu ý, một tỷ trọng khá cao nguồn vốn cân đối cho đầu tư công hiện nay là vay nợ nước ngoài. Trong khi đó, chi phí vay vốn - bao gồm cả vốn ODA - ngày một tăng do Việt Nam đã thoát mác quốc gia thu nhập thấp, đang phấn đấu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Do vậy, việc chậm giải ngân hay dự án hiệu quả không cao đồng nghĩa lãng phí vốn, làm tăng chi phí đầu tư công.

Về điều này, chuyên gia kinh tế, TS. Sử Ngọc Khương cũng từng đề cập: "Tiền đi vay, đưa về ngân sách địa phương lại không giải ngân được. Trong khi ta đang đi vay vốn để phát triển cơ sở hạ tầng thì việc giải ngân chậm trễ là thiệt thòi cho cả quốc gia".

Hiển nhiên cầm tiền mà không 'tiêu' được trong khi chi phí vay ngày một tăng thì nợ quốc gia chắc chắn sẽ tăng. Khi đó, gánh nặng nợ trên đầu mỗi người dân cũng tăng tương ứng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.