Nhựa xâm chiếm đại dương tại Đông Nam Á đã đến mức 'báo động đỏ'

Đại dương môi trường
13:02 - 21/07/2022
Hiểm họa từ rác thải nhựa. Ảnh: thiennhien
Hiểm họa từ rác thải nhựa. Ảnh: thiennhien
0:00 / 0:00
0:00
Rác thải nhựa đang được xem là hiện tượng báo động đỏ, trở thành vấn đề cấp bách tại khu vực ASEAN cũng như trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã tiên phong triển khai nhiều chương trình hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa.

Chi phí xử lý cao hơn 10 lần giá trị thị trường của nhựa nguyên sinh

Thông tin được chia sẻ tại buổi tập huấn “Nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về giảm ô nhiễm nhựa đại dương” ngày 21/7 cho thấy, Việt Nam là một trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất trên thế giới.

Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, tính trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon. Mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon mỗi tháng. Hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần nhưng số lượng được xử lý là rất ít.

Tháng 3/2022, tại kỳ họp của Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEA-5.2), các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã nhất trí xây dựng một hiệp ước ràng buộc pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa, là một trong những hành động môi trường tham vọng nhất của thế giới kể từ Nghị định thư Montreal nhấn mạnh vào loại bỏ sản xuất các chất làm suy giảm tầng ôzôn.

Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8% - 12% chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 11% - 12% số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.

Trong khi đó, theo báo cáo “Nhựa: chi phí đối với xã hội, môi trường và nền kinh tế năm 2021” của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) chỉ ra, việc xã hội lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần không chỉ để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người mà còn làm suy giảm nền kinh tế.

Chi phí xã hội, môi trường và nền kinh tế đối với nhựa được sản xuất trong năm 2019 là 3.700 tỷ USD, cao hơn GDP của Ấn Độ. Nếu không có hành động cấp thiết được triển khai, chi phí này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2040, tương đương 85% chi tiêu toàn cầu cho y tế trong năm 2018, cao hơn GDP của Đức, Canada, Australia cộng lại năm 2019.

Báo cáo của WWF cũng cho thấy, chính phủ và người dân các quốc gia đang vô tình sa lầy vào hệ thống sản xuất, tiêu dùng và xử lý nhựa gây ra vô số tác động tiêu cực đến con người và môi trường.

Trong đó rác thải nhựa đang được xem là hiện tượng “báo động đỏ”, là vấn đề cấp bách tại khu vực ASEAN nói riêng và toàn cầu nói chung. Riêng tại Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 2.000 tấn rác thải nhựa từ trong nước rò rỉ ra biển.

Các nghiên cứu chỉ ra mẫu số chung, chi phí đối với xã hội, môi trường và nền kinh tế cao hơn 10 lần so với giá trị thị trường của nhựa nguyên sinh.

Doanh nghiệp là động lực thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Trước thực trạng của các báo cáo môi trường nêu trên, tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhìn nhận, nếu không hành động ngay từ bây giờ dẫn đến giảm suy thoái môi trường, suy kiệt tài nguyên, cuộc sống con người sẽ bị đe dọa, điển hình là Covid-19, nhiệt độ tăng kỷ lục ở nhiều nước trên thế giới.

Việt Nam cũng đã tiên phong triển khai nhiều chương trình hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, trong đó, có bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon.

Ảnh tác giả

“Để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, Luật Bảo vệ Môi trường 2022 đã quy định những chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn, miễn giảm thuế, phí đối với hoạt động bảo vệ môi trường; trợ giá, cước vận chuyển đối với sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ bảo vệ môi trường”.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

Tuy nhiên, theo ông Thọ, nhận thức và nhu cầu của doanh nghiệp về sản xuất bền vững và giảm thiểu rác thải nhựa còn hạn chế. Bản thân doanh nghiệp chưa ý thức được vai trò, ý nghĩa cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp trong sản xuất bền vững và giảm thiếu rác thải nhựa thì việc triển khai xây dựng trên thực tiễn vẫn là một thách thức.

Đồng thời, để triển khai các mô hình sản xuất bền vững như mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu rác thải nhựa thì việc áp dụng, nâng cấp các công nghệ sản xuất tiên tiến, công nghệ xanh, tuần hoàn tiêu thụ ít tài nguyên, giảm phát sinh chất thải là rất cần thiết.

“Điều này liên quan mật thiết đến vấn đề tài chính của doanh nghiệp. Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách cụ thể để thực thi kinh tế tuần hoàn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn đầu tư vào các mô hình sản xuất bền vững và giảm thiểu rác thải nhựa”, ông Thọ nhấn mạnh.

Một trong những công cụ được Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng nắm vị trí thiết yếu để Việt Nam thực hiện thành công kinh tế tuần hoàn là thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Theo ông Nguyễn Thi, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Tài và Môi trường), việc thành lập Hội đồng quốc gia EPR và Văn phòng giúp việc quốc gia sẽ góp phần thúc đẩy xã hội chuyển đổi từ mô hình EPR tự nguyện sang bắt buộc và sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Tin liên quan

Đọc tiếp