Những chính sách mới về tiền tệ trên thế giới và tác động đến Việt Nam

LÃI SUẤT TỶ GIÁ
11:43 - 27/03/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Nếu tỷ giá được giữ vững, thông tin lạm phát, tăng trưởng công bố cuối tháng 3 và diễn biến thị trường tài chính quốc tế sẽ là dữ liệu quan trọng để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng.

Trong báo cáo nhận định thị trường chứng khoán tuần 13/2023 (27/3-31/3), Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đã có cập nhật về chính sách tiền tệ thế giới quý 1/2023.

Tại Mỹ, sau lần hạ tốc độ tăng lãi suất từ 0,75% xuống 0,5% trong tháng 12/2022, Fed tiếp tục hạ tốc độ tăng lãi suất tháng 1/2023 xuống 0,25%. Khi số liệu lạm phát tháng 1/2023 của Mỹ cao hơn dự kiến, đồng thời thị trường lao động vẫn tiếp tục tăng trưởng, thị trường đã lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất 0,5% trong cuộc họp tháng 3.

Tuy nhiên, sau biến cố xảy ra với hệ thống ngân hàng Mỹ, Fed đã giữ mức tăng lãi suất 0,25% trong cuộc họp tháng 3/2023 để góp phần ổn định lại hệ thống ngân hàng, đưa lãi suất lên 4,75%-5%. Đồng thời đưa ra dự báo mức lãi suất đỉnh sẽ là 5%-5,25% và bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất từ năm 2024.

Tại châu Âu, ngày 16/3, ECB tiếp tục nâng lãi suất 0,5%. Lạm phát tổng thể tại châu Âu vẫn duy trì đà đi xuống kể từ khi tạo đỉnh trong tháng 10/2022, tuy nhiên lạm phát lõi tại đây vẫn đang trên đà tăng. Quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của ECB vẫn là đưa lạm phát về mức 2% và sẽ điều chỉnh mức thắt chặt theo các chỉ số kinh tế hàng tháng.

Tại Anh, BoE cũng tiếp tục tăng lãi suất 0,25% ngày 23/3/2023. Lạm phát tại Anh có dấu hiệu tạo đỉnh từ tháng 10/2022, tuy nhiên lại ghi nhận tăng mạnh trở lại trong tháng 2/2023 (+10,4% so với cùng). Quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của BoE là đưa lạm phát về mức 2%.

Tại Nga, CBR vẫn giữ lãi suất điều hành ở mức 7,5% từ tháng 9/2022 đến nay. Hiện tại, lạm phát tại Nga vẫn đang ở mức cao nhưng duy trì xu hướng đi xuống kể từ tháng 5/2022. Tuy nhiên, CBR vẫn giữ quan điểm diều hâu về việc điều hành chính sách tiền tệ.

Tại Trung Quốc, chính sách tiền tệ vẫn duy trì nới lỏng, đó là ban hành các gói tín dụng ưu đãi, giữ lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm ở mức 3,65%, cắt giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc (RRR) 0,25% từ ngày 27/3/2023 với tất cả các ngân hàng, ngoại trừ các ngân hàng đã thực hiện tỷ lệ dự trữ bắt buộc 5%.

Đối với khu vực ASEAN 5, các Ngân hàng Trung ương tại đây vẫn duy trì trạng thái thắt chặt chính sách tiền tệ theo các nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, khi các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ bắt đầu có sự giảm bớt tốc độ nâng lãi suất cũng là động lực để khu vực ASEAN 5 phần nào giảm tốc.

Theo dự báo của các tổ chức tài chính, Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp, Nga sẽ tiếp tục giảm lãi suất từ năm sau, còn các nước khác vẫn tiếp tục lộ trình tăng lãi suất.

Diễn biến lãi suất tại các quốc gia.

Diễn biến lãi suất tại các quốc gia.

Tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước (SBV) đã hạ lãi suất tái chiết khấu 1% từ mức 4,5% xuống 3,5%, có hiệu lực từ ngày 15/3/2023.

SBV cũng bắt đầu liên tục bơm tiền trên thị trường mở hai tuần trở lại đây (bơm ròng 52.500 tỷ đồng trong tuần 11, và không phát hành thêm tín phiếu trong tuần 12). Bên cạnh đó, SBV vẫn duy trì mua ngoại tệ kể từ tháng 1/2023. Những điều chỉnh đã có ảnh hưởng đáng kể lên thị trường 2.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào kéo theo lãi suất qua đêm giảm nhanh về mức 1,5% (mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022) và không còn ngân hàng nào trúng thầu trên thị trường OMO. Lãi suất trên thị trường 1 cũng đã giảm ở kỳ hạn trên 6 tháng và cần thời gian để có hiệu ứng rõ rệt hơn.

Lạm phát tháng 2/2023 hạ nhiệt đã tạo điều kiện cho SBV điều chỉnh hạ lãi suất trong bối cảnh còn nhiều biến động bất định từ thị trường tài chính thế giới. Sau khi thay đổi chính sách tiền tệ, tỷ giá vẫn duy trì ở mức ổn định. Tính đến 23/3/2023, tỷ giá VND/USD tăng 3,04% so với cuối năm 2021, giảm từ mức 4,23% cuối tháng 2/2023.

Theo BSC, Ngân hàng Nhà nước đã đi trước đón đầu và rất nỗ lực trong hạ mặt bằng lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. Thời điểm hiện tại là khoảng dừng để theo dõi hiệu quả chính sách. Nếu mặt trận tỷ giá được giữ vững, thông tin lạm phát, tăng trưởng công bố cuối tháng 3 và diễn biến thị trường tài chính quốc tế sẽ là dữ liệu quan trọng để SBV tiếp tục có điều chỉnh theo hướng nới lỏng.

Dự báo lãi suất điều hành của các nước.
Dự báo lãi suất điều hành của các nước.

Về thị trường chứng khoán, BSC nhận định VN-Index vẫn đang trong quá trình tích lũy trong mô hình tam giác với thanh khoản dưới mức trung bình. Lực cầu đỡ ở vùng hỗ trợ kênh giá dưới cũng như lực bán ở kênh giá trên duy trì trạng thái tích lũy.

VN-Index tuần trước có biến động tích cực hơn, quay lại kiểm tra kênh giá trên trong phiên giao dịch cuối tuần cũng như vượt các đường MA ngắn hạn. Dù vậy thị trường vẫn chỉ vận động đi ngang trong mô hình tam giác mà khả năng vượt qua kênh giá trên để kiểm tra 1.100 điểm hoặc giảm dưới kênh giá dưới để về 980 điểm xác suất như nhau. Chỉ số cần có những phiên tạo đà để xác nhận các khả năng trên.

Tin liên quan

Đọc tiếp