Nike lạc quan khi nguồn cung tại Việt Nam phục hồi trở lại

doanh thu Nike
18:42 - 22/12/2021
Nike báo cáo về tăng trưởng bị kìm hãm trong 2 quý, do sản xuất và vận chuyển hàng hóa bị đình trệ trên khắp thế giới.
Nike báo cáo về tăng trưởng bị kìm hãm trong 2 quý, do sản xuất và vận chuyển hàng hóa bị đình trệ trên khắp thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Hãng trang phục thể thao Nike thông báo, nguồn cung sẽ trở lại bình thường vào năm sau nhờ vào việc tất cả các nhà máy ở Việt Nam đã hoạt động trở lại với sản lượng đạt khoảng 80% so với trước khi đóng cửa.

Trong báo cáo quý II năm tài chính 2022 của hãng Nike cho thấy, nhu cầu đối với hàng hóa của hãng tiếp tục lớn hơn nguồn cung. Trong quý trước, Nike cho biết rằng việc sản xuất bị trì hoãn 10 tuần do sự cố ngừng hoạt động tại các nhà máy sản xuất ở Việt Nam.

Những hạn chế trong chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng đến doanh thu bán hàng của Nike trong quý vừa qua. Hai quý liên tiếp, "gã khổng lồ" giày thể thao đã báo cáo về tăng trưởng bị kìm hãm do sản xuất và vận chuyển hàng hóa bị đình trệ trên khắp thế giới.

Ngày 20/12 vừa qua, Nike cho biết doanh thu tại Trung Quốc, khu vực châu Á-Thái Bình Dương và châu Mỹ-Latinh giảm chủ yếu do lượng hàng tồn kho thấp vì việc đóng cửa nhà máy liên quan đến Covid-19.

Việt Nam là đất nước tập trung sản xuất hơn một nửa sản lượng giày dép và khoảng một phần ba sản xuất hàng may mặc của thương hiệu Nike. Ảnh: AFP

Việt Nam là đất nước tập trung sản xuất hơn một nửa sản lượng giày dép và khoảng một phần ba sản xuất hàng may mặc của thương hiệu Nike. Ảnh: AFP

Các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc nhằm kiểm soát dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động của một phần tư các đối tác bán lẻ của Nike và một nửa số nhà máy làm việc với công ty.

Ban lãnh đạo của Nike cho biết họ kỳ vọng tình hình hàng tồn kho sẽ được cải thiện. Phía công ty dự báo tăng trưởng sẽ ở mức thấp hơn một con số trong quý III do ảnh hưởng từ sản lượng bị thâm hụt. Nguyên nhân chính vẫn là gián đoạn trong chuỗi sản xuất liên quan đến đại dịch Covid-19 ở Việt Nam.

Việt Nam là đất nước tập trung sản xuất hơn một nửa sản lượng giày dép và khoảng một phần ba sản xuất hàng may mặc của thương hiệu Nike. Việc các nhà máy Viêt Nam đóng cửa đã khiến Nike phải hủy sản xuất khoảng 130 triệu chiếc.

"So với 90 ngày trước, chúng tôi lạc quan hơn và tin rằng nguồn cung sẽ quay lại bình thường vào năm tài chính 2023 (từ tháng 6/2022)", Giám đốc Tài chính Matthew Friend cho biết.

Ông cũng giải thích sự lạc quan trên xuất phát từ việc tất cả các nhà máy ở Việt Nam đã hoạt động trở lại và hứa hẹn sản lượng đạt khoảng 80% so với trước khi đóng cửa.

Theo báo cáo, doanh thu quý II năm tài chính 2022 của Nike tăng 1% so với cùng kỳ, đạt 11,4 tỷ USD. Mức thu này vượt con số dự kiến của các nhà phân tích là 11,2 tỷ USD. Thu nhập ròng của Nike trong quý IV/2021 là 1,3 tỷ USD, tăng 7% so với một năm trước. Doanh thu bán hàng trực tiếp tăng 9% lên 4,7 tỷ USD. Doanh số bán hàng trực tuyến tăng 12%.

Trong giai đoạn hiện nay, biến chủng Omicron đang nhanh chóng lan rộng khắp thế giới. Nike không chắc liệu các quốc gia trên thế giới có tiếp tục siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, thậm chí đóng cửa cảng biển và các nhà máy sản xuất hay không. Với sự phức tạp của biến chủng Omicron, “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ”, ông Friend nói.

Tuần trước, Nike cho biết họ đã mua lại Rtfkt, một công ty khởi nghiệp chuyên phát triển mã kỹ thuật số và NFT cho giày thể thao và các đồ sưu tầm khác. Công ty không tiết lộ chi tiết của thương vụ. Gần đây, Nike cũng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho thấy họ muốn bán NFT cho giày thể thao, quần áo và các phụ kiện khác có biểu tượng Swoosh của mình.

Các nhà phân tích cho rằng, các động thái này phản ánh tham vọng của công ty trong việc nhanh chóng tham gia vào thị trường hàng hóa ảo và thể hiện sự tăng tốc trong chiến lược kỹ thuật số của mình.

Điều này cũng có thể giúp Nike vượt qua tình trạng khan hiếm nguồn cung. Đối thủ cạnh tranh Adidas cũng vừa tung ra bộ sưu tập NFT vào tuần trước và thu về khoảng 23 triệu USD.

Đọc tiếp