OCB đang thương thảo khoản nợ 1.500 tỷ đồng liên quan đến FLC

OCB NGÂN HÀNG
14:31 - 23/04/2022
OCB đang thương thảo khoản nợ 1.500 tỷ đồng liên quan đến FLC
0:00 / 0:00
0:00
Vấn đề về các khoản vay của các tập đoàn FLC, Đại Nam và trái phiếu bất động sản được các cổ đông đặc biệt quan tâm trong Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), diễn ra sáng 23/4.

Ngay trong tháng sau dư nợ của FLC tại OCB có thể giảm đến 1.500 tỷ đồng

Giải đáp thắc mắc của cổ đông về các khoản vay của Tập đoàn FLC và CTCP Đại Nam, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết ngân hàng chỉ cho Tập đoàn FLC vay bán lẻ. Cụ thể, OCB cho FLC vay 1.500 tỷ đồng với 2 dự án có đầy đủ pháp lý và chỉ sau khi giải phóng mặt bằng mới cấp vốn.

Hiện số tài sản thế chấp của FLC tại ngân hàng là trên 2.000 tỷ đồng là các bất động sản đã có sổ cấp cho nhà đầu tư. Hai dự án trên đã bán được hàng và đang dự thu 2.400 tỷ. Theo đó, các nghĩa vụ gốc lãi của FLC rất nghiêm túc với OCB. Ngân hàng đã tăng cường kiểm soát dòng tiền và thu nợ dự kiến trước hạn 1.500 tỷ đồng của FLC.

Kế hoạch thu nợ của ngân hàng được cho là khá triển vọng, dự kiến ngay sau tháng này dư nợ của FLC đối với OCB có thể giảm ngay 1.200 đến 1.500 tỷ đồng. Đại diện của ngân hàng cũng khẳng định, thời gian tới, nếu những dự án đảm bảo nguồn tiền thì OCB vẫn sẽ cho Tập đoàn FLC vay.

Với CTCP Đại Nam, tới ngày 22/4 doanh nghiệp này đã trả 450 tỷ đồng cho OCB. Đại Nam cũng có các tài sản là sổ đỏ, tính pháp lý đầy đủ nên có đầy đủ cơ sở để thu hồi nợ. Do đó, lãnh đạo OCB nhấn mạnh vấn đề của Tập đoàn Đại Nam không phải là rủi ro cho ngân hàng.

OCB lãi 836 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2022

Thông báo tại đại hội về kết quả kinh doanh quý I/2022, đại diện ngân hàng cho hay, tổng tài sản của OCB tăng 2%, dư nợ tăng 6%, lợi nhuận trước thuế 1.115 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thay đổi về chính sách trích lập dự phòng rủi ro, ngân hàng trích bổ sung dự phòng phân nhóm nợ theo CIC trong báo cáo tài chính quý I nên lợi nhuận đạt 836 tỷ đồng.

Năm 2022, OCB dự kiến tổng tài sản tăng 25% lên 230.112 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 23% lên 155.003 tỷ đồng, dư nợ cho vay tăng 25% lên 129.493 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 29%, đạt 7.110 tỷ đồng; kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 1%.

HĐQT OCB cho biết, tăng trưởng lợi nhuận được dựa trên cơ sở tăng trưởng dư nợ thị trường 1 ở mức 25% đạt 129.493 tỷ đồng. Cùng với đó, huy động vốn thị trường 1 dự kiến vượt 155.000 tỷ đồng, tăng 23%.

Cũng theo báo cáo của HĐQT OCB, năm 2021, ngân hàng đã đạt được những kết quả kinh doanh ấn tượng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế tăng 25%, đạt 5.519 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra. OCB cũng đã tăng vốn thành công lên 13.699 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ mức 1,42% năm 2020 xuống còn 0,97% vào cuối năm 2021. CIR (hệ số chi phí theo thu nhập) được cải thiện từ mức 29,1% về còn 26,9%.

Tỷ suất lợi nhuận bình quân trên tài sản (ROAA) và trên vốn chủ sở hữu (ROAE) của OCB thuộc top đầu ngành, lần lượt đạt 2,59% và 22%.

Tăng vốn điều lệ lên gần 18.000 tỷ đồng

Ngoài ra, một nội dung quan trọng khác được trình cổ đông thông qua tại cuộc họp là phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 thêm 4.186 tỷ đồng lên 17.885 tỷ đồng. Cụ thể, OCB sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 4.127 tỷ đồng thông qua việc phát hành 412,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 30% và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Với số tiền thu được từ việc tăng vốn, ngân hàng sẽ dùng phần lớn để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay (hơn 3.200 tỷ), bên cạnh đó còn để đầu tư công nghệ, nâng cấp tài sản, trang bị tài sản cố định,…

Tin liên quan

Đọc tiếp

TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.