Pháp luật bảo hộ SHTT tại Việt Nam: Tính đầy đủ đã có nhưng phải giải bài toán hiệu quả

SHTT Việt nAM
17:30 - 24/03/2022
Pháp luật bảo hộ SHTT tại Việt Nam: Tính đầy đủ đã có nhưng phải giải bài toán hiệu quả
0:00 / 0:00
0:00
“Nếu xét về tính đầy đủ của Luật sở hữu trí tuệ thì chúng ta đã làm khá tốt, nhưng nếu xét về tính hiệu quả thì còn nhiều vấn đề cần bàn luận”, TS. Trần Thị Hồng Minh nhận định về pháp luật bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam hiện nay.

Ngày 22/8/2019, Chính phủ ban hành Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Trong đó đặt mục tiêu phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ, đến năm 2030 đưa Việt Nam vào nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT với nhiều chỉ tiêu cụ thể.

Sau gần 3 năm Quyết định được phê duyệt, thực tế ngày càng khẳng định tính cấp thiết của việc hoàn thiện luật pháp bảo hộ sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển kinh tế số.

Tính đầy đủ đã có, nhưng tính hiệu quả phải bàn thêm

Tại Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ ra đời từ năm 2005 và đã được sửa đổi bổ sung 2 lần vào các năm 2009, 2019; ngoài ra có dự thảo sửa đổi năm 2021. Luật này tập trung vào 7 nhóm nội dung chính, trong đó ưu tiên hàng đầu là bảo đảm quy định rõ về quyền tác giả và quyền liên quan; khuyến khích tạo ra và khai thác, phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và tạo thuận lợi cho đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

Ngoài ra, Luật cũng đảm bảo cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và lợi ích xã hội, tăng cường hiệu quả hỗ trợ về sở hữu trí tuệ, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền và thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ.

Đánh giá của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, về cơ bản Luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu về “tính đầy đủ” trong nội luật hóa các cam kết về sở hữu trí tuệ, chỉ đứng sau Singapore trong số 6 quốc gia ASEAN được đánh giá là Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nước có ý thức về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Chẳng hạn, sản phẩm nước mắm Phú Quốc đã đăng ký bảo hộ tên gọi xuất xứ trên toàn bộ lãnh thổ các nước thuộc EU từ ngày 31/12/2012, trong đó quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ đã được thúc đẩy từ trước khi hiệp định EVFTA được đàm phán.

Hay vào năm 2021, Viettel là được gọi tên là doanh nghiệp Việt Nam có sức ảnh hưởng nhất về đổi mới sáng tạo tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á dựa trên 4 tiêu chí gồm số lượng bằng sáng chế, số lượng trích dẫn, thành công của bằng sáng chế và mức độ toàn cầu hóa.

Tuy nhiên, tại Hội thảo công bố báo cáo “Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam” do CIEM tổ chức sáng 24/3, các chuyên gia nhìn chung đánh giá hiệu lực và ý thức thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập.

Ảnh tác giả

“Nếu xét về tính đầy đủ của Luật sở hữu trí tuệ thì chúng ta đã làm khá tốt, nhưng nếu xét về tính hiệu quả thì còn nhiều vấn đề cần bàn luận”.

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM

“Ý thức của doanh nghiệp Việt Nam đối với đăng ký và bảo hộ sở hữu trí tuệ, đặc biệt là ở nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là vụ việc Cafe Trung Nguyên (thương hiệu Trung Nguyên nhiều lần lận đận và vướng vào tranh chấp do không làm tốt việc bảo hộ thương hiệu ở một số quốc gia - PV) hay gạo ST25 (thương hiệu từng bị một công ty ở Mỹ nộp hồ sơ đăng ký quyền bảo hộ, sở hữu trí tuệ - PV) gióng lên nhiều hồi chuông”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng phòng nghiên cứu tổng hợp tại CIEM nhận định.

Ngoài ra, câu chuyện cơ chế xử lý tranh chấp sở hữu trí tuệ chưa hiệu quả, chưa vận dụng các nền tảng trực tuyến, chưa ứng dụng công nghệ số hay cách tiếp cận hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ trong nước chưa chủ động, công tác tuyên truyền về sở hữu trí tuệ chưa có hiệu quả cao… cũng là những điểm được các chuyên gia CIEM nhắc đến trong báo cáo.

Nhóm nghiên cứu CIEM nhận định hệ thống pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam rất cần được bổ sung theo hướng toàn diện hơn, đồng thời tăng cường hiệu lực và năng lực thực thi pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ.

“Cách tiếp cận của một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam theo hướng sao chép, bắt chước các sáng chế, giải pháp hữu ích của nước ngoài là không hiệu quả. Doanh nghiệp Việt Nam cần có cách tiếp cận bài bản hơn đối với đổi mới sáng tạo nói chung và phát triển, nắm giữ các sáng chế, giải pháp hữu ích nói riêng; đồng thời cần tiếp thu kinh nghiệm từ chính các doanh nghiệp FDI để chủ động hơn trong việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở các thị trường nước ngoài”, ông Nguyễn Anh Dương nói thêm.

Đi tìm điểm cân bằng giữa yêu cầu quốc tế và lợi ích quốc gia

Một vấn đề khác được đặt ra tại Hội thảo về bảo hộ sở hữu trí tuệ sáng 24/3 là vấn đề cân bằng yêu cầu quốc tế và lợi ích quốc gia trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ.

Ảnh tác giả

“Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở một góc độ nhất định cũng mang tính tiến thoái lưỡng nan, khi có những lợi ích khác nhau giữa các nước phát triển có rất nhiều tài sản trí tuệ với các nước đang phát triển có ít tài sản trí tuệ và phải dựa nhiều hơn vào việc khai thác tài sản trí tuệ, trong bối cảnh các tài sản trí tuệ đó lại được bảo hộ”.

TS. Trần Thị Hồng Minh

Theo Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh, Luật sở hữu trí tuệ quá nghiêm ngặt vô hình chung sẽ dẫn đến thiệt thòi cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, do không được hưởng những thành quả sáng tạo. Trong khi đó ở chiều ngược lại lại phải chịu những cam kết tuân thủ rất cao liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của nước ngoài thông qua các hiệp định thương mại tự do.

Chẳng hạn trong Hiệp định CPTPP mà Việt Nam tham gia, phạm vi bảo hộ sở hữu trí tuệ khá rộng và chia làm 4 nhóm: nhóm cam kết chung gồm các cam kết về việc gia nhập các Công ước sở hữu trí tuệ; nhóm các cam kết về các tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ; nhóm các cam kết về một số sản phẩm đặc thù như dược phẩm, nông hóa phẩm, giống cây trồng, lĩnh vực công nghệ thông tin và cuối cùng là nhóm các cam kết kiên quan tới việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Với Hiệp định EVFTA, Chương 12 trong Hiệp định quy định rất rõ về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ quyền sáng chế, bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cũng như chỉ dẫn địa lý.

Nhắc lại câu chuyện gạo ST25 bị hàng loạt công ty nước ngoài đăng ký thương hiệu, bà Hồng Minh nhận định đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, trong từng giai đoạn, từng thời kỳ phát triển phải cân nhắc rất kỹ, làm thế nào ở mức độ cho phép vừa tận dụng được thành quả sáng tạo, vừa bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tạo điều kiện cho sự sáng tạo của người dân và doanh nghiệp. Đây là câu chuyện cân bằng giữa yêu cầu quốc tế và lợi ích quốc gia trong bối cảnh hội nhập hiện tại.

Tin liên quan

Đọc tiếp