Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Thị trường trái phiếu đã có tín hiệu tích cực

TRÁI PHIẾU QUỐC HỘI
13:03 - 08/06/2023
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, dù thị trường trái phiếu còn nhiều khó khăn nhưng việc phát hành, thanh toán, gia hạn, đáo hạn đã có những tín hiệu tích cực. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn cho thị trường này.

Tại Nghị trường Quốc hội sáng 8/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp trả lời chất vấn các vấn đề đại biểu quan tâm.

Về giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản – trái phiếu doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập hai tổ công tác do hai Phó Thủ tướng làm tổ trưởng để nghiên cứu, đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp.

Hai tổ công tác đã có báo cáo, Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp hoạt động thông suốt, hiệu quả. Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, hoàn thiện căn cứ pháp lý để thị trường hoạt động. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo công khai, minh bạch; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức, pháp luật, ổn định tâm lý.

Cụ thể, Chính phủ cũng đã ban hành, sửa đổi nhiều nghị định, như Nghị định 65, Nghị định 08, chỉ đạo trực tiếp các dự án bất động sản. Gần đây, dù thị trường trái phiếu còn nhiều khó khăn, nhưng việc phát hành, thanh toán, gia hạn, đáo hạn đã có tín hiệu tích cực. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn trên tinh thần thực hiện trách nhiệm theo hợp đồng dân sự, tuy nhiên Nhà nước phải tham gia kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy việc thực hiện theo các cam kết, nghĩa vụ; xử lý nghiêm nếu có sai phạm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, nhà đầu tư.

Về việc chậm phân bổ đầu tư công, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm được 157.000 tỷ đồng, đạt 22,2%, tương đương mức giải ngân vốn đầu tư năm 2022 cùng kỳ. Qua tương quan so sánh với 5 tháng đầu năm của những năm trước, Phó Thủ tướng cho rằng mức giải ngân này không phải là chậm so với các năm, tuy nhiên đang chậm so với kỳ vọng đưa vốn vào nền kinh tế.

Phó Thủ tướng cho rằng, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương không đồng đều, cần thúc đẩy nhiều hơn nữa. Trong đó, các nội dung cần tích cực thúc đẩy là giải phóng mặt bằng, cải thiện trình tự thủ tục đầu tư, nâng cao năng lực nhà đầu tư, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân để đạt được đồng thuận trong giải phóng mặt bằng...

Liên quan đến vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, Phó Thủ tướng khẳng định đây là một trong những công tác hết sức quan trọng, một trong nội dung cơ cấu lại nền kinh tế. Nhiệm kỳ vừa qua và hiện nay, công tác cổ phần hóa thực hiện không đạt yêu cầu như kế hoạch đề ra, kể cả về số lượng doanh nghiệp, vốn, công tác quản trị...

Phó Thủ tướng cho biết, nhiệm vụ này đang gặp một số khó khăn, vướng mắc về quan điểm chỉ đạo. Tại doanh nghiệp lớn, khi tiến hành cổ phần thoái vốn hay bán vốn được rất ít (chỉ trên dưới 1%) nên phải tính toán xu thế sắp tới, khả năng hoạt động hiệu quả, ngành nghề đó hỗ trợ cho những hoạt động chính hay hỗ trợ cho điều hành kinh tế vĩ mô để quyết định danh mục phù hợp.

Ngoài ra, trong quá trình cổ phần hóa, vấn đề khó nhất hiện nay là phương án sắp xếp về đất đai và xác định giá trị doanh nghiệp; khó khăn về nguồn vốn của xã hội đầu tư, những doanh nghiệp quan tâm đã cổ phần tương đối, còn lại là các doanh nghiệp không hấp dẫn.

Thời gian tới, căn cứ vào quy định của pháp luật, Quyết định 22, Quyết định số 360 về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty, các quy định pháp luật và đặc biệt là Nghị quyết 12 của Trung ương để đánh giá lại đầy đủ, cụ thể. Trên cơ sở đó có giải pháp, kể cả về kế hoạch, phương án sắp xếp, về trình tự, thủ tục, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và bảo tồn, phát triển được vốn, góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế xã hội.

Trả lời chất vấn của đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) liên quan tới sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, các tổ chức tín dụng là một định chế đặc biệt, vừa huy động vốn vừa cho vay, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, việc kiểm soát, giám sát, quản lý theo tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt.

Với vấn đề sở hữu chéo, thao túng hoạt động ngân hàng được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao, tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên. Hiện không có trường hợp sở hữu chéo nào trong hồ sơ, sổ sách. Tuy nhiên thực tế có thể có tình trạng đứng tên hộ gây khó khăn cho công tác kiểm tra, đòi hỏi sự phối hợp của các cơ quan.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng nêu thực tế, không chỉ sở hữu vốn mà còn có sở hữu chéo các hoạt động ngân hàng như đầu tư, tín dụng; như việc dành tín dụng cho nhóm lợi ích, làm méo mó các hoạt động kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường chung. Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước rà soát các cơ chế chính sách, cả những quy định của hệ thống ngân hàng để giải quyết tình trạng này. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội đóng góp vào dự án Luật Tổ chức tín dụng để xây dựng căn cứ pháp lý vững chắc cho việc quản lý hoạt động ngân hàng.

Tin liên quan

Đọc tiếp