Phòng chống tham nhũng "không có vùng cấm, không ngoại lệ"

sự kiện Việt nAM
10:52 - 25/10/2021
Cần siết chặt công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát trên các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng.
Cần siết chặt công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát trên các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu quốc hội và nhân dân tin tưởng công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, khi đã xử lý được một số tướng lĩnh trong quân đội, công an vi phạm pháp luật.

Ngày 24/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác phòng, chống tội phạm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng chống tham nhũng năm 2021.

Góp ý về sự gia tăng tỉ lệ tội phạm chống người thi hành công vụ, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) cho rằng, để công tác phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn trong thời gian tới, cần nghiêm khắc hơn đối với các trường hợp có dấu hiệu hình sự trong quá trình thanh tra, kiểm tra và phải chuyển đến cơ quan điều tra xem xét, xử lý.

Đại biểu Khánh cũng cho biết, trong thời gian qua, cử tri và nhân dân tin tưởng công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, khi đã xử lý một số tướng lĩnh trong quân đội, công an vi phạm pháp luật. Điều đó minh chứng rằng công cuộc này không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Cần khen ngợi các cơ quan, lực lượng chuyên trách đã thực hiện tốt nhiệm vụ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Qua đó, tạo dựng niềm tin của nhân dân với lực lượng bảo vệ pháp luật.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu)

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu)

Theo ông Quốc Khánh, dư luận và nhân dân rất băn khoăn vì thực tế thời gian qua nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có biểu hiện nhũng nhiễu, dung doạ để "chung chi" tiền sai phạm.

"Việc này rất khó phát hiện. Các địa phương bị thanh tra, kiểm tra không dám tố cáo vì sợ ảnh hưởng tới địa phương, sợ bị trù dập", ông Khánh nói.

Cuối cùng, đại biểu đề nghị cần bổ sung trong báo cáo đánh giá kỹ hơn các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đối với các cơ quan lực lượng thực hiện các công tác này.

Với nội dung này, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng, phán quyết của tòa án có ảnh hưởng rất lớn đến quyền con người, quyền công dân và những vấn đề liên quan đến bảo vệ chế độ, bảo vệ nhà nước, bảo vệ nhân dân và công lý.

Vì vậy, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan phải bảo đảm nguồn nhân lực, vật lực, tài lực để tổ chức thành công phiên tòa trực tuyến.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, tham nhũng, lãng phí đã từng bước được ngăn chặn, tạo nên sự tin tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần làm lành mạnh, trong sạch bộ máy Nhà nước.

Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Đặc biệt, còn tồn tại tình trạng tham nhũng trong lực lượng vũ trang, ngành y tế và các cơ quan bảo vệ pháp luật gây bức xúc trong nhân dân.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Ông Phạm Văn Hòa đề xuất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng cho công chức, viên chức, người lao động để ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng.

Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các quy định cụ thể về kiểm soát tài sản thu nhập của công chức, viên chức, người đứng đầu nhằm khắc phục những hạn chế của công tác này trong thực tế.

Đồng thời, cần siết chặt công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát trên các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng. Nhất là trong mua sắm trang thiết bị y tế, các gói hỗ trợ an sinh xã hội, các khoản đóng góp của nhân dân trong hoạt động từ thiện.

Đại biểu Phạm Văn Hoà cũng cho rằng, cán bộ thanh tra, kiểm toán phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, không bị áp lực hoặc vì những lý do khác nhau mà bỏ qua sai sót nghiêm trọng. Nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm để răn đe.

Theo dự kiến, trong tuần tới, Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về nhiều dự án luật như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật Cảnh sát cơ động; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Quốc hội cũng sẽ nghe tờ trình và thảo luận về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) và Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù dành cho các tỉnh Nghệ An, Hải Phòng, Thanh Hóa và Thừa Thiên – Huế.

Tin liên quan

Đọc tiếp