PMI Việt Nam tăng cao nhất 13 tháng trong khi ASEAN sụt giảm

PMI asean
15:38 - 01/06/2022
PMI Việt Nam tăng cao nhất 13 tháng trong khi ASEAN sụt giảm
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo IHS Markit ngày 1/6 cho thấy Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 5 của Việt Nam đạt 54,7 điểm, với sản lượng tăng mạnh và nhanh nhất trong 13 tháng trở lại đây. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu tăng mạnh đang kéo tụt PMI của khu vực ASEAN. 

PMI Việt Nam cao nhất 13 tháng

Cụ thể, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng ngành sản xuất Việt Nam tăng lên 54.7 điểm trong tháng 5, so với 51.7 điểm của tháng 4, cho thấy mức cải thiện đáng kể của sức khỏe khu vực kinh tế tư nhân vào thời điểm giữa quý II/2022. Trên thực tế, các điều kiện kinh doanh đã cải thiện thành mức tốt nhất trong hơn 1 năm.

Trong đó, sản lượng ngành sản xuất tiếp tục phục hồi từ tình trạng suy giảm do đại dịch được ghi nhận hồi tháng 3/2022, khi tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 5. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng là mạnh và nhanh nhất kể từ tháng 4/2021.

Báo cáo cũng chỉ rõ, nguyên nhân tăng sản lượng do tăng số lượng đơn đặt hàng mới, đây là chỉ số đã tăng với tốc độ đáng kể và nhanh ở mức tương tự trong tháng 5 khi nhu cầu khách hàng cải thiện. Tăng trưởng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng nhanh hơn, nhưng yếu hơn mức tăng tổng số lượng đơn đặt hàng mới khi biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc Đại lục làm hạn chế nhu cầu quốc tế.

Với việc số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh và mạnh như vừa nêu các nhà sản xuất phải đẩy mạnh tuyển dụng lao động tháng thứ 2 liên tiếp với mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2021.

Tháng 5 vừa qua cũng ghi nhận hoạt động mua nguyên liệu sản xuất tăng cao nhất trong 3 tháng gần đây. Nhờ sản lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh và nhanh nên tồn kho hàng hóa đầu vào của hoạt động sản xuất tiếp tục giảm tháng thứ 2 liên tiếp. Tồn kho thành phẩm cũng ghi nhận giảm và đây là lần giảm mạnh thứ 2 trong 10 tháng gần đây để trả đơn hàng mới của đối tác.

Báo cáo của IHS Markit còn cho thấy tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 có dấu hiệu chậm lại nhờ đó chi phí đầu vào và giá bán thành phẩm đều tăng chậm nhất kể từ tháng 3/2022. Các nhà sản xuất cũng cho biết chi phí dầu và khí đốt tăng, cùng với mức tăng của phí vận chuyển cũng tạo thêm áp lực cho lạm phát. Để bù đắp, các công ty đã chuyển gánh nặng giá cả sang cho khách hàng bằng cách tăng giá bán.

Đồng thời, tình trạng giao nguyên vật liệu chậm trễ, với mức độ trầm trọng hơn tháng trước do bị ảnh hưởng từ chính sách phong tỏa chặt chẽ của Trung Quốc là những điều lo ngại tiếp tục được nhà sản xuất phản ánh. Thêm nữa, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn còn tiếp diễn.

Ngoài ra, niềm tin kinh doanh của các nhà sản xuất tiếp tục tăng tháng thứ 2 liên tiếp và là mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay, nhờ những dấu hiệu tích cực của ngành trong tháng 5/2022.

Ảnh tác giả

"Các nhà sản xuất Việt Nam ngày càng có thể hoạt động bình thường hơn khi tình trạng gián đoạn do đại dịch dần mất đi, tháng 5 đã chứng kiến mức tăng mạnh của sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới, từ đó làm tăng việc làm và hoạt động mua hàng. Cũng có niềm tin ngày càng tăng rằng các công ty sẽ không tiếp tục phải đương đầu với những khó khăn do COVID-19."

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence.

Tuy nhiên, các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc Đại lục đã ảnh hưởng lên ngành sản xuất theo hai cách chính là hạn chế nhu cầu hàng xuất khẩu và tiếp tục làm thời gian giao hàng bị kéo dài, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence lưu ý.

Giá cả nguyên vật liệu tăng mạnh kéo tụt PMI khu vực ASEAN

Ngược với đà tăng của Việt Nam, báo cáo của IHS Markit cũng cho thấy xu hướng giảm điểm của nhiều nước trong khu vực ASEAN, Cụ thể:

PMI Myanmar tháng 5 giảm từ 50,4 điểm tháng 4 xuống 49,9 điểm cho thấy lĩnh vực sản xuất nói chung bị đình trệ ở giữa quý thứ hai sau khi cải thiện một chút về điều kiện trong tháng 4/2022.

PMI Philippines cũng ghi nhận giảm từ 54,3 điểm vào tháng 4 xuống 54,1 điểm vào tháng 5. Dữ liệu khảo sát mới nhất cho thấy sự mở rộng trong lĩnh vực sản xuất của Philippines với sản lượng và đơn đặt hàng mới đang tăng cao. Tuy nhiên, lạm phát dai dẳng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng vốn đã mạnh càng trở nên trầm trọng hơn bởi ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Ukraine và chính sách Zero-COVID của Trung Quốc ghìm chặt đà tăng trưởng lĩnh vực sản xuất của quốc gia này.

Tương tự, PMI Malaysia đã giảm từ 51,6 điểm trong tháng 4 xuống 50,1 điểm vào tháng 5. Nguyên nhân đến từ việc các đơn đặt hàng mới tăng trưởng chậm lại trong giai đoạn khảo sát gần đây nhất. Trong khi nguyên liệu thô và giá cả tăng đã làm giảm nhu cầu của khách hàng và năng lực sản xuất của các công ty.

Trong khi đó, PMI Thái Lan tháng 5 đã vượt ngưỡng 50 điểm, lên mức 51,9 báo hiệu sự cải thiện trong sức khỏe của khu vực sản xuất Thái Lan. Đánh dấu tháng thứ năm liên tiếp lĩnh vực sản xuất của Thái Lan mở rộng.

Tin liên quan

Đọc tiếp