Pyn Elite Fund lãi nghìn tỷ nhờ chốt lời cổ phiếu CEO

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
11:27 - 07/01/2022
Trong 2 năm Covid-19, tình hình kinh doanh của CEO gặp nhiều khó khăn.
Trong 2 năm Covid-19, tình hình kinh doanh của CEO gặp nhiều khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Trong 3 tháng cuối năm, CEO lớn nhanh như "Thánh Gióng" khi tăng hơn 600%. Không bỏ qua cơ hội, Pyn Elite Fund liên tục chốt lời, biến 2021 thành năm đầu tư thành công nhất kể từ khi đặt chân tới Việt Nam.

PYN Elite Fund (quỹ đầu tư đến từ Phần Lan) vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 12/2021 với hiệu suất tăng trưởng danh mục đạt 4,8%; nâng mức tăng lũy kế năm 2021 đạt 42,7%. Như vậy, Pyn Elite Fund đã có năm đầu tư thành công nhất kể từ khi đặt chân tới Việt Nam vào năm 2013.

Trong tháng 12, Pyn Elite Fund đã tiến hành chốt lời khoản đầu tư vào CEO (Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O) với tỷ suất lợi nhuận lên tới 438% sau khi cổ phiếu này đã tăng phi mã trong 3 tháng cuối năm. Tính riêng tháng 12, CEO ghi nhận mức tăng trưởng 75,1% và là cổ phiếu có hiệu suất đầu tư tốt nhất danh mục quỹ.

PYN Elite Fund đầu tư vào CEO từ năm 2015, trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này khi thị giá cổ phiếu ở quanh vùng 10.000 đồng. Quỹ thực hiện nhiều giao dịch mua qua sàn trong khoảng một năm và nắm giữ đến nay. Sóng tăng của CEO bắt đầu từ ngày 8/11 khi giá tăng kịch trần lên 13.700 đồng/cổ phiếu, sau đó là chuỗi ngày phi mã. Dù xuất hiện một vài phiên điều chỉnh song xu hướng chính vẫn là đi lên.

Trong tháng 12, CEO leo lên đỉnh cao nhất là 71.000 đồng (phiên 31/12). Sang năm mới, mã này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi tiếp tục tăng lên 86.300 đồng (phiên 6/1).

Ông Petri Deryng, người quản lý quỹ Pyn Elite Fund.

Ông Petri Deryng, người quản lý quỹ Pyn Elite Fund.

Nhận thấy thời cơ đã đến, PYN Elite Fund liên tục thông báo bán CEO trong những ngày cuối năm 2021. Tổng khối lượng giao dịch là 24,85 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty này từ 14,6% xuống còn 4,95% (thời điểm 4/1/2022). Tính theo giá đóng cửa các phiên này thì số tiền PYN Elite Fund thu được khoảng 1.700 tỷ đồng; lãi 7 lần sau 6 năm.

Tại thời điểm cuối năm 2021, quy mô danh mục Pyn Elite Fund đạt 863 triệu Euro, tương đương 975 triệu USD. Trong đó, VHM là khoản đầu tư lớn nhất của quỹ với tỷ trọng 18,4%, sau đó là CTG (14,8%), TPB (9,7%), VRE (9%), MBB (8%)…

Đáng chú ý, nhà đầu tư đến từ Phần Lan đang đặt kỳ vọng vào NLG (CTCP Đầu tư Nam Long) với giá trị sở hữu hiện đạt 4,9%. Theo phân tích của ông Petri Deryng, người quản lý quỹ Pyn Elite Fund, NLG đã tăng 15% so với tháng trước và tăng 146% kể từ đầu năm nhờ đánh giá lại quỹ đất trong toàn ngành bất động sản.

Đặc biệt là sự kiện đất Thủ Thiêm có giá trúng thầu cao chưa từng có (20.000 USD - 140.000 USD/m2) đã thiết lập giá trị mới cho bất động sản khu vực TP HCM - nơi mà NLG sẽ được hưởng lợi. Hầu hết các quỹ đất hiện NLG sở hữu chỉ mất 1 giờ lái xe để tới trung tâm Thành phố.

Mặt khác, thị trường được đánh giá là thiếu nguồn cung nên Pyn Elite Fund tin rằng NLG sẽ có tiềm năng tăng giá bất động sản cao hơn nữa khi ra mắt các sản phẩm trong tương lai. Pyn Elite Fund kỳ vọng doanh thu của doanh nghiệp bất động sản vốn hoá tầm trung này sẽ ghi nhận tăng trung bình 30%/năm trong vòng ít nhất 5 năm tới.

Vì sao CEO tăng phi mã dù kinh doanh thua lỗ?

Tập đoàn C.E.O hoạt động theo mô hình Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành, với xu hướng phát triển hệ sinh thái dựa trên các trụ cột kinh doanh cốt lõi là: Bất động sản, Bất động sản nghỉ dưỡng, Xây dựng, Du lịch và Quản lý khách sạn, Phát triển nguồn nhân lực.

Cổ phiếu tăng chóng mặt nhưng điều trái ngược là tình hình kinh doanh của C.E.O lại có phần bết bát. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021, CEO Group ghi nhận doanh thu gần 124 tỷ đồng; lãi gộp đạt 13,4 tỷ đồng, chỉ bằng 1/8 con số cùng kỳ. Doanh thu tài chính cũng giảm, trong khi chi phí tăng. Khấu trừ, CEO lỗ sau thuế 59 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 7 tỷ.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu CEO đạt 406 tỷ đồng, giảm 40,5%. Khấu trừ chi phí, công ty lỗ sau thuế 224 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng gấp đôi con số lỗ so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó hồi đầu năm, CEO đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 80 tỷ đồng. Với 3 quý liên tiếp thua lỗ thì khả năng đạt được kế hoạch kinh doanh của CEO có lẽ là không thể.

Dự án Sonasea Vân Đồn Harbour City đang dang dở của CEO.

Dự án Sonasea Vân Đồn Harbour City đang dang dở của CEO.

Đáng chú ý, theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2021 đã được kiểm toán và công bố, trụ sở của công ty là toà tháp C.E.O cũng đã phải mang đi thế chấp cho khoản vay tại Ngân hàng BIDV (giá trị còn lại thời điểm 30/6/2021 gần 134,1 tỷ đồng). Ngoài ra, công ty cũng đã thế chấp bất động sản đầu tư dự án Sonasea Condotel Phú Quốc Resort với giá trị còn lại tại ngày 30/6/2021 khoảng 566,2 tỷ đồng để đảm bảo cho khoản tiền vay ngân hàng.

Tài sản đầu tư dở dang của CEO ghi nhận trên báo cáo tài chính đến quý 30/9 gồm có: Dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbour City 2.169 tỷ đồng, Khu du lịch Green Hotel & Resort 45 tỷ đồng.

Trước tình hình kinh doanh thua lỗ nửa đầu năm, cổ đông đã đặt nghi vấn: "Làm sao để biết tập đoàn không chuyển lợi nhuận cho công ty sân sau?". Trả lời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đoàn Văn Bình cho biết Công ty không có sân sau, CEO sẽ cố gắng hết sức mình để đảm bảo lợi ích tối đa cho các cổ đông.

Lý giải hiện tượng doanh nghiệp cổ phiếu càng lỗ cổ phiếu lại càng tăng, nhiều chuyên gia cho rằng, phần lớn dòng tiền đổ vào thị trường hiện nay hầu hết là đến từ các nhà đầu tư mới. Những nhà đầu tư F0 này thường không để ý đến báo cáo tài chính cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mà chỉ "đánh theo sóng" với mong muốn "chốt lời" nhanh nhất.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại cũng có nhiều ý kiến cho rằng nhiều cổ phiếu bất động sản tăng phi mã thời gian gần đây dù tình hình kinh doanh gặp khó khăn là do có quỹ đất triển vọng. Đồng thời với chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch, bất động sản sẽ là một trong những ngành hưởng lợi nhất.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi giảm 92% trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi giảm 92% trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của DBC tổ chức sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Dabaco muốn chào bán hơn 140 triệu cổ phiếu

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Tính đến 9h30 cuộc họp với sự tham dự của 294 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 53,59% vốn điều lệ DBC.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.