Quan hệ Việt Nam - Indonesia kỳ vọng từ nền kinh tế tương lai

Việt nAM Indonesia
09:47 - 28/09/2023
Giao lưu văn hoá nghệ thuật kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Indonesia.
Giao lưu văn hoá nghệ thuật kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Indonesia.
0:00 / 0:00
0:00
Việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo, kinh tế kỹ thuật số, thủy sản và nông nghiệp... sẽ giúp nâng cao nỗ lực của hai quốc gia trong việc hướng đến mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.

Tối 27/8, Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam tổ chức tiệc chiêu đãi và chương trình giao lưu văn hoá nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm lần thứ 78 Quốc khánh Cộng hòa Indonesia (17/8/1945-17/8/2023) và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Indonesia.

Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi cho biết, Indonesia và Việt Nam là hai quốc gia có sự khởi đầu tương đồng. Tuyên bố độc lập của Indonesia chỉ cách 2 tuần với Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 2/9/1945. Gắn kết bởi lịch sử và định mệnh, hai nhà lập quốc vĩ đại của hai dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Soekarno đã xây dựng một tình bạn thân thiết.

Năm 1955, quan hệ ngoại giao Indonesia - Việt Nam chính thức được thiết lập. Tới năm 2013, mối quan hệ được nâng lên thành đối tác chiến lược.

Theo Đại sứ Denny Abdi, Indonesia và Việt Nam đã có một khởi đầu đầy thử thách vào năm 1945. Tuy nhiên, với lòng quyết tâm và tầm nhìn hướng tới tương lai, hai quốc gia đã nỗ lực phát triển và trở thành những nền kinh tế mạnh.

Trong 20 năm trước đại dịch (2000-2020), tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng GDP bình quân đầu người của hai nước luôn cao hơn mức trung bình thế giới. Tổng GDP hai nước vào năm 2022 đạt 1,73 nghìn tỷ USD, tăng 53% so với năm 2013.

Sự hợp tác giữa Indonesia và Việt Nam cũng ngày càng được thúc đẩy. Thương mại song phương hai nước tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2013-2022, từ 5,1 tỷ USD lên 14,2 tỷ USD. Indonesia và Việt Nam đã nhất trí nâng thương mại song phương lên 15 tỷ USD trước năm 2028.

Đại sứ Denny Abdi nêu rõ, năm Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy hợp tác để những con tàu có thể tiếp tục đi đúng hướng. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, ASEAN được kỳ vọng có thể là tâm điểm của tăng trưởng, là ngọn hải đăng hy vọng giữa giông bão.

Đối với Indonesia và Việt Nam, sự hợp tác mạnh mẽ và tăng trưởng nhất quán đã đóng góp vào sự thịnh vượng của khu vực và hơn thế nữa. Tuy nhiên Đại sứ cũng nhận định, sự hợp tác của hai quốc gia chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. “Trong những năm tới, Indonesia và Việt Nam cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực được gọi là nền kinh tế tương lai”, Đại sứ Denny Abdi nói.

Nền kinh tế này bao gồm: Các ngành công nghệ cao, năng lượng tái tạo, kinh tế kỹ thuật số, thủy sản và nông nghiệp. Việc tập trung vào các lĩnh vực này sẽ nâng cao nỗ lực của hai quốc gia trong việc hướng đến các mục tiêu tăng trưởng bền vững (SDGs), các cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) và trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.

Đại sứ Denny Abdi (phải) tiếp đón khách mời tại buổi lễ.

Đại sứ Denny Abdi (phải) tiếp đón khách mời tại buổi lễ.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chúc mừng Indonesia đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2023 và Chủ tịch G20 năm 2022. Ông đánh giá Indonesia đã thực sự chứng minh vai trò lãnh đạo và khả năng kết nối trong những giai đoạn khó khăn nhất.

7 thập kỷ trước, Indonesia cũng chủ trì Hội nghị Bandung lịch sử. Đến nay, tinh thần và các nguyên tắc Bandung 68 năm về trước vẫn còn phù hợp, đó là các nguyên tắc về tự quyết, tôn trọng chủ quyền, không sử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ và bình đẳng.

“Với tư cách là nước chủ nhà ASEAN và G20, các bạn cũng đã thể hiện một cách tuyệt vời nền văn hoá phong phú của Indonesia, tinh thần cần cù và tình cảm nồng hậu của người dân, cũng như sự đa dạng của đất nước Indonesia”, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhận định.

Thứ trưởng nêu rõ, sau khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Soekarno đặt nền móng, các thế hệ lãnh đạo, người dân Việt Nam và Indonesia đã xây dựng quan hệ hai nước ngày càng vươn lên những tầm cao mới.

Kim ngạch thương mại song phương đã tăng gấp bốn lần trong một thập kỷ qua. Indonesia là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 27, và đứng thứ 5 trong ASEAN của Việt Nam, với nhiều nhà đầu tư lớn như Ciputra, Traveloka, Gojek… “Chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều đầu tư lớn của Việt Nam vào Indonesia trong thời gian tới”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, Việt Nam và Indonesia đang cùng hợp tác xây dựng một ASEAN “tầm vóc”, tiếp tục là “tâm điểm của tăng trưởng”. Hai nước cũng đang nỗ lực chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng với tư cách là hai quốc gia trong JETP, cũng như phát triển hệ sinh thái xe điện.

Hiện nay giữa hai nước có khoảng 100 chuyến bay thẳng/tuần kết nối Hà Nội, TP HCM của Việt Nam với Jakarta và Bali của Indonesia, tạo điều kiện cho gần 90.000 du khách, học sinh, sinh viên dễ dàng đi lại. Vừa qua, Việt Nam và Indonesia đã ký kết Hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế, mở ra nhiều cơ hội to lớn về hợp tác biển. Quan trọng hơn, Hiệp định này là minh chứng rằng UNCLOS vừa có thể, và là nền tảng/khuôn khổ pháp lý để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình…

Bày tỏ kỳ vọng vào sự phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Indonesia, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt trích lời thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Tổng thống Soekarno nhân chuyến thăm tới Việt Nam năm 1959: “Nước xa mà lòng không xa/ Thật là bầu bạn, thật là anh em”.

Một số hình ảnh trong chương trình giao lưu văn hoá nghệ thuật:

Tin liên quan

Đọc tiếp