Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

QUỐC HỘI Việt nAM
07:35 - 20/06/2023
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
0:00 / 0:00
0:00
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội hôm nay thảo luận và biểu quyết 3 luật, 1 nghị quyết, trong đó có Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi).

Buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Biểu quyết thông qua Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; Biểu quyết thông qua Luật Phòng thủ dân sự.

Sau đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tiếp đến Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Hoàn thiện các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng

Trước đó, tại phiên thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), của Kỳ họp thứ 5, ngày 26/05/2023, Quốc hội đã nhận được tổng thể 22 ý kiến phát biểu của đại biểu tại Hội trường. Các ý kiến cơ bản thống nhất với bố cục Dự thảo Luật và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra; đồng tình với việc ban hành Dự án Luật này nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong luật hiện hành; dự thảo lần này đã tiếp thu, bổ sung, điều chỉnh khá đầy đủ các nội dung có liên quan.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật đã chỉ một số nội dung quan trọng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung như: Đưa đối tượng "tổ chức" vào trong khái niệm người tiêu dùng, bổ sung thuật ngữ "tiêu dùng bền vững", ...

Về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, dự thảo đã bổ sung quy định khi sử dụng dịch vụ công, người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan; Bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng trong việc cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về các nội dung liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin này theo quy định của pháp luật. Phân tách rõ ràng, cụ thể hơn các nghĩa vụ của người tiêu dùng trong quá trình tham gia giao dịch tiêu dùng.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) ảnh 1

Về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội, Dự thảo Luật đã có nhiều quy định để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (trong đó có Hội Bảo vệ người tiêu dùng), như: đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện khi có yêu cầu, ủy quyền hoặc tự mình khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng, …

Đồng thời, dự thảo đã quy định cụ thể các hoạt động của Hội khi tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phân loại rõ các loại hình để có căn cứ thực hiện việc Nhà nước giao nhiệm vụ, hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.

Về giải quyết tranh chấp tại tòa án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án chỉnh sửa theo hướng vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại Khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự, hoặc khi có đủ một số điều kiện cụ thể quy định trong Dự thảo Luật.

Ngoài ra, Dự thảo Luật đã rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các quy định nhằm đảm bảo cân bằng quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mối quan hệ với người tiêu dùng.

Đọc tiếp