Quốc hội thảo luận cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành

CHÍNH SÁCH Việt nAM
10:58 - 27/10/2021
Quốc hội thảo luận cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 27/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế. 

Dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế được xây dựng dựa trên 5 quan điểm.

Trong đó, nguyên tắc quan trọng là các cơ chế đặc thù phải được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, có tác động lan tỏa vùng miền, gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo.

Đồng thời phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước (NSNN), không gây ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, không làm tăng bội chi NSNN và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định, tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền của địa phương...

Dự kiến trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ có phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề trong quá trình thảo luận.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Internet)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Internet)

Trước đó, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố bao gồm 6 cơ chế chính sách với thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thừa Thiên - Huế và 8 cơ chế chính sách với tỉnh Thanh Hóa.

Cụ thể, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố Hải Phòng không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Nghệ An, hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu), nhưng không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu, để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với thực hiện năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.

Về định mức chi thường xuyên, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên Ngân sách Nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng đề cập đến các chính sách dư nợ vay, quản lý đất đai và quản lý sử dụng rừng, các quy định liên quan đến thu nhập cán bộ công nhân viên chức địa phương. Dự thảo Nghị quyết dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và được thực hiện trong 5 năm.

Tin liên quan

Đọc tiếp