Quy hoạch đô thị sông Hồng kỳ vọng đem lại hình ảnh mới cho Thủ đô

bđs Việt nAM
16:49 - 22/02/2022
Một góc phối cảnh đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng
Một góc phối cảnh đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng
0:00 / 0:00
0:00
Phân khu đô thị sông Hồng được duyệt sẽ đem lại không gian phát triển đô thị cho dải đất hai bên bờ sông, tạo ra các không gian xanh, vui chơi giải trí mà hiện nay Hà Nội đang rất thiếu.

Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội vừa có Tờ trình về việc đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy xem xét cho chủ trương chỉ đạo, trước khi phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở).

Ban Thường vụ Thành ủy đã cơ bản thống nhất với Ban cán sự Đảng thành phố quan điểm giải quyết về quy hoạch đô thị. Đồng thời, thống nhất không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới, không thu hẹp không gian thoát lũ, không xây dựng đê mới trong đê cũ.

Ngoài ra, Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan cập nhập danh mục các khu dân cư hiện có ở khu vực bãi sông thuộc các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng.

Trước đó, tháng 12/2021, Bộ Xây dựng đã có Văn bản góp ý đối với đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng cho biết, chậm nhất nửa đầu tháng 1/2022, thành phố sẽ đủ cơ sở pháp lý để phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống. Tuy nhiên, đến nay quy hoạch này vẫn chưa đủ cơ sở thẩm định để phê duyệt.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội lý giải nguyên nhân chậm lập, phê duyệt hai đồ án quy hoạch phân khu đô thị thuộc đô thị trung tâm còn lại là Quy hoạch phân khu sông Hồng (R1-5) và Quy hoạch phân khu sông Đuống (R6) là do phải tuân thủ các yêu cầu của Luật Đê điều.

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Nghĩa cho biết: Hiện nay, Sở đã có báo cáo đến Thường trực Thành ủy Hà Nội và đang đợi lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn về việc quy hoạch thoát lũ. Đây là một phần quan trọng của quy hoạch phân khu sông Hồng. Sau đó, quy hoạch phân khu sẽ sớm được phê duyệt.

Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 đã xác định khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm thành phố, nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa quan trọng của Thủ đô.

Trên thực tế, trong quá trình đô thị hóa của Hà Nội, khu vực hai bên sông Hồng mọc lên không ít công trình xây dựng tự phát, trái phép, lấn chiếm lòng sông gây cản trở dòng chảy, hình thành một số khu vực lộn xộn, không theo quy hoạch.

Đầu năm 2017, Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.

Hiện nay, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang nghiên cứu hoàn thành đồ án theo góp ý của các bộ, ngành, các ý kiến tại hội nghị, các ý kiến góp ý của HĐND thành phố, ý kiến thẩm tra của Văn phòng Thành ủy, của các chuyên gia và của UBND các quận, huyện liên quan.

Đến nay quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vẫn đang trễ hẹn với người dân Thủ đô.

Đến nay quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vẫn đang trễ hẹn với người dân Thủ đô.

Theo dự thảo, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha với quy mô dân số từ 280.000 đến 320.000 người, kéo dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở; thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.

Đồ án này tạo điều kiện để Hà Nội điều chỉnh quy hoạch phát triển trước đây, hướng đến khai thác một quỹ đất lớn có giá trị kinh tế cao, tạo dựng những khu nhà ở sinh thái, không gian xanh một cách chủ động, không bị chi phối, bị điều chỉnh bởi các dự án kinh doanh bất động sản của nhà đầu tư.

Đây cũng là cơ hội để Hà Nội chỉnh trang khu vực ngoài đê vốn phát triển rất lộn xộn, di dời các khu nhà ở hiện có xây dựng không an toàn và kém chất lượng, ảnh hưởng không gian thoát lũ. Đồ án cũng là điều kiện để hiện thực hóa chủ trương giãn dân khu vực trung tâm nội đô lịch sử của thành phố và cải tạo xây dựng lại hàng ngàn chung cư cũ đã xuống cấp tại 4 quận trung tâm Hà Nội.

Tin liên quan

Đọc tiếp