Rác thải nhựa đe dọa sự phát triển bền vững của ngành thủy sản

Rác nhựa THỦY SẢN
21:03 - 02/12/2021
Hơn 70 - 80% rác thải nhựa trên biển có nguồn gốc từ đất liền
Hơn 70 - 80% rác thải nhựa trên biển có nguồn gốc từ đất liền
0:00 / 0:00
0:00
Cả nước hiện có hơn 35 nghìn tàu cá chiều dài trên 15m và hơn 66 nghìn tàu cá có chiều dài dưới 15m, tính toán lượng rác thải nhựa sinh hoạt từ nhóm tàu này vào khoảng 6-9 nghìn tấn/năm.

Ước tính, hơn 70 - 80% rác thải nhựa trên biển có nguồn gốc từ đất liền. Phần còn lại là nhựa thải trực tiếp ra biển, chủ yếu từ các hoạt động đánh bắt hải sản như ngư cụ bị bỏ lại trên biển, đặc biệt nguy hiểm với sinh vật biển và là nguồn chủ yếu gây ô nhiễm nhựa trên đại dương.

Đông Á và Đông Nam Á là những khu vực điểm nóng về xả rác thải nhựa ra đại dương, có tác động tiềm ẩn đối với đa dạng sinh học. Với tốc độ đẩy rác thải nhựa ra biển khoảng 1,8 triệu tấn/năm, Việt Nam đang được nhìn nhận là một trong năm quốc gia xả rác hàng đầu ra biển.

Đây là những thông tin được Ths. Vũ Thị Hồng Ngân, Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản chia sẻ tại hội thảo Giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thuỷ sản, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và hướng tới kinh tế biển xanh sáng 02/12.

Đưa ra những số liệu cụ thể cho thấy sự nguy hại từ việc xả rác thải nhựa của các ngành thủy sản, Ths. Vũ Thị Hồng Ngân cho biết, bình quân một tàu lưới kéo (giã cào) sử dụng từ 10-20 kg túi nilon trong mỗi chuyến biển; tàu dịch vụ sử dụng khoảng 50kg túi nilon trong 1 chuyến biển; tàu khai thác xa bờ sử dụng từ 1.000 - 20.000 khay nhựa (1,2kg/1khay) để bảo quản hải sản.

Ngư lưới cụ trong tàu cá khai thác thuỷ sản xa bờ (trên 15m dài) trung bình từ 600 - 1.500kg/tàu (đặc biệt nghề lưới rê - xù lên tới 2 tấn). Tỷ lệ thất lạc ngư lưới cụ của các tàu cá vào khoảng 3 - 5%/năm, tương đương với 1 - 3 ngàn tấn/năm.

Chất thải nhựa trong sinh hoạt trên tàu cá gồm: chai nhựa, túi nilong, vỏ gói mỳ tôm, vỏ hộp sữa, chai dầu ăn… với lượng thải ra khoảng 4 - 6 kg cho tàu từ 7 - 10 người trong mỗi chuyến đi biển dài 10 - 12 ngày.

Chỉ tính riêng tại cảng cá Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), 100% tàu cá không có thiết bị thu gom rác thải và 100% tàu cá không đưa rác thải vào bờ. Trong khi đó, ngư dân có thói quen sử dụng rất nhiều đồ bằng nhựa: ngư lưới cụ (lưới, phao, dây thừng...), vật dụng đựng hải sản (thùng, khay nhựa, túi nilong...), rác thải sinh hoạt (chai, lọ, túi nilon, vỏ mỳ tôm, sữa...)

Cần có biện pháp thu gom và tái chế rác thải nhựa ngành thủy sản

Xác định tầm quan trọng cần phát triển bền vững của ngành thuỷ sản, TS. Cao Lệ Quyên cho biết, đây là ngành được hình thành hơn 60 năm, là một ngành kinh tế biển quan trọng trong nền kinh tế quốc dân nói chung và kinh tế biển nói riêng. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 đã xác định thủy sản là một trong 6 ngành kinh tế biển chủ đạo.

Nghề cá biển – một bộ phận cấu thành của ngành thuỷ sản đã phát triển nhanh, góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm, tạo sinh kế cho hàng triệu lao động ven biển, góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu, bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo của Tổ quốc.

Theo TS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản (VIFEP), báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố đầu tháng 08/2021 cho thấy rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa trên biển đang là vấn đề nổi cộm trên toàn cầu và đe dọa sự phát triển bền vững ngành thủy sản.

Ảnh tác giả

“Trong quá trình sản xuất, ngành thuỷ sản cần sử dụng các vật liệu bằng nhựa. Rác thải nhựa trong quá trình sản xuất thuỷ sản cũng là một trong những nguồn thải ra biển và đại dương. Do vậy, rác thải nhựa từ ngành thuỷ sản cần phải được thu gom và có giải pháp xem như một dạng tài nguyên cần tái chế, tái sử dụng”.

TS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng VIFEP

“Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm thiểu 75% rác thải nhựa đại dương và 100% ngư cụ bị mất hoặc bị vứt bỏ. 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. 100% khu bảo tồn biển không có rác thải nhựa”, Viện trưởng VIFEP nhấn mạnh.

Để giảm thiểu chất thải nhựa đại dương, phát triển kinh tế biển xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường (UNDP) cho rằng, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế, tăng cường, chuyển giao công nghệ, đồng thời huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế.

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường (UNDP) phát biểu tại hội thảo

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường (UNDP) phát biểu tại hội thảo

Từ góc độ của cảng cá Quy Nhơn (Bình Định), bà Hoàng Thị Diệu Linh, đại diện cảng cá đã đưa ra những biện pháp giảm thiểu phát sinh rác thải nhựa như xây dựng hệ thống thu gom, phân loại, ép rác thải tại cảng cá, trên các tàu cá; kết nối với hệ thống thu gom của cơ sở tái chế vật liệu (MRF); xây dựng và hình thành cơ chế thu gom, thu đổi, các điểm thu gom khi các tàu mang rác về bờ; lắp đặt các thiết bị/vật dụng thu gom rác trên tàu cá (máy ép rác mini, bao lưới...) phù hợp cho tàu cá.

Tin liên quan

Đọc tiếp