Xuất khẩu thủy sản có tín hiệu phục hồi, kim ngạch sang các thị trường chính tăng mạnh

XUẤT KHẨU Việt nAM
20:11 - 09/11/2021
Xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 7,1 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4%
Xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 7,1 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4%
0:00 / 0:00
0:00
Tình hình xuất khẩu thủy sản đang dần ổn định và có tín hiệu hồi phục rõ rệt. Kim ngạch tháng 10 đạt 918 triệu USD, gần tương đương với cùng kỳ năm 2020 và tăng 47% so với tháng 09/2021.

10 tháng 2021, xuất khẩu thuỷ sản mang về 7,1 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu hầu hết các sản phẩm chính đều tăng trưởng trở lại: trong tháng 10/2021, cá ngừ và mực bạch tuộc tăng 18%; cua ghẹ tăng 13%; tôm tăng 1,6%.

Riêng cá tra vẫn giảm 18%, doanh số xuất khẩu trong tháng 10 chỉ đạt 139 triệu USD, do thiếu nguyên liệu, hoạt động sản xuất, chế biến cá tra ở các địa phương vẫn cầm chừng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Về thị trường, trong tháng 10/2021, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ hồi phục mạnh nhất, tăng 31%, sang EU tăng 9%, sang Hàn Quốc tăng 20%, sang Canada tăng 17%. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục giảm sâu 43%.

Tính trong 10 tháng 2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 7,1 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tôm đạt 3,2 tỷ USD, tăng 2,6%; cá tra đạt 1,2 tỷ USD tương đương cùng kỳ năm ngoái; cá ngừ đạt 598 triệu USD, tăng 10%; mực bạch tuộc đạt 475 triệu USD, tăng 4,5%; các loại cá khác giảm gần 1% đạt 1,36 tỷ USD.

Riêng nhuyễn thể hai mảnh vỏ vẫn giữ được tăng trưởng cao 39% sau 10 tháng, đạt 113 triệu USD.

Thị trường Mỹ chiếm 24% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với gần 1,7 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ. Nhật Bản chiếm 15% với 1,08 tỷ USD, giảm 7%.

Trung Quốc và EU đều chiếm 12% với giá trị lần lượt là 872 triệu USD, giảm 24% và 864 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang Hàn Quốc chiếm 9% đạt 643 triệu USD, tăng nhẹ 2%.

Theo VASEP, nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu vẫn cao, sản xuất chế biến thủy sản đang trên đà hồi phục và hy vọng sẽ tăng trưởng trở lại trong 2 tháng tới khi tỷ lệ tiêm vaccine ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long tăng lên nhanh chóng, hạn chế tác động của dịch COVID-19.

Hiệp định CPTPP và EVFTA là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi

Sau khi hiệp định Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang khối thị trường này tăng trưởng gần 3% trong năm 2019, trong đó xuất khẩu sang Nhật Bản, Australia đều tăng 6%, xuất khẩu sang Brunei tăng 10%, xuất khẩu sang Malaysia và Peru tăng nhẹ 1%.

Với kim ngạch 2,2 - 2,3 tỷ USD/năm giá trị nhập khẩu các sản phẩm thuỷ sản từ Việt Nam, vị thế của khối CPTPP thể hiện rõ hơn khi mà tỷ trọng của khối này trong tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tăng từ 25% năm 2018 lên gần 28% năm 2021.

Bên cạnh đó, nhờ có Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU ổn định bất chấp dịch COVID-19.

Xuất khẩu thuỷ sản sang khối EU năm 2020 giảm 26% đạt khoảng 960 triệu USD, nguyên nhân chính là do Brexit, Anh rời khỏi thị trường. Anh là thị trường nhập khẩu lớn của khối này với kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam từ 280 – 340 triệu USD/năm.

Do vậy, nếu chỉ tính EU27 (trừ Anh) thì xuất khẩu sang khối này trong năm 2020 không giảm. Trong bối cảnh COVID-19 và thẻ vàng IUU, xuất khẩu sang EU ổn định cho thấy tác động rõ rệt của hiệp định EVFTA đã thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.

Trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thuỷ sản sang khối EU tăng gần 4% đạt 744 triệu USD.

VASEP cho rằng, trong bối cảnh COVID-19 ảnh hưởng mạnh đến logistics cho thương mại, đặc biệt là chuỗi cung ứng trong quý III/2021, diễn biến tình hình xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản cũng vẫn thể hiện được xu hướng tích cực, một phần nhờ sự thúc đẩy từ thuế quan ưu đãi theo EVFTA.

Tin liên quan

Đọc tiếp