Rác thải nhựa ở Việt Nam tăng đột biến do Covid-19

Nhựa môi trường
20:17 - 18/08/2022
Rác thải nhựa từ đồ ăn đóng hộp tăng nhanh do đại dịch Covid-19.
Rác thải nhựa từ đồ ăn đóng hộp tăng nhanh do đại dịch Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Theo số liệu của tổ chức phi chính phủ FHI360, lượng tiêu thụ nhựa trung bình của một người Việt đã tăng 11 lần, từ 3,8kg/người năm 1990 lên 41,3 kg/người năm 2018 và tiếp tục tăng thời gian qua do nhu cầu về đồ nhựa trong thời gian cách ly phòng Covid-19.

Người Việt thải ra gần 7.800 tấn rác thải nhựa mỗi ngày

Trước bối cảnh rác thải nhựa thải bỏ ra môi trường, xâm nhập vào chuỗi thức ăn theo thời gian, Tổ chức phi Chính phủ của Hoa Kỳ vì sức khỏe con người (FHI360) đã thực hiện nghiên cứu tổng quan về tác động của nhựa đối với sức khỏe con người ở Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022.

Theo kết quả nghiên cứu được FHI360 chia sẻ tại hội thảo “Tác động sức khoẻ của chất thải nhựa và các khuyến nghị chính sách, can thiệp tại Việt Nam”, ngày 18/8, lượng tiêu thụ nhựa của một người Việt Nam đã tăng 11 lần, từ 3.8kg nhựa/người/ năm 1990 tăng lên 41.3 kg nhựa/người/ năm 2018.

Ở các đô thị Việt Nam, tổng lượng túi nilong được sử dụng là 10,48 - 52,4 tấn/ngày. Trong giai đoạn 2019 – 2022, xu hướng tăng trong chi tiêu hộ gia đình cho thực phẩm và đồ uống tạo ra động lực tăng trưởng chính cho phân khúc bao bì nhựa.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, tăng trưởng xây dựng nhà ở và xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn tiếp tục làm tăng trưởng cho phân khúc nhựa xây dựng. Rác thải nhựa chiếm 8 - 12% trong tổng số rác thải sinh hoạt, với khoảng 2,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường mỗi năm, tương đương xấp xỉ 7.800 tấn/ngày.

Theo công bố của FHI360, có đến 80% túi nilong dùng một lần nhưng chỉ có 17% túi nhựa được tái sử dụng, chỉ khoảng 10% lượng rác thải nhựa được tái chế. “Một con số khác ở mức cao hơn là 94% lượng rác thải ở các vùng ven sông và ven biển là rác thải nhựa, trong đó phần lớn là nhựa dùng một lần. Trong khi đó, xử lý rác thải nhựa và rác thải nhựa y tế bằng cách đốt vẫn rất phổ biến”, báo cáo chỉ ra.

Đáng lưu ý, tại Việt Nam ước tính khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi năm, trong đó tỉ lệ nhựa chiếm từ 10 - 20%, tương đương khoảng 2,5 đến 5 triệu tấn và tăng đột biến do đại dịch Covid-19 vừa qua.

Theo nghiên cứu của FHI360, lượng chất thải này đến từ thực phẩm được đóng gói trong hộp nhựa mua đồ ăn khi cách ly và khẩu trang y tế dùng một lần. Ngoài ra, lượng chất thải lây nhiễm cũng tăng lên tương ứng với số ca bệnh Covid-19 thời gian trước, nhất là ở những nơi có nhiều người đang cách ly, gồm băng gạc, khăn giấy, dụng cụ y tế hay mẫu bệnh phẩm, kit test Covid.

Nguy cơ sức khỏe từ vi nhựa.

Nguy cơ sức khỏe từ vi nhựa.

Cần có tiếng nói thống nhất về vấn đề nhựa và sức khỏe

Từ thực trạng về rác thải nhựa, báo cáo của FHI360 chỉ ra những tác động tiêu cực mà người dân Việt Nam đang phải đối mặt. Theo đó, nhựa được thải ra môi trường sẽ dần biến thành vi nhựa có thể xâm nhập vào cơ thể người. Các khí ô nhiễm, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi tăng nguy cơ các bệnh tim mạch và hô hấp, gây ra những ảnh hưởng về da, mắt và các cơ quan cảm giác, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh, hệ thống miễn dịch và thận, hệ thống nội tiết, thậm chí có thể gây ung thư và đột biến gen.

Tác hại của nhựa còn ảnh hưởng trực tiếp đến con người ngay cả trong quá trình sử dụng nhựa. Nhựa có thể rò rỉ chất gây ung thư và gây đột biến. Các chất hóa dẻo, chất phụ gia hóa học, sản phẩm phụ của quá trình sản xuất nhựa là tác nhân gây ra độc tính sinh sản.

Theo FHI360, nhựa có xu hướng hấp thụ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy kỵ nước. Gần đây đã có nhiều nghiên cứu về sử dụng đồ nhựa của người tiêu dùng ở Việt Nam nhưng rất ít trong số đó xem xét khía cạnh tác động đến sức khỏe.

Việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe. Tuy nhiên, cho đến nay, các nghiên cứu, kiến thức và đặc biệt sự tham gia của các cơ quan quản lý về vấn đề rác thải nhựa và tác động tới sức khoẻ tại Việt Nam vẫn còn hạn chế.

Từ thực tế đó, TS. Nguyễn Thị Thu Nam, Trưởng đại diện FHI360 Việt Nam chia sẻ, với thế mạnh chuyên môn và kinh nghiệm trong nghiên cứu và hỗ trợ kỹ thuật toàn cầu, FHI360 sẵn sàng mang tới các sáng kiến và chung tay cùng các cơ quan quản lý, các tổ chức và cộng đồng trong nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa và các tác động tiêu cực của nó đối với sức khỏe con người và môi trường.

Đưa ra các khuyến nghị về chính sách, đại diện FHI360 cho rằng, Việt Nam cần hỗ trợ các nghiên cứu về nhựa và tác hại của nhựa tới sức khoẻ.

“Cần phát huy hơn nữa hiệu quả của các chính sách. Nâng cao hiệu quả quản lý nhựa theo vòng đời, giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe của nhựa từ quá trình khai thác, sản xuất, tiêu dùng, tái chế, tiêu hủy và thải bỏ nhựa”.

TS. Nguyễn Thị Thu Nam, Trưởng đại diện FHI360 Việt Nam

Là đơn vị đồng hành cùng FHI360, ThS. Nguyễn Đức Vinh, Tổng thư ký Đối tác Hành động về Nhựa và Sức khoẻ (PHA) cũng khẳng định, PHA sẽ cùng với đối tác, các mạng lưới liên quan tạo ra một tiếng nói thống nhất về vấn đề nhựa và sức khỏe tại Việt Nam.

“Từ đó các bên cùng nhau thực hiện các hoạt động như nghiên cứu, xây dựng và truyền thông các mô hình thực hành tốt, đối thoại và vận động chính sách, hướng đến giảm thiểu tác động của ô nhiễm rác thải nhựa đến sức khoẻ con người và môi trường sống ở Việt Nam”, ông Vinh khẳng định.

Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong thời gian tới cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định: "Vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam thời gian qua đã được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và bằng những hành động thiết thực".

Tin liên quan

Đọc tiếp