Rào cản phát triển xe điện là giá thành và hệ thống trạm sạc

giao thông Việt nAM
16:12 - 20/10/2022
‘Xanh hóa’ phương tiện đường bộ: Cơ hội và thách thức của ngành giao thông vận tải. Nguồn: Bộ Công Thương.
‘Xanh hóa’ phương tiện đường bộ: Cơ hội và thách thức của ngành giao thông vận tải. Nguồn: Bộ Công Thương.
0:00 / 0:00
0:00
Phát triển phương tiện giao thông sử dụng điện là cơ hội hiện thực hóa cam kết phát thải ròng về 0 của Việt Nam, nhưng giá bán xe còn cao và hệ thống trạm sạc không thuận tiện đang cản trở sự phát triển của loại hình xe xanh này.

Xác định rõ mục tiêu trọng tâm

Phát biểu khai mạc Hội thảo Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện, hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh sáng 20/10, do Bộ GTVT phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nhận định, vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược với quyết tâm cao và mục tiêu lớn của cộng đồng quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đã cùng 147 quốc gia cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Ngành Giao thông Vận tải tiêu thụ trên 55% lượng nhiên liệu dầu mỏ và phát thải ra khoảng 25% tổng lượng CO2 toàn cầu. Trong đó, tỷ lệ này từ các phương tiện giao thông đường bộ chiếm tới 17%. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong lĩnh vực giao thông vận tải, xe điện hóa được đánh giá có ưu thế.

Việc triển khai cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước, là cơ hội để Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp, là động lực thúc đẩy chuyển đổi toàn diện nền kinh tế nói chung và ngành giao thông vận tải nói riêng sang phát triển xanh, không phát thải khí nhà kính.

Theo đó, để từng bước hiện thực hoá cam kết tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải với những mục tiêu, lộ trình và nhiệm vụ cụ thể đối với từng lĩnh vực. Trong đó, mục tiêu phát triển giao thông vận tải đường bộ với việc phát triển phương tiện điện được xác định là mục tiêu trọng tâm.

“Đây sẽ là cơ hội cho ngành giao thông vận tải tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang các loại năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nói.

Giá xe là yếu tố quan trọng để phổ cập hóa xe điện

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đào Công Quyết, đại diện cho Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết có 3 yếu tố tác động tới sự chuyển đổi sang xe điện hóa tại Việt Nam. Đó là yếu tố phát thải CO2 và cơ cấu năng lượng; yếu tố cơ sở hạ tầng (trạm sạc) và yếu tố chi phí sản xuất, giá xe.

Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo.

Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo.

Theo đó, giá xe là một yếu tố vô cùng quan trọng để phổ cập xe điện đến khách hàng.

“Ở thời điểm năm 2020, chi phí trực tiếp sản xuất ra xe thuần điện cao hơn 45% so với xe động cơ đốt trong. Tuy nhiên, dự kiến đến năm 2030, con số này sẽ được thu hẹp lại còn khoảng 9%”, ông Quyết cho hay.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội kiến nghị, cần tìm phương án để kéo giá phương tiện xanh xuống thấp vì giá phương tiện xanh hiện nay gấp 2 và 2,5 lần phương tiện diesel. Trong khi đó, hạn mức kinh phí địa phương và Chính phủ chỉ ở mức nhất định nên sẽ gặp khó khăn trong vấn đề trợ giá khi chuyển đổi sang phương tiện sử dụng điện.

Liên quan đến vấn đề thuế, phí đối với xe sử dụng điện, Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Chính sách thuế xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, hiếm có ngành nào được hỗ trợ nhiều về chính sách thuế như ngành công nghiệp ô tô. đối với xe điện, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội rất nhiều các văn bản ưu đãi về thuế, phí.

Theo bà Ngọc, ô tô xanh có rất nhiều loại và mỗi loại sẽ có những chính sách ưu đãi riêng. Gần đây, Nghị định 57 cũng được ban hành để hỗ trợ phát triển ngành ô tô, bao gồm cả xe điện. Trong đó quy định, các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình ưu đãi thuế đáp ứng điều kiện có dây chuyền sản xuất lắp ráp, sản xuất xe điện và đáp ứng một sản lượng nhất định (thấp hơn so với xe xăng) sẽ được nhập khẩu linh kiện với mức thuế 0% (áp dụng với linh kiện trong nước chưa sản xuất được).

"Cơ bản trong bộ linh kiện của xe điện nhập khẩu về đều được áp mức thuế 0%, trong khi nếu ô tô xăng nhập khẩu nguyên chiếc, mức thuế áp dụng thông thường là 70%. Như vậy, sản xuất, lắp ráp xe điện trong nước đang được khuyến khích rất nhiều" Bà Trần Thị Bích Ngọc Trưởng phòng Chính sách thuế xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách thuế

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, bà Ngọc cho hay, xe xăng kết hợp năng lượng điện hoặc năng lượng sinh học và trong đó tỷ trọng xăng sử dụng trong tổng năng lượng tiêu thụ chiếm không quá 70%, sẽ được áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 70% mức thuế áp dụng cho xe chạy xăng, dầu.

Bà Trần Thị Bích Ngọc cũng thông tin, thời gian gần đây, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thực hiện theo các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, Bộ Tài chính cũng đã trình, ban hành những văn bản trong đó giảm đáng kể mức tiêu thụ đặc biệt của ô tô chạy pin so với xe chạy xăng, dầu.

Cụ thể, từ 1/3/2022 – 28/2/2027, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe chạy pin, tuỳ theo chỗ ngồi sẽ là 1-2-3% và từ năm 2027 trở đi sẽ là 4-7-11%, tương ứng với số chỗ ngồi khác nhau. Trong khi đó, xe xăng sẽ là 15-150%, cao hơn rất nhiều.

Về lệ phí trước bạ, xe điện cũng có ưu đãi rất cao, theo Nghị định 10 mới trình thì quy định lệ phí trước bạ đối với xe chạy pin giảm 100% đối với 3 năm đầu và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo.

“Với những chính sách trên, tôi tin rằng sẽ góp phần lớn khuyến khích người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện vì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều về chính sách thuế, phí”, bà Ngọc bày tỏ.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp sản xuất pin cũng sẽ được áp dụng theo chính sách của công nghệ cao (hiện đang được ưu đãi cao nhất về mức thuế).

Vướng mắc trong phát triển trạm sạc

Việt Nam là một trong số ít quốc gia có đơn vị sản xuất, kinh doanh về xe điện và khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là vấn đề về trạm sạc.

Theo ông Đào Công Quyết, đại diện VAMA, đối với các nước đã phát triển về các dòng xe điện hóa, trạm sạc là điều kiện tiên quyết. Trạm sạc cũng cần được bao phủ rộng rãi với chi phí hợp lý cho khách hàng.

Tuy nhiên, do đặc thù Việt Nam, hầu hết các gia đình không đủ điều kiện để lắp đặt trạm sạc tại nhà, trong khuôn viên của gia đình mình trong khi sạc tại nhà là một hình thức sạc phổ biến cho xe điện. Tiêu thụ điện để sạc cho xe điện đòi hỏi nguồn cung cấp điện của Việt Nam phải tăng lên rất nhiều.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc VINFAST cho hay doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quy trình phát triển trạm sạc.

“Bộ Khoa học và Công nghệ có quy chuẩn, tiêu chuẩn về trụ sạc nhưng chưa có quy chuẩn tiêu chuẩn về việc xây dựng trạm sạc, hệ thống cũng như thiết bị bảo vệ trạm sạc. Trong quá trình xây dựng, chúng tôi phải áp dụng tiêu chuẩn tương đương của quốc tế”, ông Thắng bày tỏ.

Cũng theo ông Thắng, việc phát triển trạm sạc còn gặp một số khó khăn khác như về vấn đề pháp lý, việc hướng dẫn lắp đặt trạm sạc ở mỗi địa phương cụ thể có hướng dẫn lắp đặt khác nhau, nguồn điện và mức độ cung cấp điện không đồng đều…

“Hiện nay, chúng tôi đang tập trung vào sản xuất trạm sạc cho ô tô điện. Với xe máy, việc sạc tại nhà đơn giản nên chưa tích hợp chung với ô tô. Trong tương lai, VINFAST sẽ phát triển trạm sạc để có thể tích hợp cả xe ô tô và xe máy điện" Ông Vũ Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc VINFAST

Về vấn đề nguồn điện cung cấp cho các trạm sạc, theo GS TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, hiện Việt Nam chưa có quy hoạch lưới điện phục vụ phương tiện dùng điện.

“VINFAST phải tính toán đáp ứng nhu cầu thì mới phát triển hệ thống trạm sạc nhưng hiệu quả sẽ bị giới hạn. Nếu có quy hoạch lưới điện riêng cho trạm sạc thì sẽ tốt hơn nhiều, hệ thống trạm sạc sẽ tốt và an toàn hơn” GS TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Về vấn đề quy hoạch trạm sạc, ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Cục đường bộ Việt Nam) cho biết, bên cạnh Quyết định 876 của Chính phủ về chuyển đổi năng lượng xanh, còn có Quyết định 888 về kế hoạch thực hiện cam kết trong COP26. Trong đó giao cho Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các địa phương phát triển hạ tầng trạm sạc trên các đường quốc lộ và các đô thị.

Theo quyết định này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chịu trách nhiệm phát triển hệ thống trạm sạc trên mạng lưới đường bộ mà Bộ Giao thông Vận tải quản lý như đường quốc lộ, đường cao tốc. Còn đường địa phương, đường đô thị sẽ do các địa phương chịu trách nhiệm.

Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã được Chính phủ phê duyệt quyết định 1454 về mạng lưới đường bộ 2021- 2030, tầm nhìn 2050 và tiếp tục thực hiện Luật quy hoạch.

Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Cục đường bộ Việt Nam) phát biểu tại Hội thảo. Nguồn: Báo Giao thông.

Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Cục đường bộ Việt Nam) phát biểu tại Hội thảo. Nguồn: Báo Giao thông.

“Để triển khai phê duyệt mạng lưới đường bộ theo Quyết định 1454, chúng tôi đang xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho mạng lưới quốc lộ, trong đó coi trạm sạc là một kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặt trạm sạc trên quốc lộ và đường cao tốc”, ông Toàn nhấn mạnh.

Dự kiến tháng 9/2023, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ hoàn thành quy hoạch này để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.