Saigonbank dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%

NGÂN HÀNG Việt nAM
15:26 - 27/04/2023
Saigonbank dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%
0:00 / 0:00
0:00
SaigonBank (UpCOM: SGB) dự kiến phát hành 30,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để chi trả cổ tức tỷ lệ 10%, cổ phiếu được tự do chuyển đổi sang tiền mặt.

Các khoản nợ xấu tại SaigonBank đều có tài sản đảm bảo

Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 của Ngân hàng TMCP Sài gòn Công Thương (SaigonBank, mã: SGB) tổ chức ngày 27/4, ban lãnh đạo ngân hàng đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng tài sản đạt 29.400 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm.

Vốn huy động và dư nợ cho vay tăng lần lượt 6% và 6,9%, đạt 24.750 tỷ đồng và 20.915 tỷ đồng. Nợ xấu đảm bảo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng, tăng gần 27% so với kết quả năm 2022.

Cổ đông đặt câu hỏi liên quan đến việc SaigonBank giám sát nợ xấu như thế nào khi tỷ lệ nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) tăng qua các năm? Ông Vũ Quang Lãm - Chủ tịch HĐQT SaigonBank cho biết, năm 2021 nợ xấu ngân hàng kiểm soát ở mức 1,91% và cuối năm 2022 đã tăng lên, do ảnh hưởng chung của nền kinh tế thế giới bất ổn, các đơn đặt hàng từ nước ngoài giảm sút cùng những ảnh hưởng từ lãi suất biến động.

Một nguyên nhân khác dẫn đến việc nợ xấu tại SaigonBank tăng cao là do ngân hàng phải phân loại nợ theo thông báo CIC của các ngân hàng khác. Ông Lãm lý giải, do khách hàng tuy trả gốc lãi đầy đủ nhưng mua tiêu dùng ở các công ty tài chính hoặc vay tiêu dùng của các ngân hàng mà không trả lãi đúng hạn nên bị chuyển nợ xấu và khoản nợ tại SaigonBank cũng bị chuyển theo.

"Vì vậy, ban lãnh đạo chúng tôi vẫn theo sát các khoản nợ và tập trung xử lý. Đa số khách hàng của SaigonBank hiện vẫn hợp tác tốt với phía ngân hàng và vẫn cố gắng trả nợ. Ngoài ra ngân hàng cũng tạo điều kiện theo đúng chính sách hỗ trợ giãn hoãn nợ của Ngân hàng Nhà nước", ông Lãm cho biết.

Ngoài ra, SaigonBank đã phân loại chi phí dự phòng đầy đủ và trích đúng quy định. Các khoản nợ kể cả nợ xấu tại ngân hàng đều có tài sản đảm bảo đầy đủ để xử lý. Nhưng ngân hàng vẫn phải trích dự phòng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đây chính là khoản dự phòng cho nợ xấu, khi đòi được nợ sẽ trở thành thu nhập bất thường cho ngân hàng.

"Ban kiểm soát và kiểm toán độc lập tại ngân hàng vẫn kiểm soát chặt chẽ nội dung này. Năm 2022 ngân hàng đã trích 250 tỷ đồng để dự phòng để đảm bảo hoạt động ngân hàng vẫn an toàn", Chủ tịch HĐQT SaigonBank nói với cổ đông.

Chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%

Cũng tại đại hội, Saigonbank dự kiến phát hành 30,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để chi trả cổ tức với tỷ lệ 10%, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ sẽ tăng từ mức 3.080 tỷ đồng lên 3.388 tỷ đồng.

Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế lũy kế còn lại qua các năm (từ năm 2016 trở về trước, năm 2017 đến năm 2021) và lợi nhuận sau thuế năm 2022 sau khi trích các quỹ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2022 của SaigonBank là 237 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận năm 2022 còn lại là hơn 161 tỷ đồng. Lợi nhuận các năm trước chưa chia là gần 243 tỷ đồng. Sau khi chia cổ tức, lợi nhuận còn lại dự kiến là hơn 96 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự kiến hoàn thành trong năm 2023 sau khi xin ý kiến của ĐHĐCĐ và hoàn tất các thủ tục khác theo quy định.

Số vốn tăng thêm sẽ được Saigonbank sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, đầu tư hạ tầng chuyển đổi số, mở rộng mạng lưới hoạt động, mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn…

Trước câu hỏi về việc trong hai kỳ ĐHĐCĐ 2021 và 2022 cổ đông có đề nghị chia cổ tức nhưng vẫn chưa được chia, liệu cổ tức năm nay dự kiến chia có khả thi và cụ thể về việc chia cổ tức như thế nào?

Ông Vũ Quang Lãm cho biết, ngân hàng hoàn toàn đủ tài chính để chia cổ tức và cổ đông có thể yên tâm về việc chia cổ tức năm nay.

Ông Trần Quốc Thanh - Thành viên HĐQT SaigonBank bổ sung thêm, theo phương án trình chia cổ tức để tăng vốn điều lệ bằng cổ phiếu, cổ phiếu SGB trên sàn UPCoM được tự do chuyển đổi, vì vậy nếu cổ đông không muốn giữ cổ phiếu thì có thể chuyển đổi sang tiền mặt, hiện nay cổ phiếu SGB có giá xấp xỉ 13.000 đồng/cổ phiếu.

Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 vẫn đủ số lượng

Trước đó, vào ngày 19/01/2023, ông Nguyễn Cao Trí không còn là thành viên HĐQT Saigonbank theo Luật các Tổ chức tín dụng.

Tại đại hội, ban lãnh đạo SaigonBank cho biết số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 của Saigonbank còn 5 thành viên, vẫn đủ số lượng thành viên HĐQT và năng lực quản trị ngân hàng đến hết nhiệm kỳ.

Liên quan đến tình hình biến động nhân sự tại SaigonBank, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết, năm 2019, ông Nguyễn Cao Trí được đề cử tham gia HĐQT và được bầu công khai tại ĐHĐCĐ 2019 dưới hình thức bầu dồn phiếu.

"Đến nay, SaigonBank cũng chỉ nhận được thông tin ông Trí không còn tư cách HĐQT của ngân hàng này và đã thông báo. Số phận hiện tại của ông Trí thế nào còn phải chờ cơ quan chức năng. HĐQT hiện tại vẫn đủ 5 người và vẫn sẽ đảm bảo nhiệm vụ ngân hàng", ông Lãm cho biết.

Kết thúc đại hội, cổ đông SaigonBank đã thống nhất thông qua tất cả các tờ trình gồm: Báo cáo tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2022; Kế hoạch kinh doanh năm 2023; Báo cáo tình hình hoạt động năm 2022 và Phương hướng hoạt động năm 2023 của Hội đồng quản trị; Báo cáo hoạt động các Ủy ban trực thuộc Hội đồng quản trị; Phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông,...

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.