Sân bay Long Thành không thể kết nối với TP.HCM bằng tuyến cao tốc 4 làn xe như hiện nay

Đường bộ CAO TỐC
08:30 - 23/12/2021
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên xảy ra ùn ứ nghiêm trọng.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên xảy ra ùn ứ nghiêm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Theo TS. Trần Du Lịch, nếu không có những tuyến kết nối mới giữa TP.HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, sẽ tạo thêm một điểm tắc mới khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.

Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ có 5 tuyến đường cao tốc đi qua, gồm: TPHCM - Long Thành- Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành; Biên Hòa - Vũng Tàu; Dầu Giây - Liên Khương.

Đây là những trục giao thông chiến lược mang tính kết nối giữa các địa phương cũng như kết nối vùng miền Trung - Tây Nguyên - đồng bằng sông Cửu Long với Đồng Nai, trong đó sân bay Long Thành làm tâm điểm.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2015. Đây là cao tốc duy nhất đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, đóng vai trò hết sức quan trọng trong kết nối giữa Đồng Nai với trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất cả nước là TPHCM, nhưng hiện đã rơi vào tình trạng quá tải.

Tại tọa đàm "Đột phá hạ tầng thúc đẩy vùng kinh tế TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu" do Báo Giao Thông tổ chức diễn ra sáng 22/12, Tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định: "Không thể kết nối giữa sân bay Long Thành với TP.HCM bằng tuyến cao tốc 4 làn xe như hiện nay"

Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhiều thời điểm đã quá tải.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhiều thời điểm đã quá tải.

Vì sao tuyến Vành đai 3 cả chục năm vẫn nằm trên giấy?

Ông Lịch dẫn chứng, đoạn đường từ Quốc lộ 51, Đồng Nai về đến vòng xoay An Phú, TP.HCM nhiều lúc tắc nghẽn nặng. Mặc dù đã có quy hoạch phát triển giao thông liên vùng như các tuyến Vành đai 3, 4, cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu… nhưng cả chục năm qua vẫn nằm trên giấy.

Vấn đề là tại sao không thực thi được, TS. Trần Du lịch lý giải. Cảng Cái Mép - Thị Vải được đầu tư lớn nhưng không phát triển được, trong khi cảng Cát Lái và bên cạnh là cảng Phú Hữu chiếm trên 80% tổng lượng hàng hóa, luôn trong tình trạng ách tắc.

Thứ hai, đường Vành đai 3. Ông Lịch băn khoăn về tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn hiện trong tình trạng quá tải. Vành đai 3 nối có giải toán bài toán giao thông hay không? Hiện Chính phủ chủ trương không dùng đầu tư công mà làm hình thức đối tác công tư - PPP.

Tuy nhiên PPP không kêu gọi được đầu tư. Theo quy định, Nhà nước trong mọi trường hợp không được góp quá 65% dự án; nếu Nhà nước góp dưới 50% dự án phải trên 30 năm thu hồi vốn, đây là điểm khiến nhà đầu tư và ngân hàng không mặn mà tài trợ.

“Không thể chấp nhận một thành phố như TP.HCM, sau 35 năm đổi mới mà không có một đường vành đai nào nối kết được mà toàn “vành khuyên”, không thể chấp nhận được, bằng giá nào cũng phải làm”.
------------------------------
TS. Trần Du Lịch

Thứ ba, là việc chuẩn bị kết nối TP.HCM đi sân bay Long Thành. Theo ông Lịch, nếu sân bay làm đúng tiến độ thì không thể kết nối với TP.HCM bằng cao tốc 4 làn xe như hiện nay. Thời điểm trước COVID, đoạn từ Quốc lộ 51 đi về hướng vòng xoay An Phú, TP.HCM trong khung giờ chiều luôn kẹt xe, có khi như một bãi đậu xe. Ông cho rằng, nếu sân bay Long Thành mở thì chuyện mở rộng là cực kỳ cần thiết. Điểm đen vòng xoay An Phú nên tập trung giải quyết để đón sân bay Long Thành.

Với riêng TP.HCM, TS. Trần Du Lịch đề xuất Vành đai 2 còn hai phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện nối kết toàn tuyến.

“Không thể chấp nhận một thành phố như TP.HCM, sau 35 năm đổi mới mà không có một đường vành đai nào nối kết được mà toàn “vành khuyên”, không thể chấp nhận được, bằng giá nào cũng phải làm”, TS. Lịch cho biết.

Ông Lịch cho rằng, nguồn vốn đầu tư được phân bổ cho các địa phương như hiện nay không thể giải quyết bài toán giao thông nối kết vùng lớn. Theo đó, ông đưa ra 3 đề nghị để thực thi.

Một, phải gỡ cho được vấn đề đối tác công tư như đề cập trên. Theo ông lịch, dù tư nhân góp 30-40% cũng tốt, hơn là Nhà nước làm 100%.

Hai, ông Lịch nêu lại đề nghị nên lập một định chế quỹ đầu tư vùng về hạ tầng. Một định chế tài chính thực sự, có thể có HĐQT, huy động nguồn vốn trong đó có nhà nước, tư nhân, làm đối tác để thúc đầu tư khác, để nhìn lâu dài.

Ba, chuyên gia đề cập băn khoăn về quy hoạch. Hiện nay mỗi địa phương phải làm quy hoạch tỉnh, trong khi chưa quy hoạch vùng. Hiện nay không biết nối kết kiểu gì, hay là mai mốt quy hoạch vùng lấy mấy tỉnh cộng lại.

Theo ông Lịch, nếu không có những tuyến kết nối mới giữa TP.HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, sẽ tạo thêm một điểm tắc mới khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.

Nếu không có tuyến Vành đai 3, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cũng không khả thi

Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết tuyến Vành đai 3 có chiều dài 90 km trải trên địa phận 4 địa phương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An là dự án TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ rất quan tâm và cố gắng giải quyết những vấn đề tồn đọng để sớm đưa tuyến đường này vào phục vụ người dân.

Đây là một dự án rất cần thiết và là điểm đầu của tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Nếu không có tuyến Vành đai 3, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cũng không khả thi. Cùng với đó, ông cũng nhấn mạnh tuyến Vành đai 4 có thể triển khai muộn hơn, khoảng sau 2026.

Đối với nút giao An Phú, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết HĐND TP.HCM đã phê duyệt phương án đầu tư công với tổng vốn 4.000 tỷ đồng và đang gửi lên Thủ tướng phê duyệt. TP kỳ vọng dự án sẽ được phê duyệt và khởi công trong năm 2022.

Xe cộ dàn hàng ngang kín hết các làn đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây

Xe cộ dàn hàng ngang kín hết các làn đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây

Tuyến đường kết nối sân bay Long Thành với TP HCM ngắn nhất hiện nay là cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Theo thống kê của Công ty cổ phần dịch vụ đường cao tốc Việt Nam, bình quân mỗi ngày cao tốc này có khoảng 52.000 lượt phương tiện lưu thông, cao điểm cuối tuần lên đến 57.000 lượt, trong khi thiết kế chỉ đủ đáp ứng khoảng 44.000 lượt phương tiện. Những năm qua, cao tốc này thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc, kẹt xe.

Với công suất 25 triệu lượt hành khách/năm, việc kết nối giao thông với sân bay Long Thành là rất quan trọng và cấp bách. Vì vậy việc đẩy nhanh hoàn thành các tuyến đường cao tốc đang xây dựng, mở rộng đường cao tốc TP HCM - Long Thành- Dầu Giây và triển khai đầu tư sớm các dự án đường cao tốc trong quy hoạch là điều kiện cấp thiết để khai thác hiệu quả cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai.

Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành có tầm quan trọng trong việc kết nối các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh Đông Nam Bộ. Khi sân bay Long Thành hoạt động tuyến cao tốc này chia sẻ áp lực giao thông cho tuyến Quốc lộ 51 và Quốc lộ 1. Tuy nhiên, được khởi công xây dựng từ năm 2014, nhưng đến nay tuyến cao tốc vẫn đang thi công cầm chừng vì thiếu vốn.

Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nối TP Biên Hòa với TP Bà Rịa được xây dựng nhằm giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 51 đang quá tải. Quốc lộ 51 là tuyến đường duy nhất cho các phương tiện vận chuyển từ các tỉnh miền Đông, miền Tây và TPHCM đến TP Vũng Tàu. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, tuyến cao tốc này vẫn nằm trên giấy.

Tin liên quan

Đọc tiếp