TP. Hồ Chí Minh hút dự án FDI dẫn đầu cả nước

FDI Việt nAM
21:30 - 26/11/2021
TP. Hồ Chí Minh hút dự án FDI dẫn đầu cả nước
0:00 / 0:00
0:00
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (FDI) trong 11 tháng đầu năm đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu toàn quốc cả về số dự án đăng ký đầu tư mới, điều chỉnh vốn và góp vốn, mua cổ phần.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) vừa công bố tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 11 tháng đầu năm 2021. Theo đó, tính đến ngày 20/11/2021, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (FDI) bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu toàn quốc cả về số dự án FDI và đứng thứ hai toàn quốc về giá trị vốn FDI đăng ký.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, có 1.577 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt gần 14,1 tỷ USD, tăng 3,76% so với cùng kỳ năm 2020. 877 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 8 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái. 3.466 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng trị giá vốn góp đạt gần 4,4 tỷ USD, giảm 33%.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành hút vốn FDI lớn nhất với số vốn khoảng 14 tỷ USD, chiếm 53% tổng vốn đầu tư đăng ký 11 tháng đầu năm. Ngành sản xuất, phân phối điện đứng ở vị trí thứ hai với vốn đầu tư trên 5,7 tỷ USD, tương đương khoảng 21,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ở vị trí thứ ba là ngành kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,41 tỷ USD.

Xét theo số lượng dự án mới, 3 ngành dẫn đầu lần lượt là công nghiệp chế biến chế tạo (30,5% tổng số dự án), bán buôn bán lẻ (28,1% tổng số dự án) và hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ (16,5% tổng số dự án).

Dòng vốn FDI đã rót vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân, với nhà đầu tư đến từ 100 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. Trong đó, Singapore dẫn đầu với vốn đầu tư trên 7,6 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc là quốc gia đầu tư lớn thứ hai vào Việt Nam với trị giá đầu tư 4,36 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng vốn đầu tư.

Về điểm đến đầu tư, trong số 58/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã ghi nhận dòng vốn FDI từ đầu năm đến nay, tỉnh Long An dẫn đầu với số vốn đầu tư đăng ký 3,76 tỷ USD, tương đương 14,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trên cả nước.

Tp. Hồ Chí Minh xếp vị trí thứ hai với số vốn đăng ký gần 3,43 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ ba với tổng vốn đăng ký trên 2,8 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là các tỉnh Bình Dương, Cần Thơ, Quảng Ninh…

Nếu xét về phân bổ dự án theo khu vực, xu hướng nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung rót vốn vào các đô thị lớn hoặc vùng ven đô thị lớn với cơ sở hạ tầng phát triển như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh… Tp. Hồ Chí Minh dẫn đầu toàn quốc cả về số dự án đăng ký đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn và số lượt góp vốn, mua cổ phần. Sau Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội xếp thứ hai về số dự án mới và số lượt góp vốn, mua cổ phần.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.