Sản lượng thủy sản 10 tháng đầu năm 2021 giảm nhẹ

THỦY SẢN Việt nAM
12:01 - 02/11/2021
Thủy sản 10 tháng đầu năm 2021 giảm 0,2%
Thủy sản 10 tháng đầu năm 2021 giảm 0,2%
0:00 / 0:00
0:00
Tổng sản lượng thủy sản của Việt Nam trong tháng 10/2021 ước đạt 798,1 nghìn tấn, lũy kế 10 tháng ước tính đạt 7.154,4 nghìn tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng Cục thủy sản, sản lượng thủy sản tháng 10/2021 ước tính đạt 798,1 nghìn tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 492,1 nghìn tấn, tăng 0,9%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 306,0 nghìn tấn, giảm 1,0% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng năm 2021, sản lượng thủy sản ước tính đạt 7.175,4 nghìn tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 3.812,2 nghìn tấn, giảm 0,8%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.363,2 nghìn tấn, tăng 0,5%. Riêng sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 3.205,6 nghìn tấn, tăng 0,6%.

Tổng sản lượng thủy sản 10 tháng năm 2021

Tổng sản lượng thủy sản 10 tháng năm 2021

Theo thống kê của 3 tỉnh trọng điểm về khai thác cá ngừ đại dương, sản lượng cá ngừ đại dương 10 tháng năm 2021 (loại mắt to vây vàng từ 30kg/con trở lên) ước đạt 14.557 tấn, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, tại Phú Yên khai thác cá ngừ đạt 2.801 tấn, giảm 4,2% so cùng kỳ; Bình Định đạt 9.411,0 tấn, giảm 6,1%; Khánh Hòa đạt 2.345 tấn, giảm 17,6%.

Thống kê sản lượng cá ngừ 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa trong 10 tháng 2021
Thống kê sản lượng cá ngừ 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa trong 10 tháng 2021

Sản lượng khai thác cá ngừ đại dương giảm chủ yếu là do nguồn lợi ngày càng suy giảm. Đồng thời, tác động của dịch bệnh COVID-19 khiến tình hình tiêu thụ và xuất khẩu mặt hàng này gặp khó khăn, giá bán giảm nên ngư dân chuyển sang đánh bắt các loại thủy sản khác có mức tiêu thụ ổn định hơn.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 10 ước đạt 492,1 nghìn tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước, đưa sản lượng lũy kế 10 tháng ước đạt 3.812,2 nghìn tấn, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Về sản xuất một số loài cụ thể như sau:

Cá Tra: Sản lượng tháng 10 ước đạt 145,5 nghìn tấn, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 10 tháng đầu năm ước đạt 1.131,2 nghìn tấn, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh đạt sản lượng lũy kế lớn là Đồng Tháp đạt 259,8 nghìn tấn, An Giang đạt 413,6 nghìn tấn, Bến Tre đạt 226,5 nghìn tấn.

Tôm: Sản lượng tháng 10 ước đạt 123,4 nghìn tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 10 tháng ước đạt 823,2 nghìn tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng cá tra, tôm nuôi trồng tháng 10/2021

Sản lượng cá tra, tôm nuôi trồng tháng 10/2021

Trong đó, sản lượng tôm sú tháng 10 ước đạt 33,7 nghìn tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng lũy kế 10 tháng ước đạt 230,3 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 85,4 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, đưa sản lượng lũy kế 10 tháng ước đạt 547,3 nghìn tấn, tăng 4,5%.

Nhận định thị trường

Đánh giá thị trường, Tổng Cục thủy sản cho rằng, mặc dù dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn cho các nước sản xuất, nhưng người tiêu dùng Mỹ vẫn tiêu thụ nhiều tôm.

Còn tại thị trường trong nước, cá tra nguyên liệu có dấu hiệu sôi động hơn, do nhu cầu thu mua của các công ty gia tăng để chuẩn bị cho đơn hàng vào cuối năm 2021.

Cụ thể, tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giá cá tra nguyên liệu tăng 2.000 đồng/kg lên mức khoảng 24.000 đồng/kg. Giá cá tra giống tăng 5.000 đến 6.000 đồng/kg lên 28.000 đến 30.000 đồng/kg.

Thị trường tôm nguyên liệu ĐBSCL tiếp tục có sự khởi sắc khi các doanh nghiệp bước vào giai đoạn bình thường mới.

Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ lớn 20 con/kg hiện mức 220.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với tháng trước; cỡ 30 con/kg 195.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; cỡ 40 con/kg giữ giá 150.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 60 con/kg 105.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng/kg so với cuối tháng trước; cỡ 70 con/kg 95.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; cỡ 100 con/kg 87.000 đồng/kg, tăng 15.000 đ/kg.

Giá tôm tăng là do nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp gia tăng để chuẩn bị cho đơn hàng phục vụ dịp Noel và lễ Tết cuối năm 2021, trong khi nguồn cung vẫn còn hạn chế bởi người nuôi đang lo ngại dịch bệnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp