Sáng kiến kinh tế mới IPEF của Mỹ sẽ tạo tác động thế nào

IPEF MỸ
15:40 - 18/11/2022
0:00 / 0:00
0:00
Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng IPEF do Mỹ khởi xướng sẽ có thể tác động theo hướng nào đối với thương mại và kinh tế của khu vực và Việt Nam trong thời gian tới, nhận định của TS. Phạm Sỹ Thành. 

Ngày 17/11, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham Hà Nội), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) và Chính quyền bang Oregon (Hoa Kỳ) tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ với chủ đề “Thay đổi – Thách thức – Thích ứng” nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.

Trong khuôn khổ diễn đàn, sáng kiến mới IPEF (Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng) do Hoa Kỳ đưa ra trong năm 2021 đã được các chuyên gia bàn luận, đặc biệt là về tác động của khuôn khổ này đến thương mại, kinh tế khu vực và Việt Nam.

Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP HCM Susan Burns trong phần tham luận đã nhấn mạnh thời điểm quan trọng của việc ra đời sáng kiến IPEF.

Ảnh tác giả

"Khuôn khổ mới này là một phần trong tầm nhìn của Tổng thống Biden về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, kết nối và thịnh vượng, an toàn và có sức chống chịu. Việt Nam là một đối tác quan trọng trong việc đạt được tầm nhìn đó, và điều này đến vào một thời điểm quan trọng. Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam".

Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP HCM Susan Burns

Trước đó vào tháng 10/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) đã công bố khuôn khổ kinh tế mới IPEF, tập trung vào các tiêu chuẩn cho nền kinh tế kỹ thuật số, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, khử carbon, cơ sở hạ tầng và tiêu chuẩn lao động. IPEF được gọi là “khuôn khổ” vì mục đích là tập trung vào hợp tác giữa các quốc gia, nhất là với các lĩnh vực như năng lượng, nền kinh tế số, chuỗi cung ứng.

IPEF dưới góc nhìn Đông Nam Á

Đánh giá về IPEF dưới góc nhìn Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Kinh tế Trung Quốc (CESS) nhận định có một số điểm quan trọng cần lưu ý đối với khuôn khổ này.

Đầu tiên, IPEF đã thể hiện đầy đủ và toàn diện nhất về triết lý tiếp cận mới của Hoa Kỳ đối với vấn đề kinh tế tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm thương mại. IPEF cũng là hình thức kinh tế bao trùm hơn một số khuôn khổ khác, tập trung đến nhiều khía cạnh của tương lai.

Ảnh: Tài liệu TS Phạm Sỹ Thành cung cấp tại diễn đàn.

Ảnh: Tài liệu TS Phạm Sỹ Thành cung cấp tại diễn đàn.

TS Phạm Sỹ Thành cho rằng, IPEF được coi như là một CPTPP+ khi có 7/11 quốc gia của CPTPP được mời tham gia đàm phán ngay từ đầu của khuôn khổ IPEF (trong đó bao gồm Việt Nam). Khuôn khổ này lấy CPTPP làm trung tâm nhưng đồng thời nó có khả năng tác động lên RCEP (11/15 thành viên RCEP tham gia đàm phán IPEF).

Theo TS Phạm Sỹ Thành, mặc dù không phải là một FTA nhưng đàm phán IPEF có thể coi là cơ hội nâng cấp nền kinh tế. “Việt Nam có hiệp định với Hoa Kỳ từ năm 2000. Nhưng qua 22 năm vẫn chưa nâng cấp các điều khoản, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế. IPEF sẽ là khuôn khổ mở và cởi mở mà Việt Nam có thể tham gia ngay từ ban đầu”, TS Phạm Sỹ Thành nhận định.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ đóng vai trò là một trong những người thiết kế luật chơi hoặc hiểu về luật chơi ngay từ đầu tại khu vực, dù Việt Nam có tham gia hay không tham gia vào các thảo luận cuối cùng của IPEF. Trong đó, theo TS Phạm Sỹ Thành, Việt Nam sẽ có cơ hội thiết lập nên luật chơi cho lĩnh vực kỹ thuật số vốn được coi là một trong những lĩnh vực trọng yếu nhất của kinh tế tương lai.

Một lợi thế nữa đó là khuôn khổ này góp phần đa dạng hóa nền kinh tế của Việt Nam, theo nhận định của TS Thành.

Ảnh tác giả

"Việt Nam hiện đã có các FTA với Trung Quốc (trong khuôn khổ là thành viên của ASEAN), với châu Âu. Chính vì vậy, mặc dù IPEF là không mang tính cam kết, ràng buộc, hạ thấp thuế quan với Hoa Kỳ, việc thêm thỏa thuận này thì cả 3 cực quan trọng nhất đối với kinh tế Việt Nam xét về kinh tế đối ngoại sẽ có đầy đủ"

TS Phạm Sỹ Thành

Doanh nghiệp Việt cần làm gì nếu Việt Nam tham gia IPEF

Theo TS Thành, nếu Việt Nam tham gia IPEF, doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội mở rộng sự hiện diện đối với doanh nghiệp Hoa Kỳ. Hiện nay, doanh nghiệp FDI của Hoa Kỳ tại Việt Nam còn tương đối ít, đây sẽ là cơ hội để hợp tác kinh tế giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân giữa hai nền kinh tế với nhau.

Đối với doanh nghiệp Việt, các quy định mới đến từ kinh tế kỹ thuật số sẽ là một trong những quy định có tác động rất lớn trong bối cảnh Việt Nam đã có nhiều FTA. Mặt khác, trong vấn đề thiết kế luật chơi, các ý kiến không chỉ đến từ các bộ, ban ngành mà còn đến từ các hiệp hội và các doanh nghiệp liên quan.

Trước những lợi thế mà IPEF mang lại, câu hỏi đặt ra: làm sao để doanh nghiệp Việt tận dụng IPEF có hiệu quả nếu Việt Nam tham gia?

Theo TS Phạm Sỹ Thành, có một số vấn đề doanh nghiệp có thể cần quan tâm từ bây giờ. Trước hết, tăng cường trao đổi thông tin giữa các hiệp hội, doanh nghiệp với Chính phủ, các cơ quan bộ ngành để tìm hiểu thêm thông tin về IPEF cũng như truyền tải quan điểm của doanh nghiệp đối với nội dung cần trao đổi, đàm phán. Đây được coi là mắt xích trọng yếu trong quá trình Việt Nam xây dựng khuôn khổ pháp lý, hành lang pháp lý về kinh tế kỹ thuật số trong tương lai.

Ảnh tác giả

"Doanh nghiệp cần thích nghi trước thay đổi bất định với môi trường địa chính trị toàn cầu. Hiện nay, mặc dù Việt Nam có nhiều FTA nhưng các vấn đề liên quan như kiểm soát xuất khẩu, rà soát đầu tư của Hoa Kỳ cũng ảnh hưởng rất đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam nếu chúng ta hướng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU."

TS Phạm Sỹ Thành

Bên cạnh đó, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng cũng như đảm bảo về logistics đối với doanh nghiệp không chỉ liên quan đến chuỗi cung ứng. Bản chất của việc cấu trúc hoặc tạo ra tính bền vững của chuỗi cung ứng liên quan đến chính sách công nghiệp của thế hệ tương lai, và hoàn toàn là tổ chức cấu trúc ngành và cấu trúc của chính sách công nghiệp trong thế giới mới.

Về kinh tế kỹ thuật số, TS Phạm Sỹ Thành cho rằng vấn đề này liên quan đến khuôn khổ pháp lý. Doanh nghiệp có thể trao đổi với các cơ quan Chính phủ, đề xuất ý kiến hoặc yêu cầu của doanh nghiệp đối với việc hình thành nên khuôn khổ pháp lý kinh tế kỹ thuật số trong tương lai.

Trong vấn đề kinh tế sạch, cộng đồng doanh nghiệp làm việc với phía Hoa Kỳ phần lớn là doanh nghiệp xuất khẩu. Do vậy, doanh nghiệp Việt sẽ cần thích nghi với những tiêu chuẩn mới về sự kết hợp giữa mục tiêu chống biến đối khí hậu và mục tiêu tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu.

Sáng kiến IPEF (Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng) được xây dựng là một “nền tảng mở”, không yêu cầu các quốc gia thành viên phải loại bỏ rào cản thương mại cho các thành viên khác, do đó khuôn khổ này không yêu cầu quốc hội các nước phê chuẩn.

Không giống như CPTPP hay RCEP, khuôn khổ kinh tế mới IPEF sẽ không hạ thuế quan. Thay vào đó, Hoa Kỳ muốn tìm kiếm sự hợp tác trên các trụ cột chiến lược như khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và nền kinh tế kỹ thuật số. Ngoài ra, các thành viên có thể lựa chọn cam kết trong một vài hoặc tất cả các trụ cột mà quốc gia đó xem là phù hợp với mục tiêu phát triển của mình. Đây có thể được coi là một khuôn khổ kinh tế hoàn toàn mới và khác với các hiệp định thương mại tự do.

Đọc tiếp

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.
Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Định hướng quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.