Sao Ta báo lãi kỷ lục trong năm thủy sản sóng gió

DOANH NGHIỆP Việt nAM
15:51 - 05/01/2022
Chế biến, xuất khẩu tôm là một trong những lĩnh vực kinh doanh chính của Sao Ta.
Chế biến, xuất khẩu tôm là một trong những lĩnh vực kinh doanh chính của Sao Ta.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2021, ngành thủy sản xuất khẩu có thời điểm gần như rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, việc Thực phẩm Sao Ta báo lãi 280 tỷ cùng báo cáo của Tổng cục Thủy sản mới đây có thể thấy, các doanh nghiệp đã “thoát hiểm” thành công.

CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán FMC) vừa công bố kết quả kinh doanh ước thực hiện 2021. Theo số liệu sơ bộ đã hợp nhất công ty thành viên Khang An, năm 2021, FMC đạt sản lượng tôm chế biến 22.790 tấn, tăng 12% so năm 2020. Sản lượng tôm tiêu thụ đạt 18.370 tấn, tăng 7% so năm 2020; sản lượng nông sản tiêu thụ đạt 1.590 tấn, bằng 132% so năm 2020.

Với sản lượng trên, doanh số chung ước của FMC đạt 213 triệu USD, tương đương hơn 4.850 tỷ đồng, bằng 112% so năm 2020. Lợi nhuận ước đạt trên 280 tỷ đồng, tăng trên 15% so năm 2020. Đây cũng là con số lãi cao nhất trong lịch sử 26 năm hoạt động của Sao Ta.

Năm nay, Sao Ta đạt lợi nhuận vượt trội.

Năm nay, Sao Ta đạt lợi nhuận vượt trội.

Theo FMC, 2021 là năm nuôi tôm thành công nhất trong lịch sử 10 năm theo đuổi nuôi tôm của doanh nghiệp này, giúp bù đắp cho mảng chế biến. Tận dụng thời cơ, giai đoạn đầu năm 2022, trại tôm Sao Ta đã bắt đầu thả giống để khởi đầu cho mùa vụ mới. Công ty có thêm diện tích nuôi 52 ha, là dự án được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng giao thêm cho công ty thành viên là Khang An.

Trong năm 2022, cả hai nhà máy mới xây dựng của FMC sẽ đi vào hoạt động, trong đó nhà máy Tam An thuộc công ty thành viên Khang An chuyên chế biến hàng phối chế, có những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu mới người tiêu dùng.

Để mở rộng sản xuất, FMC còn chào bán 6,5 triệu cổ phiếu. Như Mekong Asean đã đưa tin, việc chào bán của Sao Ta đã hoàn tất vào ngày 28/12/2021. Mua vào là CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam (công ty con của CP Group, Thái Lan). Trước đó, C.P Việt Nam đã sở hữu hơn 9,7 triệu cổ phiếu FMC (tương đương 16,56% vốn); hiện là 24,9% (xấp xỉ 16,3 triệu).

Với thị giá 50.000 đồng/cp, tổng số tiền Sao Ta huy động được từ đợt bán cổ phiếu cho C.P Việt Nam xấp xỉ 327 tỷ đồng. Sau khi trừ phí tư vấn phát hành gần 5,4 tỷ đồng, công ty này thu ròng 321,5 tỷ đồng. Theo kế hoạch sử dụng tiền thu đợt chào bán, Sao Ta sẽ chi 225 tỷ đồng để mua thức ăn nuôi tôm phục vụ hợp đồng đặt hàng trong 6 tháng đầu năm 2022, còn lại sẽ tái cơ cấu lại khoản vay 97 tỷ đồng.

Một năm "vượt sóng" của thủy sản

Năm 2021, tình hình thời tiết tại nước ta tương đối thuận lợi cho nuôi trồng và khai thác thủy sản. Nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới cũng tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi đó, nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ giảm mạnh do chịu tác động xấu từ đại dịch Covid-19.

Sản xuất tôm của Việt Nam còn có lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là FTA Việt Nam-EU (EVFTA), đảm bảo được sự ổn định trong nuôi tôm thương phẩm và chế biến thủy sản.

Với những thuận lợi đó, thủy sản Việt Nam chắc chắn sẽ đạt kết quả tốt nếu như không có làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Thực tế, đợt dịch này đã khiến ngành thủy sản phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Đặc biệt trong quý 3, nhiều nhà máy hoạt động "3 tại chỗ" khiến chi phí bị đội lên. Thêm vào đó là các quy định kiểm soát dịch bệnh ở các địa phương phía Nam không thống nhất gây gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Có thời điểm, công suất chế biến thủy sản ở các nhà máy phía Nam giảm tới 70%.

Ngoài ra, ngành thủy sản còn phải đối mặt với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL; giá thức ăn, cước phí vận chuyển quốc tế, giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục trong vài năm gần đây (giá dầu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020); Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục giữ cảnh báo “Thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam.

Tôm vẫn là “át chủ bài” của ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam những năm tới.

Tôm vẫn là “át chủ bài” của ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam những năm tới.

Mặc dù vậy, theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản trong Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022, ngành thủy sản đã vượt được “bão”. Tại thời điểm hết tháng 10/2021, toàn ngành chỉ đưa ra dự báo xuất khẩu cả năm đạt khoảng 8,4-8,6 tỷ USD. Tuy nhiên, các tháng cuối năm khởi sắc rõ rệt. Riêng trong tháng 12/2021, trị giá xuất khẩu thủy sản đã đạt tới 900 triệu USD.

Ước năm 2021, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,01% so với năm 2020, tổng sản lượng đạt 8,73 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020 (8,64 triệu tấn). Trong đó sản lượng khai thác đạt 3,92 triệu tấn, tăng 0,9% với năm 2020 (3,88 triệu tấn), nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn, tăng 1% với năm 2020 (4,76 triệu tấn). Tổng trị giá xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 9,57 tỷ USD, bằng 107,6% so với năm 2020 (tổng là 8,89 tỷ USD).

Trong năm 2022, theo các doanh nghiệp thủy sản, cái khó của ngành là vấn đề nguyên liệu, giá cước vận chuyển, giá thành sản xuất, thiếu công nhân do liên tục xuất hiện F0 trong các nhà máy... Vì vậy các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục thực hiện các phương án vừa phòng, chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất nhằm phục hồi xuất khẩu.

Tin liên quan

Đọc tiếp