Xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ gặp nhiều thách thức

XNK Việt nAM
14:26 - 30/12/2021
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xuất khẩu thủy sản đã 'tê liệt' trong gần 4 tháng thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch - Ảnh minh họa
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xuất khẩu thủy sản đã 'tê liệt' trong gần 4 tháng thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch - Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Dù đạt kết quả khả quan trong năm 2021, tuy nhiên theo chuyên gia, năm 2022 xuất khẩu thủy sản vẫn phải đối mặt với khó khăn, do vậy ngành Thủy sản chỉ đặt ra mục tiêu đạt 8,9 tỷ USD trong năm tới.

Năm 2021: Về đích ngoạn mục

Năm 2021, ngành thủy sản “vượt khó” thành công, đạt 104,6% so với kế hoạch đề ra. Đây là nỗ lực của doanh nghiệp toàn ngành cũng như sự thúc đẩy từ các chính sách của Chính phủ.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid-19, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, sức tiêu thụ sụt giảm nghiêm trọng…, để đạt kết quả trong năm 2021 là một sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả ngành và về đích ngoạn mục.

Trong quý I/2021, với sự kiểm soát tốt đại dịch trong năm 2021 cùng việc có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác từ các cơ hội do Hiệp định thương mại tự do mang lại như CPTPP, EVFTA, UKVFTA.

Xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2021 đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020. Đây được coi là bước khởi động thành công cho ngành Thủy sản năm 2021.

Bước sang quý II/2021, dù bắt đầu chịu ảnh hưởng từ đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam, nhưng nhờ có sự chuẩn bị trước của các doanh nghiệp và sự phục hồi của 2 thị trường lớn là Mỹ và EU xuất khẩu thủy sản vẫn tăng mạnh.

Trong quý II/2021, xuất khẩu thủy sản đạt 548.000 tấn, ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 25% về lượng và tăng 37% về trị giá so với quý I/2021 và tăng 17,5% về lượng, trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm, ngành Thủy sản thu về 4,1 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu. Riêng với mặt hàng tôm thu về 1,7 tỷ USD, đạt 191.000 tấn, tăng 14% về trị giá và tăng 14% về lượng so với cùng kỳ năm 2020.

Sang quý III/2021, ngành Thủy sản chính thức bị ảnh hưởng bởi đợt dịch thứ 4. Có tới 50% nhà máy chế biến tôm và cá tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã phải đóng cửa, trong 50% nhà máy còn lại, lực lượng lao động chỉ hoạt động 30% công suất của nhà máy kể từ tháng 7/2021.

Nhiều doanh nghiệp phải tăng thêm chi phí để đầu tư trang bị cho lực lượng lao động sản xuất "3 tại chỗ", chi phí kiểm tra dịch bệnh cho người lao động, chi phí kiểm tra sức khỏe đội ngũ vận chuyển khi lưu thông hàng hóa…Chuỗi cung ứng bị gián đoạn gây áp lực rất lớn lên các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Trong quý III/2021, chuỗi cung ứng sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản đứng trước thách thức vô cùng lớn, làm gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng và gây áp lực lên các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản, thậm chí đứng trước phá sản.

Dù vậy, doanh nghiệp vẫn cố gắng sản xuất trong thời gian giãn cách, mặc dù không đem lại lợi nhuận, thậm chí là lỗ nhưng đây là cách duy nhất giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, đáp ứng các hợp đồng đã ký kết.

Ảnh hưởng bởi đại dịch, trong tháng 9, xuất khẩu thủy sản tiếp tục giảm 23% sau khi đã giảm sâu tới 36% trong tháng 8. Quý III/2021, xuất khẩu thủy sản đạt 433.300 tấn, đạt trị giá 2,07 tỷ USD, giảm 20,9% về lượng và giảm 13,23% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 3 tháng cuối năm, tình hình xuất khẩu của ngành Thủy sản bắt đầu có sự hồi phục khi thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam tháo gỡ giãn cách, Cùng với đó là việc “phủ vaccine” trên cả nước về cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh.

Mặt khác, sự vào cuộc của Chính phủ và các Bộ đã tháo gỡ những nút thắt lớn trong việc giao lưu thông hàng hóa cũng như các chính sách hỗ trợ, khôi phục sản xuất, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch.

Điều này đã tạo niềm tin, động lực cho ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản ổn định phục hồi sản xuất kinh doanh, khôi phục chuỗi cung ứng để lấy lại đà tăng trưởng và đạt được kết quả vượt sự mong đợi.

Trong tháng 11, xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng 2,5% so với tháng 10 và tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng sau khi đối mặt với đà âm tăng trưởng trong quý III.

Tính chung, trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu thủy sản tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 7,99 tỷ USD. Đến hết năm 2021, đạt giá trị xuất khẩu 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Hiệp Hội cá ngừ đại dương Việt Nam, cả nước hiện có 35.000 ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương, chủ yếu tập trung ở ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Sản lượng đánh bắt mỗi năm đạt khoảng 17.000 tấn - Ảnh minh họa

Theo Hiệp Hội cá ngừ đại dương Việt Nam, cả nước hiện có 35.000 ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương, chủ yếu tập trung ở ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Sản lượng đánh bắt mỗi năm đạt khoảng 17.000 tấn - Ảnh minh họa

Năm 2022: Lắm cơ hội, nhiều thách thức

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 4,6% so kế hoạch. Có thể nói đây là một năm ngành thủy sản Việt Nam tăng trưởng "ngoạn mục" trong bối cảnh gặp rất nhiều thách thức, khó khăn.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng cho biết, năm 2022, ngành Thủy sản phấn đấu đạt khoảng 8,9 tỷ USD, bằng 100,1% so với 2021, con số này cho thấy, ngành Thủy sản khá “dè dặt” khi đề ra chỉ tiêu cho năm 2022.

Về sản lượng thủy sản, năm 2022 ngành đặt mục tiêu đạt khoảng 8,73 triệu tấn, bằng 100,03% so với năm 2021. Cụ thể, sản lượng cá tra đạt 1,6 triệu tấn; tôm nước lợ đạt 950.000 tấn, trong đó tôm sú đạt 275.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 675.000 tấn. Trong năm 2022, ngành định hướng giảm dần số lượng khai thác, hướng tới tăng giá trị sản phẩm thủy sản.

Với mục tiêu đề ra, đại diện Tổng cục Thủy sản cho rằng, năm 2022 vẫn là năm khó khăn của ngành Thủy sản khi các biến chủng mới của dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc giao thương giữa các quốc gia vẫn còn khó khăn, giá cước vận chuyển quốc tế chưa có xu hướng giảm. Yếu tố biến đổi khí hậu, thiếu hụt nguồn nước cấp cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long... cũng gây khó khăn cho quá trình nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các thị trường, thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) vẫn chưa được tháo gỡ, cường lực khai thác ở mức cao trong khi nguồn lợi thủy sản đang có xu hướng suy giảm.

Ngành Thủy sản dự báo, năm 2022 sẽ tăng trưởng tốt hơn khi các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đã có kế hoạch tiêm vaccine bổ sung. Đây là thuận lợi lớn mà các doanh nghiệp cần nắm bắt và triển khai kế hoạch cho năm tới.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, để đạt mục tiêu yêu cầu, ngành thủy sản cần tập trung phát triển lĩnh vực nuôi trồng, tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025… đồng thời, cần tận dụng tốt tiềm năng mặt nước, phát triển nuôi trên các hồ chứa, các vùng xâm nhập mặn mới hình thành do biến đối khí hậu.

Mặt khác, ngành thủy sản Việt Nam cần triển khai các hiệp định thương mại đã ký kết như CPTPP, EVFTA, UKVFTA… có hiệu quả, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu đã đề ra. Ngoài ra, cần triển khai Hiệp định UNSFA, PSMA theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt.

Đẩy mạnh hợp tác đa phương để tiếp cận các chính sách mới của quốc tế, khu vực và tích cực thực hiện các giải pháp khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp, không theo báo cáo, không theo quy định (IUU) cũng là những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành thủy sản cần tập trung trong năm 2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp