Sao ta: doanh số xuất khẩu sẽ giảm mạnh 2 tháng cuối năm

FMC Việt nAM
12:34 - 26/11/2022
Sao ta: doanh số xuất khẩu sẽ giảm mạnh 2 tháng cuối năm
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù vậy, theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, năm 2022 CTCP Thực phẩm Sao ta (HoSE: FMC) sẽ thu về 6.059 tỷ đồng doanh thu và 323 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Theo báo cáo ngày 25/11 của VDSC, 10 tháng đầu năm 2022 FMC ghi nhận doanh thu 201 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù doanh thu 10 tháng tăng trưởng nhưng xét riêng lẻ, doanh thu tháng 9 và tháng 10 bắt đầu có dấu hiệu chững lại so với các tháng trước đó do nhu cầu từ các nước nhập khẩu yếu đi trước áp lực lạm phát.

VDSC kỳ vọng doanh thu của FCM các tháng cuối năm 2022 sẽ duy trì ở mức thấp ngang tháng 10. Tình trạng này nhiều khả năng sẽ kéo dài đến 6 tháng đầu năm 2023 và phục hồi dần trong 6 tháng cuối 2023 khi nhu cầu tăng trở lại.

Nhờ nhu cầu đối với các sản phẩm tôm phục hồi sau Covid-19 năm 2022 nên VDSC kỳ vọng sản lượng xuất khẩu tôm và giá bán trung bình của FMC sẽ tăng lần lượt 5% và 7%. Tỷ suất lợi nhuận gộp có thể tăng 50 điểm cơ bản để đạt 10,7% trong năm 2022.

VDSC cũng dự đoán FMC có thể đạt mức lãi ròng từ tỷ giá hối đoái là 19 tỷ đồng trong năm nay nhờ đồng USD tăng giá.

Trước các giả định trên, VDSC dự đoán doanh thu và lợi nhuận sau thuế của FMC năm nay lần lượt đạt 6.059 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021 và 323 tỷ đồng, tăng 21%.

Nếu đạt được kết quả trên, Sao ta sẽ vượt 14% kế hoạch năm về doanh thu

Dự báo tình hình kinh doanh FMC năm 2023

Bước sang năm 2023, VDSC cho rằng kết quả kinh doanh của FMC có thể chỉ tăng trưởng một con số trước áp lực từ phía cầu.

Theo đó, nhu cầu các thị trường chính tiêu thụ tôm của Việt Nam dự kiến sẽ chững lại khi nền kinh tế toàn cầu biến động tiêu cực, lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và hàng tồn kho cao tại các nước nhập khẩu.

Tôm được xem là một loại protein cao cấp, vì vậy tiêu thụ sẽ chậm lại khi người tiêu dùng ở nhiều nước thắt chặt chi tiêu để đối phó với tình hình lạm phát cao kỷ lục.

Bên cạnh đó, đồng nội tệ của EU, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục mất giá so với USD đã làm giảm sức mua tại các thị trường trọng điểm này. Tuy nhiên, VDSC cho rằng xuất khẩu tôm của Việt Nam có thể chậm lại nhưng khó có thể giảm mạnh do nhu cầu đối với tôm chế biến của Việt Nam nhìn chung ổn định. Sản phẩm tôm chế biến của Việt Nam có thể tiêu thụ chậm nhưng khó bị các sản phẩm tôm khác thay thế.

Theo VDSC, sản lượng xuất khẩu tôm của công ty Sao ta có thể chỉ tăng 7% trong năm 2023, thấp hơn so với kế hoạch ban đầu của FMC là 20%. Sự gia tăng sản lượng chủ yếu bởi sự gia tăng khách hàng đầu ra cho nhà máy mới của doanh nghiệp.

Về giá bán, giá bán tôm nhiều khả năng sẽ giảm trong năm 2023 nhưng ít tác động đến biên lợi nhuận ròng. Trong năm 2023, VDSC dự báo giá bán trung bình của FMC sẽ giảm 6% do chi phí logistics hạ nhiệt và giá nguyên vật liệu giảm.

Trong giai đoạn 2021-2022, giá bán bình quân tăng trong bối cảnh chi phí vận chuyển tăng cao và tình trạng khan hiếm lương thực toàn cầu, nhưng chi phí bán hàng cũng tăng tương ứng do chi phí vận tải tăng cao. Do đó, việc tăng giá bán ít tác động đến lợi nhuận trong giai đoạn này.

Theo đó, mặc dù giá bán có khả năng giảm trong năm 2023, VDSC kỳ vọng giá nguyên liệu sẽ giảm cùng thời điểm, một phần do tỷ lệ nguyên liệu tự cung cấp tăng, giúp biên lợi nhuận gộp mảng tôm cải thiện 30 điểm cơ bản lên 10,5%.

Chi phí bán hàng/doanh thu có thể sẽ giảm 30 điểm cơ bản do giá cước vận tải giảm. Tỷ suất lợi nhuận ròng sẽ tăng 28 điểm cơ bản lên 5,7% vào năm 2023.

Trước các giả định trên, VDSC dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của FMC năm 2023 lần lượt đạt 6.249 tỷ đồng và 356 tỷ đồng, tăng lần lượt 3% và 10% so với 2022.

Ở một diễn biến khác, tại bài phân tích đầu tháng 11 vừa qua được đăng trên trang web của CTCP Thực phẩm Sao Ta, Chủ tịch FMC Hồ Quốc Lực nhận định hai tháng cuối năm 2022 sẽ là giai đoạn giảm mạnh doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp trước tác động lạm phát toàn cầu.

Trước tình hình này, FMC đã đưa ra các kế hoạch cụ thể để ứng phó khi tình hình khó khăn của con tôm có thể kéo dài sang năm 2023.

Cụ thể, FMC đã thương thảo với nhiều hệ thống phân phối cấp cao ở Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu. Trong sản xuất, FMC sẽ nỗ lực đưa khu nuôi mới 203 ha vào nuôi trong năm 2023, thay vì kéo dài 2 năm theo kế hoạch ban đầu. Từ tháng 10/2022 FMC đã tiến hành thi công làm ao khu nuôi mới này. Dự kiến cuối quý II/2023 sẽ thả nuôi vụ đầu tiên tại đây

CTCP Thực phẩm Sao Ta có tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, thành lập năm 1996 với lĩnh vực chính là chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. Năm 2003, công ty được cổ phần hóa. Tháng 12/2006 chính thức niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán HoSE.

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.