Sao Ta tham vọng tự cung được 30% nguyên liệu tôm năm 2022

DOANH NGHIỆP Việt nAM
18:58 - 17/04/2022
Sao Ta tham vọng tự cung được 30% nguyên liệu tôm năm 2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo ban lãnh đạo của CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán: FMC), việc tăng thêm 52 ha vùng nuôi tôm, nâng tổng diện tích nuôi tôm lên 320 ha giúp doanh nghiệp này có thể tự đáp ứng 20 - 30% nhu cầu nguyên liệu trong năm 2022.

Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 vừa được Sao Ta công bố chiều 16/4, trong quý I/2022, tôm chế biến của công ty tăng 60% so với cùng kỳ năm 2021, nông sản chế biến tăng 126%, doanh số tăng 39%, lợi nhuận tăng 40%. Doanh nghiệp ghi nhận đạt doanh thu tiêu thụ đạt 58,7 triệu USD, riêng tôm thành phẩm quý I đạt 5.056 tấn.

Song hành cùng kết quả kinh doanh, thị giá cổ phiếu của FMC cũng dậy sóng. Thời điểm đầu năm, thị giá mã này lùi nhẹ từ 53.000 đồng một đơn vị về dưới 50.000 đồng. Sau đó ghi nhận đà tăng liên tục, vượt mốc 60.000 đồng một đơn vị vào cuối tháng 2. Chốt phiên 14/4, thị giá mã FMC đạt 72.500 đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông, FMC đã thông qua kế hoạch sản xuất của năm 2022. Theo đó, doanh thu hợp nhất đạt 5.290 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 320 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ đạt 286 tỷ đồng.

Với kế hoạch hoàn thiện và đưa vào hoạt động thêm 2 nhà máy mới với tổng công suất 20.000 tấn/năm, phía cổ đông cho rằng công ty có lẽ khá thận trọng khi đề ra kế hoạch kinh doanh. Trả lời câu hỏi này, ban lãnh đạo FMC cho rằng do có những hạn chế ban đầu nên chỉ tiêu kế hoạch đặt ra không quá lớn. Việc tăng trưởng ít nhất 10% vẫn được cho là tín hiệu tích cực khi công ty đang trong giai đoạn còn nhiều khó khăn.

FMC hiện đã hoàn thành hai dự án xây dựng nhà máy trong năm 2022: quý I/2022 hoàn thành nhà máy Tam An, quý III hoàn thành nhà máy Sao Ta. Năng suất ban đầu của hai nhà máy này sẽ chưa cao do gặp khó khăn về tìm công nhân lành nghề giai đoạn đầu. FMC dự kiến, qua năm 2023 khi đã sở hữu đội ngũ lao động lành nghề và số lượng nhiều hơn, năng suất của hai nhà máy sẽ tăng trưởng tốt.

Năm 2022, FMC đặt mục tiêu sản lượng tôm tự nuôi của doanh nghiệp có thể đáp ứng 20 – 30% nhu cầu về nguyên liệu. Theo kế hoạch, FMC sẽ đưa thêm 52 ha vùng nuôi tôm của CTCP Thực phẩm Khang An (KAF) vào khai thác trong 6 tháng cuối năm 2022, nâng tổng diện tích chung lên 320 ha.

Về nông sản chế biến, năm 2022 FMC đặt mục tiêu sản lượng nông sản phối chế biến thủy sản cao gần gấp 2 lần so với năm 2021, đạt 2.200 tấn. FMC cho biết, đây là mặt hàng có ưu thế cạnh tranh vì gần như chưa có đối thủ. Năm 2023, doanh nghiệp kỳ vọng mảng kinh doanh này sẽ thể hiện rõ ràng vị thế trong hoạt động của công ty thành viên là KAF.

Năm 2022, FMC sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt, tối thiểu 20% (2.000 đồng/cp), FMC sẽ ủy quyền cho HĐQT xem xét cho ứng trước số cổ tức phù hợp.

Trước câu hỏi của cổ đông về vấn đề thoát khỏi danh sách doanh nghiệp xem xét chống bán phá giá của Hoa Kỳ, ban lãnh đạo FMC cho biết thị trường Hoa Kỳ hiện là thị trường trọng điểm xuất khẩu thứ 3 của FMC. Để đưa doanh nghiệp ra khỏi danh sách chống bán phá giá như một số ít doanh nghiệp khác thì sẽ cần một khoảng thời gian dài, thủ tục phức tạp và đòi hỏi phải có tiềm lực về kinh tế. Bên cạnh đó, hiện sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp cũng được ưu đãi ở mức thuế 0%. Cho nên, doanh nghiệp sẽ tập trung nguồn lực vào các thị trường trọng điểm hơn thay vì vào Hoa Kỳ.

Trước đó, theo Báo cáo thường niên 2021 của FMC công bố ngày 11/4, năm 2021, doanh thu của FMC đạt 5.204 tỷ đồng; doanh thu thuần đạt 5.199 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn hàng bán tăng từ 3.985 tỷ đồng lên mức 4.669 tỷ đồng trong năm 2021. Lợi nhuận gộp của công ty đạt 535 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 287 tỷ đồng, tăng 27%, vượt 62 tỷ đồng so với năm ngoái.

Tổng tài sản của FMC trong năm 2021 đạt 2.699 tỷ đồng, tăng 57% so với năm 2020. Tài sản ngắn hạn đạt 2.150 tỷ đồng, tăng 76%. Tài sản dài hạn đạt 549 tỷ đồng, tăng 12%. Hàng tồn kho cũng tăng mức 54%, đạt 940 tỷ đồng.

Tài sản ngắn hạn tăng chủ yếu do đây là tiền gửi ngân hàng ở thời điểm cuối năm; thu tăng do doanh số bán quý 4 tăng 19%; tồn kho các khoản hầu hết đều tăng như tồn kho thành phẩm… Đối với tài sản dài hạn, nguyên nhân tăng chủ yếu là tài sản dở dang dài hạn do đang xây dựng Nhà máy Thủy sản Tam An và Nhà máy Thủy sản Sao Ta.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của DBC tổ chức sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Dabaco muốn chào bán hơn 140 triệu cổ phiếu

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Tính đến 9h30 cuộc họp với sự tham dự của 294 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 53,59% vốn điều lệ DBC.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.