Sáp nhập GTNFoods, dự kiến vốn điều lệ của Vilico tăng lên 1.723 tỷ đồng

DOANH NGHIỆP Việt nAM
07:58 - 01/12/2021
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Vilico đã ban hành nghị quyết của Hội đồng quản trị thông qua hồ sơ phát hành 156.250.000 cổ phiếu VLC để hoán đổi cổ phần theo hợp đồng sáp nhập với Công ty CP GTNFoods.

Trước đó Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam - Vilico (UPCoM: VLC) đã lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc sáp nhập này.

Theo phương án đã được ĐHĐCĐ thông qua, Vilico dự kiến phát hành 156.250.000 cổ phiếu để hoán đổi cổ phần của GTNFoods (HoSE: GTN) với tỷ lệ hoán đổi 1,6:1 (1,6 cổ phiếu GTN vào ngày chốt danh sách cổ đông sẽ được hoán đổi lấy 1 cổ phiếu VLC, tương đương 1 cổ phiếu GTN được hoán đổi lấy 0,625 cổ phiếu VLC). Phương án sáp nhập này cho phép VLC thực hiện tăng quy mô vốn mà không phải huy động từ bên ngoài, không làm giảm lưu lượng tiền mặt của VLC.

Số lượng cổ phiếu VLC do GTN sở hữu trước khi sáp nhập là 47.003.136 cổ phiếu, chiếm 74,49% vốn điều lệ của VLC và sau khi sáp nhập toàn bộ hơn 47 triệu cổ phiếu VLC mà GTNFoods đang sở hữu sẽ bị hủy và giảm vốn điều lệ của Vilico tương ứng số cổ phần này (470.031.260.000 đồng).

Như vậy, dự kiến sau sáp nhập và sau khi hủy số cổ phiếu VLC do GTNFoods sở hữu, vốn điều lệ của Vilico sẽ hơn 1.723 tỷ đồng.

Qua đó, cơ cấu của VLC thay đổi như sau: Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) nắm giữ 117.187.500 cổ phiếu tương đương 67,99% cổ phần sau sáp nhập dự kiến; các cổ đông khác nắm giữ 55.160.364 cổ phiếu, chiếm 32,01% sau sáp nhập dự kiến.

Vilico cho biết, sau sáp nhập, doanh nghiệp sẽ khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh và định hướng đưa Vilico trở thành đơn vị lớn trong lĩnh vực ngành chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt tại Việt Nam.

Doanh nghiệp dự kiến triển khai đầu tư trang trại bò thịt quy mô khai thác 20.000 con/năm với tổng vốn đầu tư không quá 1.700 tỷ đồng. Hình thức đầu tư là tự làm hoặc tìm đối tác có tiềm lực và kinh nghiệm tốt trong lĩnh vực này để thực hiện dự án.

Đồng thời tập trung nguồn lực để hỗ trợ và phát triển chăn nuôi bò sữa và sản xuất, kinh doanh các mặt hàng sữa trong công ty con là Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (UPCoM: MCM) và tập trung nguồn lực để hỗ trợ và phát triển sản xuất và kinh doanh các sản phẩm chè thông qua liên kết với Vinatea; tập trung nguồn lực phát triển sản xuất kinh doanh và các sản phẩm rượu vang, nước giải khát, sản phẩm điều thông qua Ladofoods.

Ngoài ra Vilico cũng tiếp tục khai thác các nguồn lực sẵn có của Vilico, Vinamilk và tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, chăn nuôi, nông nghiệp... Bên cạnh đó tìm đối tác để thoái vốn các khoản đầu tư tại các công ty liên kết có quy mô nhỏ và hoặc không phải là ngành nghề kinh doanh cốt lõi của Vilico.

Mới đây, ngày 25/11, Vinamilk, Vilico đã ký kết thành công biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) và UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc đầu tư, phát triển dự án về bò thịt với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD tại Việt Nam. Biên bản ghi nhớ được các bên trao đổi tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản.

Trong đó, giai đoạn 1 của dự án dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023 có quy mô công suất là khoảng 30.000 bò thịt/năm, với cơ sở chế biến khép kín, công nghệ hiện đại.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.