Số doanh nghiệp mới trong tháng 5 cao kỷ lục giai đoạn 2016-2022

DOANH NGHIỆP Việt nAM
11:28 - 29/05/2022
Số doanh nghiệp mới trong tháng 5 cao kỷ lục giai đoạn 2016-2022
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo tình hình Kinh tế-Xã hội tháng 5 vừa công bố ngày 29/5 của Tổng cục Thống kê cho biết, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 5/2022 là 13.400 doanh nghiệp, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2016-2021.

Thực hiện nhất quán phương châm “Sống chung an toàn với dịch Covid-19”, đồng thời đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế Việt Nam đang phục hồi khá nhanh và khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Trong 5 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2021; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 57,8% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 14%.

Cụ thể, về doanh nghiệp thành lập mới, trong tháng 5/2022, cả nước có 13.400 doanh nghiệp với số vốn đăng ký gần 125.800 tỷ đồng và số lao động đăng ký 89.500 lao động, giảm 10,9% về số doanh nghiệp, giảm 23,4% về vốn đăng ký và giảm 14,6% về số lao động so với tháng 4/2022.

So với cùng kỳ năm trước, tăng 15,2% về số doanh nghiệp, giảm 16,5% về số vốn đăng ký và tăng 24% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 9,4 tỷ đồng, giảm 14% so với tháng trước và giảm 27,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cả nước có 63.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 761.000 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 437.700 nghìn lao động, tăng 12,9% về số doanh nghiệp, giảm 2,2% về vốn đăng ký và tăng 6,1% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 12,1 tỷ đồng, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả 1.684,3 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 22,1 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2022 là 2.445,3 nghìn tỷ đồng, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo khu vực kinh tế, 5 tháng đầu năm nay có 913 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; gần 16.200 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 5,9%; 45.900 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 15,8%.

Mặc dù, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 5/2022 giảm so với tháng 4/2022 - là tháng thường có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập cao nhất trong năm nhưng vẫn được ghi nhận là tháng có số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2016-2021.

Về doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, cả nước còn có 5.207 doanh nghiệp, giảm 26% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, có 35.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 57,8% so với cùng kỳ năm 2021, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2022 lên 98.600 doanh nghiệp, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, bình quân một tháng có 19.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Về doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, trong tháng 5/2022, có 4.964 doanh nghiệp, giảm 7,9% so với tháng trước và tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021; có 4.186 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 11,3% so với tháng trước và giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 45.900 doanh nghiệp, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước; 19.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 4,8%;.

Về doanh nghiệp giải thể, tháng 5/2022 có 1.339 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm, có 6.900 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 14%. Bình quân một tháng có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Kỳ vọng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31 ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 như hàng không, vận tải kho bãi, du lịch... Đây là chính sách được kỳ vọng sẽ thẩm thấu vào doanh nghiệp, giúp nền kinh tế tăng tốc trong 2 năm tới.

Thứ nhất, cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nên việc hỗ trợ lãi suất giúp doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn rẻ để nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, trong bối cảnh chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa, việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất góp phần duy trì mặt bằng lãi suất chung ổn định, từ đó góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi nền kinh tế.

Thứ ba, việc ban hành và sớm triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khẳng định cam kết đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, từ đó tạo niềm tin và động lực phát triển đất nước.

Thực tế, kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách, nhiệm vụ, giải pháp mạnh mẽ để kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế, chia sẻ gánh nặng khó khăn với người dân, doanh nghiệp. Riêng chính sách về lãi suất, tổng mức miễn, giảm lãi suất của các ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp ước tính đã lên tới 1,5 tỷ USD; số nợ được cơ cấu thời hạn trả và giữ nguyên nhóm nợ là hơn 620.000 tỷ đồng.

Hiệu quả của các chương trình, kế hoạch hỗ trợ cũng đã rõ, đó là nền kinh tế tăng trưởng khá từ cuối năm 2021 đến nay, số lượng doanh nghiệp ra đời, trở lại hoạt động ngày càng nhiều…

Tuy nhiên, tại kỳ họp Quốc hội thứ 3, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị cần nhìn thực chất: " Nền kinh tế, doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn sau đại dịch? Khó khăn của doanh nghiệp là không thể bàn cãi khi nền kinh tế bị phong tỏa".

Vì vậy việc hỗ trợ doanh nghiệp vẫn cần triển khai nhanh chóng. Trước hết là việc sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực thi một cách rõ ràng, dễ hiểu, thủ tục đơn giản, dễ áp dụng. Quá trình thực thi phải công khai, minh bạch, có kiểm tra, giám sát bảo đảm quyền lợi của đối tượng thụ hưởng và đúng đối tượng thụ hưởng.

Đọc tiếp