Số hóa hay bài toán số phận doanh nghiệp trong nền kinh tế số bao trùm?

DOANH NGHIỆP Việt nAM
19:55 - 28/10/2021
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. ít nhiều đang trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của các DN ở Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. ít nhiều đang trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của các DN ở Việt Nam. Ảnh: TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
Đây là nhận định của ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong buổi thảo luận tại Diễn đàn Đa phương 2021 (MSF 2021) sáng 28/10.

Nhiều rào cản của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang dẫn tới sự chậm trễ trong việc chuẩn bị lực lượng lao động phục vụ cho giai đoạn phát triển dựa trên công nghệ, theo nghiên cứu của VCCI và Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT).

Nghiên cứu “Thực trạng tham gia của các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội tại Việt Nam trong nâng cao năng lực cho người lao động phục vụ Công nghiệp 4.0” được tiến hành trên hơn 400 doanh nghiệp và phỏng vấn chuyên sâu hơn 20 tổ chức xã hội, đã cho thấy một góc nhìn về "sự sẵn sàng của các doanh nghiệp nhỏ cho một nền kinh tế số bao trùm."

Rào cản các doanh nghiệp khi chuyển đổi số

Có đến 80% doanh nghiệp được hỏi cho biết đã chủ động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lao động. Tuy nhiên nghịch lý là chủ yếu là đào tạo nâng cao (65,1%) hay đào tạo cho lao động chưa có kỹ năng (57,6%), mà ít chú trọng đến đào tạo kỹ năng mới (46,1%) nhất là những kỹ năng chuyên biệt cho Công nghiệp 4.0 (17,6%).

Hiện nay, 3/4 doanh nghiệp đang tự tổ chức đào tạo và chỉ có 1/5 doanh nghiệp đào tạo lao động thông qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bên ngoài. Bản nghiên cứu đưa ra khuyến cáo, các doanh nghiệp cần chú trọng hơn việc liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bên ngoài để tăng cường đào tạo kỹ năng liên quan đến Công nghiệp 4.0 cho người lao động.

Ngoài ra, vẫn còn khoảng cách từ nhận thức đến hành động của các doanh nghiệp trong ứng dụng Công nghệ 4.0. Có đến 80% doanh nghiệp biết đến các công nghệ đặc thù cho Cách mạng 4.0 nhưng chỉ có 45% – 60% trong số các doanh nghiệp được hỏi tỏ ra quan tâm đến các công nghệ đó. Đặc biệt, chỉ có vỏn vẹn 20% doanh nghiệp đang sử dụng các công nghệ được coi là đặc thù 4.0 trong sản xuất.

Sự chậm trễ của các doanh nghiệp trong việc chuẩn bị lực lượng lao động cho CN 4.0

Sự chậm trễ của các doanh nghiệp trong việc chuẩn bị lực lượng lao động cho CN 4.0

TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI), người trình bày nghiên cứu tại Diễn đàn cho rằng: Những chậm trễ này xuất phát từ những rào cản cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.

Rào cản bên trong được ông Huân liệt kê ra như: công nghệ sản xuất đơn giản; chi phí đầu tư cho đào tạo; thiếu chuyên gia nhân lực có khả năng tham gia vào quá trình đào tạo; thiếu máy móc, công nghệ đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Bên cạnh đó cũng có một số yếu tố đến từ rào cản bên ngoài như: Thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích; thiếu cơ chế hợp tác lâu dài với các cơ sở đào tạo; sự chồng chéo của nhiều cơ quan quản lý và thiếu sự tin tưởng vào năng lực đào tạo của các có sở đào tạo.

Giải pháp thúc đẩy số hóa cho các doanh nghiệp

Nói về vấn đề số hóa trong các doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI nhận định, chuyển đổi số đang đặt ra yêu cầu rất khắt khe với các doanh nghiệp: “Đó là câu chuyện làm hay không không làm, số hóa hay số phận các doanh nghiệp trong nền kinh tế số bao trùm”.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Nhận xét về vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế - đối tượng đang bị coi là chậm chân hơn các doanh nghiệp lớn trong chuyển đổi số, ông Vinh nói: "Những doanh nghiệp này chiếm số lượng lớn trong cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam và sử dụng rất nhiều, đa dạng lực lượng công nhân từ công nhân có tay nghề đến cả những lực lượng yếu thế. Cần sớm có chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đào tạo kỹ năng nghề cho lực lượng lao động không chỉ trong hiện tại mà còn cả trong tương lai."

Nhằm giải quyết bài toán “số phận” cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế số bao trùm, nghiên cứu của VCCI và Viện Light đã đưa ra những khuyến nghị đối với các doanh nghiệp và tổ chức xã hội.

Trong đó, các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần xây dựng chiến lược và lộ trình phân bổ nguồn lực đào tạo lao động phù hợp cho giai đoạn phát triển dựa trên công nghệ.

Việc tăng cường cập nhật thông tin sẽ giúp doanh nghiệp thay đổi nhận thức về lợi ích có được từ liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo, các tổ chức xã hội đáp ứng được yêu cầu, thành lập các bộ phận chuyên trách về đào tạo.

VCCI cũng đề cập đến yêu cầu phải phát huy vai trò của các doanh nghiệp lớn dẫn dắt, thúc đẩy việc hợp tác trong đào tạo lao động giữa các bên. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thí nghiệm các phương thức đào tạo mới, ứng dụng công nghệ trong nâng cao năng lực: dạy học trực tuyến, dạy học qua App, qua các nền tảng đa phương tiện để thích ứng với bối cảnh.

Tổng Thư Ký VCCI chia sẻ trong thời gian tới VCCI sẽ có những kế hoạch, chương trình với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về đẩy mạnh đào tạo lực lượng lao động. Ông Vinh kỳ vọng trong thời gian tới, VCCI có thể hợp tác với Samsung và các tập đoàn khác để đưa ra những chương trình đào tạo hết sức thực tiễn, cải thiện khả năng số hóa của các doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp