SSI: Gánh nặng chi phí dự phòng giảm, lợi nhuận ACB ước tăng 42%

NGÂN HÀNG Việt nAM
17:36 - 24/11/2022
SSI: Gánh nặng chi phí dự phòng giảm, lợi nhuận ACB ước tăng 42%
0:00 / 0:00
0:00
Theo chuyên gia SSI, ngân hàng ACB đã nỗ lực trích lập dự phòng mạnh mẽ và nợ xấu đang được kiểm soát, vì vậy khả năng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này sẽ đạt 17.000 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ.

Tại báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) ngày 24/11, Chứng khoán SSI Research cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, ACB là một trong số ít ngân hàng duy trì tăng trưởng tiền gửi khách hàng theo quý, đạt 392.000 tỷ đồng (tăng 3,2% so với đầu năm).

Riêng trong quý III/2022, ngân hàng này đã huy động vốn thông qua chứng chỉ tiền gửi và phát hành trái phiếu, với số dư lần lượt là 3.000 tỷ đồng và 2.200 tỷ đồng (tăng 6,3% so với quý trước). Qua đó, thanh khoản hiện tại được đảm bảo tốt, với tỷ lệ dư nợ tín dụng LDR (theo thông tư 22) ổn định ở mức 83% (so với mức trần quy định 85%).

Về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại ACB, trong kỳ, con số này đã giảm xuống 24,1% sau khi đạt đỉnh 26,9% tại quý đầu năm chủ yếu bắt nguồn từ sự sụt giảm từ CASA của khách hàng doanh nghiệp.

Mặt khác, tăng trưởng tín dụng của ACB đạt 11,2% so với đầu năm, tương đương 402.200 tỷ đồng, đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ năm 2019. Ngân hàng đã tập trung cho vay vốn lưu động đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ và hộ kinh doanh, qua đó, dư nợ từ những khách hàng này chiếm 56,6% tổng dư nợ cho vay, đạt gần 228.000 tỷ đồng trong quý III/2022.

Ngoài ra, ACB duy trì tỷ trọng dư nợ cho vay mua nhà ở mức 20%, tăng trưởng 25% so với đầu năm, tương đương khoảng 84.500 tỷ trong quý III/2022. Cơ cấu cho vay được cân bằng hợp lý, với dư nợ cho vay khách hàng cá nhân ở mức 65%, dư nợ khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ ở mức 29% và doanh nghiệp lớn ở mức 6% tổng dư nợ cho vay.

Trong kỳ, nợ xấu tại ACB đã tăng nhẹ nhưng con số này vẫn trong tầm kiểm soát. Số dư nợ cần chú ý và nợ xấu tại ngân hàng lần lượt là 1.800 nghìn tỷ đồng (tăng 16,6% so với quý trước) và 4.000 tỷ đồng (tăng 35,3% so với quý trước), đẩy tỷ lệ nợ xấu lên 1%.

Tuy nhiên, điều này phù hợp với dự báo của SSI khi Thông tư 14 hết hiệu lực vào tháng 6 năm 2022. Trong 9 tháng đầu năm 2022, 65% nợ xấu đến từ các khoản vay tái cơ cấu xấp xỉ 1.200 tỷ đồng.

Do ACB đã trích lập đầy đủ dự phòng cho các khoản vay tái cơ cấu, chuyên gia SSI cho rằng gánh nặng về chi phí dự phòng sẽ không đáng kể trong năm 2022. Trên đà phục hồi, tỷ lệ thu hồi các khoản vay tái cơ cấu đạt khoảng 80% trong 9 tháng đầu năm 2022. Mặc dù tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống còn 137,8% vào quý III năm 2022, nhưng SSI nhận định, ACB vẫn còn nhiều dư địa để tăng lợi nhuận năm 2022, với tỷ lệ nợ xấu ở mức 1%.

Trước các báo cáo về kết quả kinh doanh sau 9 tháng đầu năm tại ACB, chuyên gia SSI nhận định, đối với năm 2022, tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng này sẽ chỉ đạt 12,7% so với con số 16% được dự báo trước đó.

Với nỗ lực trích lập dự phòng mạnh mẽ trong năm 2021 và nợ xấu hiện đang được kiểm soát, SSI điều chỉnh dự báo chi phí dự phòng của ngân hàng ACB giảm 59% xuống 583 tỷ đồng trong năm 2022.

Qua đó, chuyên gia vẫn giữ nguyên dự báo lợi nhuận trước thuế của nhà băng này ở mức 17.000 tỷ đồng (tăng 42% so với cùng kỳ), đồng thời điều chỉnh giảm 0,07% đối với dự báo về NIM, xuống 4,2% (so với 4,27% theo giả định trước đây của SSI).

Đối với năm 2023, chuyên gia phân tích dự báo, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, ít nhất đến hết tháng 6 năm 2023. Qua đó, lợi nhuận trước thuế của ACB được kỳ vọng đạt 19.600 tỷ đồng (tăng 15,4 so với cùng kỳ).

Về nợ xấu, SSI dự báo, phần lớn nợ xấu tại ACB hình thành trong năm 2023 sẽ đến từ các khoản nợ tái cơ cấu, trước đó đã được trích lập dự phòng trong năm 2021. Do đó, chi phí dự phòng được ước tính thấp hơn so với mức 0,51% trong năm 2012 và mức trung bình hàng năm 0,4% sau khi loại trừ dự phòng VAMC.

"Chúng tôi tin rằng ACB sẽ tiếp tục quản lý rủi ro thận trọng và duy trì chính sách quản lý nghiêm ngặt đối với hoạt động cho vay, với bộ đệm tín dụng cao 146%, chi phí dự phòng tăng 59,2% so với cùng kỳ và chi phí dự phòng tín dụng cao hơn, ở mức 0,21% vào năm 2023", báo cáo viết.

Trong khi đó, theo báo cáo tại đại hội đồng cổ đông năm 2022, ACB đã đưa ra mục tiêu thận trọng hơn so với con số dự báo trên với kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 ước đạt 15.018 tỷ đồng, tăng 25% so với 2021. Dư nợ cho vay khách hàng dự kiến tăng 10% lên 398.299 tỷ đồng theo chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao hồi đầu năm và tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, ACB mang về 10.817 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành hơn 90% kế hoạch năm. Kết quả khả quan này là nhờ các hoạt động thu nhập lãi thuần, dịch vụ, hoạt động khác đều tăng. Đặc biệt ngân hàng được hoàn nhập 180 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong khi cùng kỳ phải trích lập hơn 2.800 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp