Sửa Luật Đất đai: Rà soát chặt chẽ, đảm bảo không có khoảng trống pháp lý

LUẬT ĐẤT ĐAI Việt nAM
18:54 - 22/09/2022
Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.
Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.
0:00 / 0:00
0:00
Cho ý kiến về dự án Luật đất đai sửa đổi, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh cần rà soát kỹ các quy định, bảo đảm quản lý chặt chẽ và phù hợp, không có khoảng trống pháp lý trong quản lý, kiểm soát việc sử dụng đất.

Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, ngày 22/9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, qua rà soát, dự thảo Luật Đất đai có nhiều điều quy định liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số.

Về các vấn đề cụ thể, tại khoản 4, Điều 152 và khoản 3, Điều 153 về giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào dân tộc, thiểu số, hộ gia đình, cá nhân ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị cần mở rộng hình thức giao đất để đáp ứng theo nhu cầu sử dụng đất của người dân làm đất ở, đất sản xuất kết hợp kinh doanh dịch vụ.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Điều 64 của dự thảo luật mới quy định việc giao đất, chưa đề cập đến việc cho thuê đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị ban soạn thảo quan tâm đến vấn đề này.

Về quy định sử dụng đất rừng tại điều 167, Điều 157 về sử dụng đất rừng, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, một số quy định của Luật Đai chưa thống nhất với quy định của Luật Lâm nghiệp; một số quy định chưa tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số có sinh kế phù hợp, thu nhập ổn định, gắn bó với công tác bảo vệ phát triển rừng…

Do vậy, theo ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, việc sửa đổi Luật Đất đai phải đảm bảo sinh kế của đồng bào theo điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất, kết hợp trồng được dược liệu, cây cảnh, chăn nuôi; đồng thời, gắn việc thực hiện các quy định về bảo vệ và phát triển.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng đề nghị cần có chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất ở các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; đồng thời có quy định về hạn mức miễn giảm do Chính phủ quy định chi tiết.

Tập trung rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nghị quyết số 18

Tham gia góp ý vào sửa đổi Luật Đất đai lần này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật có đến 80/240 điều có quy định giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết.

"Đây là một tỷ lệ lớn, do đó khi triển khai thực hiện sẽ khó bảo đảm minh bạch và ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát để cụ thể hóa nhiều hơn các quy định, giảm bớt các điều phải đợi Chính phủ hướng dẫn", ông Bùi Văn Cường phát biểu.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Quochoi.vn

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Quochoi.vn

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ yêu cầu quán triệt Nghị quyết 18-NQ/TW, nhất là tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị nhà ở thương mại để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân.

Ông Cường cũng đề nghị lưu ý về đấu giá đất sạch bởi theo khoản 3 Điều 66 dự thảo Luật quy định theo Luật Đấu giá tài sản, tuy nhiên Luật Đấu giá tài sản cũng chưa quy định cụ thể. Do đó cần quy định rõ ở trong luật này để bảo đảm việc đấu giá tường minh hơn.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ ra rằng, hiện có 22 trong tổng số 112 Luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật Đất đai hiện hành. Tuy nhiên, trong báo cáo chưa rà soát về tính tương thích, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Hiến pháp năm 2013.

Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục thể chế hóa đầy đủ Hiến pháp năm 2013 vào dự thảo Luật.

"Tập trung rà soát các nút thắt mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất để tạo không gian mới, động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và giảm tối đa thủ tục hành chính về đất đai" Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, đây là dự án Luật có vai trò hết sức quan trọng, nội dung phức tạp, phạm vi rộng liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra để hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm chất lượng. Trong đó lưu ý cần tập trung rà soát thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Bên cạnh đó, tiếp tục cụ thể hóa các quy định, hoàn thiện các báo cáo đánh giá tác động, rà soát để đảm bảo Luật không trái với các hiệp định ký kết các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nhất là đối với các vấn đề phức tạp như quy hoạch sử dụng đất tài chính, đất đai, giá đất xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu đất đai, ngân hàng, đất nông nghiệp; hoàn thiện quy định về phạm vi điều chỉnh để phù hợp với Luật Quy hoạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận. Nguồn: Quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận. Nguồn: Quochoi.vn

Bổ sung căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất; làm rõ đối tượng cơ sở xác định ảnh hưởng tác động của trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần và trường hợp trả tiền hàng năm để hoàn thiện các quy định của luật.

Bổ sung nguyên tắc tiêu chí, điều kiện cụ thể về giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong lĩnh vực văn hóa xã hội, du lịch, tôn giáo miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; xác định cụ thể nguyên tắc, tiêu chí của các trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất để tránh lạm dụng và thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, cần rà soát quy định bảo đảm quản lý chặt chẽ, phù hợp, không có khoảng trống pháp lý trong quản lý, quy định để kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng.

Đánh giá kỹ tác động của việc tập trung và tích tụ nhận đất nông nghiệp để quy định phù hợp; làm rõ cơ quan quản lý, thẩm quyền trình tự, thủ tục thuê đất các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, bổ sung quy định về đất khu kinh tế, hoàn thiện quy định với đất sử dụng đa mục đích đất.

Cụ thể hóa tối đa những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn có trong các văn bản hướng dẫn luật và áp dụng có hiệu quả. Lưu ý đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các Luật đang sửa đổi với các lĩnh vực đặc thù của các quy định cụ thể về đất đai điều chỉnh.

Đồng thời rà soát điều khoản thi hành để đảm bảo khả thi, tránh vướng mắc khi thực hiện đánh giá kỹ tác động đối với từng nội dung.

Đối với những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, cần làm rõ cơ sở, căn cứ pháp lý, tính khoa học và thực tiễn, ưu nhược điểm của từng loại ý kiến. Cần tiếp nhận các thông tin, ý kiến phản biện với tinh thần cầu thị, thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật.

Tin liên quan

Đọc tiếp