Sửa Luật Đất đai: Vẫn băn khoăn việc xây dựng bảng giá đất hàng năm

GIÁ ĐẤT QUỐC HỘI
12:10 - 11/06/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sau khi lấy ý kiến nhân dân, việc xây dựng bảng giá đất hàng năm được giữ nguyên. Một số đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn về nội dung này.

Theo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trình Quốc hội cho ý kiến lần này, UBND cấp tỉnh quyết định ban hành bảng giá đất định kỳ hàng năm sau khi được HĐND cùng cấp thông qua. Bảng giá đất được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1/1 hàng năm.

Bảng giá đất được xây dựng theo khu vực, vị trí. Đối với nơi có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi của Chính phủ, quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên đã bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025 để các địa phương có đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo quy định mới của Luật Đất đai.

Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai sửa đổi, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng cơ bản nhất trí với việc xây dựng bảng giá đất hằng năm nhằm bảo đảm sự cập nhật kịp thời với biến động giá đất trên thị trường.

Liên quan đến nội dung này, tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Đất đai sửa đổi sáng 9/6 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 5, một số đại biểu tiếp tục nêu băn khoăn.

Đại biểu Dương Ngọc Hải (Đoàn TP HCM) bày tỏ ủng hộ phương án là phải có bảng giá đất, vì bảng giá đất là cơ sở để tính tiền sử dụng đất, tính thuế, cơ sở cho việc bồi thường, giải tỏa, thu hồi đất và thậm chí là cơ sở cho việc đấu giá. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc tiếp tục quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm thì tốn rất nhiều thời gian, công sức.

Việc Sở Tài nguyên Môi trường và các cơ quan có liên quan hàng năm phải lo việc xây dựng bảng giá đất, năm nào cũng trình HĐND..., đại biểu cho rằng không cần thiết lắm, đồng thời đề xuất bảng giá đất nên kéo dài thời gian trong 2-3 năm là hợp lý.

Bên cạnh đó, để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, đại biểu Dương Ngọc Hải đề xuất điều chỉnh liên tục bằng một hệ số. UBND tỉnh, thành phố cần phải cập nhật liên tục, điều chỉnh công khai.

Đại biểu Dương Ngọc Hải. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Dương Ngọc Hải. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn TP HCM) cũng cho rằng, cần cân nhắc đối với quy định về xây dựng bảng giá đất hàng năm. Theo nữ đại biểu, vấn đề quan trọng là chính quyền địa phương sẽ cập nhật kịp thời các biến động ở những khu vực có biến động, còn ở những khu vực không có biến động thì không cần phải lập bảng giá đất này. Nếu như chính quyền địa phương ban hành chậm sẽ ảnh hưởng đến người dân khi người dân có nhu cầu thực hiện các thủ tục có liên quan đến cái bảng giá đất.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền các cấp trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai vào dự thảo Luật càng sớm càng tốt. Theo đó, Nhà nước cũng phải dành kinh phí cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và việc số hóa cơ sở dữ liệu đất đai.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn Bắc Ninh) thì cho rằng, xây dựng bảng giá đất lần đầu theo quy định của dự thảo Luật cần cân nhắc khả năng thực tế của địa phương trong việc đáp ứng được yêu cầu của Luật, các văn bản dưới luật sau khi Luật được ban hành, thuê tư vấn, thu thập thông tin, quy trình, thủ tục thẩm định, trình phê duyệt… Những việc này cần thời gian thực hiện nên có thể gây lúng túng khi địa phương không xây dựng kịp bảng giá đất.

Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu để có lộ trình thích hợp và có phương án quy định linh hoạt hơn trong trường hợp đến thời hạn ngày 1/1/2026 vẫn chưa hoàn thành được việc xây dựng bảng giá đất hằng năm, nhất là đối với các địa phương có điều kiện khó khăn, không có nhiều dữ liệu để xây dựng bảng giá đất. Đồng thời, lưu ý quy trình điều chỉnh, sửa đổi cần quy định phù hợp để bảo đảm tính khả thi.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cũng đề nghị nghiên cứu quy định rõ về nội hàm của việc xây dựng bảng giá đất theo vị trí để phân biệt với giá đất cụ thể và cách xác định “vùng giá trị”, “thửa đất chuẩn”; nghiên cứu bổ sung quy định về HĐND cấp tỉnh “quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất” để rõ ràng hơn về trách nhiệm bảo đảm việc định giá đất công khai, minh bạch, xử lý nghiêm các vi phạm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.